Chị Ngô Thị Thúy An: Từ Trưởng phòng CTSV năng động đến một giảng viên đầy nhiệt huyết.

Ngô Thị Thúy An – là cái tên vô cùng quen thuộc với sinh viên Đại học FPT Cần Thơ, từng được biết đến với vai trò là Trưởng phòng CTSV hết lòng vì sinh viên. Hiện tại, chị là giảng viên giảng dạy các môn kỹ năng mềm và chuyên ngành kinh tế tại Đại học FPT Cần Thơ. Cùng lắng nghe chị tâm sự về quá trình bén duyên với nghề nhé!

Soi profile “khủng”

 

 

Ngay từ bé, cô học trò Ngô Thị Thúy An luôn được thầy cô tin tưởng giao cho đảm nhiệm chức vụ lớp phó học tập bởi năng lực học tập tốt. Trong thời gian học, chị cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, từ múa hát đến thể thao và đạt được cũng kha khá giải thưởng, đặc biệt là điền kinh và bóng chuyền. Nhờ thành tích xuất sắc trong học tập và phong trào, chị luôn là gương mặt quen thuộc của các học bổng dành cho sinh viên xuất sắc từ trường Đại học Cần Thơ cũng như nhiều nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp dành cho sinh viên tiêu biểu. Sau khi xuất sắc nhận hai tấm bằng Đại học với danh hiệu thủ khoa, chị có cơ duyên nhận được học bổng toàn phần của VLIR-OUS và xách vali sang Ghent, Belgium du học. Tại đây, chị đã tốt nghiệp 2 bằng Thạc sĩ chuyên ngành Thủy Sản và chuyên ngành Quản lý kinh tế loại giỏi. Và sau hơn 6 năm học tập và làm việc tại Bỉ chị quyết định về lại Việt Nam vào năm 2016.


Thời điểm trước khi về ĐH FPT chị đang là quản lý Chi nhánh viện Quản lý kinh doanh quốc tế IBM tại Cần Thơ, một tổ chức đào tạo chương trình MBA và DBA của Đại học UBIS Thụy Sĩ. Bên cạnh đó chị cũng là giảng viên về Tiếng Anh và Chuyên ngành Kinh tế của chương trình thạc sĩ này.

Bén duyên cùng Đại học FPT Cần Thơ với thử thách ở vị trí Trưởng phòng CTSV

 
Chị đến với giáo dục từ những ngày đầu sau khi tốt nghiệp đại học, với vai trò là một nhân viên hành chính - nhân sự. Mặc dù không được đào tạo để làm giáo dục nhưng chị vẫn tin vào sự lựa chọn của mình. Sau khi chị đi học nước ngoài về và trải qua nhiều công việc, qua những vị trí khác nhau trong môi trường giáo dục, từ văn phòng cho đến giảng dạy, và cuối cùng chị đã đến với Đại học FPT như một cơ duyên.



(Chị Thúy An ở Viện Quản lý kinh doanh quốc tế IBM)


Về ĐH FPT với ý định ban đầu là giảng dạy, tuy nhiên, ở thời điểm đó trường đang tìm một người để quản lý phòng công tác sinh viên và mong muốn chị đảm nhiệm chức vụ ấy.


Lúc đó, chị cũng rất băn khoăn, vì bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý sinh viên hay tổ chức sự kiện. Mặc dù thời sinh viên chị cũng đã từng tham gia rất nhiều hoạt động, nhưng mà đâu có chuyên nên sao mình dám nhận được. Sau khi tìm hiểu nhiều hơn về triết lý giáo dục mà Đại học FPT đang hướng đến là kiến tạo một môi trường giúp cho tất cả sinh viên có cơ hội khám phá và phát triển kỹ năng, đam mê của bản thân thông qua các hoạt động, trải nghiệm đa dạng. Những điều này khác xa với những nơi khác chị từng làm nên chị rất là thích. Cộng với bản chất mình cũng muốn bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức ở lĩnh vực mới, muốn tiếp cận sinh viên ở những góc độ khác nhau nên chị đồng ý với đề nghị này.”

Một Trưởng phòng Công tác sinh viên “bung quẩy” hết mình cùng sinh viên


Chị chia sẻ, lúc mới bắt đầu thì có khá là nhiều áp lực vì sinh viên Đại học FPT hoàn toàn khác với sinh viên của các trường khác, rất năng động nhiệt tình, rất tự chủ, và ai cũng có lối suy nghĩ riêng của bản thân. Mặc dù cũng đã trải qua nhiều “drama” trầy da tróc vảy, có đôi lúc tưởng sẽ bỏ cuộc giữa chừng nhưng chính sự tin tưởng và những tình cảm yêu thương của các bạn sinh viên đã níu chân chị lại lâu hơn một chút.

 



Vẻ ngoài chị An khiến các bạn sinh viên ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngày đầu vào trường được tham gia các buổi chia sẻ của chị, ai cũng nhận định chị là người rất dịu dàng, đầy nhiệt huyết; khí chất toát ra từ chị khiến các bạn có cảm giác rất khó để tiếp cận. Nhưng không ngờ, chị lại là người rất thân thiện, luôn chủ động chào hỏi, bắt chuyện với sinh viên, và đặc biệt hơn là chị nhớ tên của những sinh viên mà mình đã từng tiếp xúc. Trong các sự kiện đều không ngại “lăn xả” hết mình cùng sinh viên: “Chị không ngại việc mình chưa bao giờ làm sự kiện, hay mình chưa bao giờ tiếp xúc với sinh viên theo cái kiểu như vậy. Chị muốn thử thách mình vì chị tin rằng chỉ cần cố gắng hết sức và luôn đặt cái tâm vào việc mình làm thì không việc gì là không thể.”

 



Chị luôn cố gắng đứng trên lập trường của sinh viên để nhìn nhận vấn đề chứ không phải đơn thuần là một cán bộ nhà trường. Chị muốn các sinh viên ngoài việc học kiến thức chuyên môn ra thì còn được trải nghiệm, được trang bị những kỹ năng để tự tin hơn, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Và điều chị An luôn ấp ủ trong lòng là làm thế nào để giúp các sinh viên phát triển một cách toàn diện nhất, tốt nhất có thể.

 




Một giảng viên với kim chỉ nam “Kiến thức chuyên môn là điều kiện cần, và kỹ năng là điều kiện đủ”


Sau 1 khoảng thời gian trải nghiệm ở vị trí Trưởng phòng CTSV, chị An đã quyết định quay về với công tác giảng dạy. Phương châm của chị khi đứng lớp là không chỉ truyền đạt kiến thức "lý thuyết suông" để giúp các bạn pass môn mà còn phải chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ những trải nghiệm của chính bản thân và những người mà chị từng tiếp xúc. Và công việc kinh doanh hiện tại đã giúp chị có được những bài học quý giá để chia sẻ với sinh viên của mình. “Cuộc sống muôn màu, các em rồi sẽ phải đối mặt với nhiều thứ không có trong sách vở”; “Thực tế rất khắc nghiệt và không ngừng vận động, chỉ cần đứng yên là đồng nghĩa với việc chúng ta đang thụt lùi”. Chính vì thế, bản thân chị cũng luôn học tập không ngừng để đảm bảo có đủ năng lực giảng dạy. Và khi tham gia các lớp học của chị các bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác “không ngừng vận động”. Chị luôn quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng “mềm” cần thiết cho sinh viên, nhằm giúp các bạn có thể thành công trong công việc và cuộc sống sau này. “Ra đời rồi mới biết học tốt tuy quan trọng, nhưng mới chỉ là điều kiện cần thôi; các em còn cần phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác nữa!”

 



Người tiếp lửa câu chuyện Khởi nghiệp cho các sinh viên xứ Hovilo


Ngoài đứng lớp các môn kỹ năng mềm và chuyên ngành Kinh tế, chị An còn phụ trách mảng Khởi nghiệp & Nghiên cứu khoa học của trường.


Thật ra câu chuyện khởi nghiệp của sinh viên không phải chuyện dễ, bởi chính bản thân chị cũng đang là một “nhà khởi nghiệp”, nên chị hiểu rất rõ những khó khăn, thách thức trên con đường lắm chông gai này!” – chị An chia sẻ. Mặc dù có thể ở hiện tại các bạn chưa đủ năng lực và các điều kiện cần thiết để có thể khởi nghiệp thành công. Nhưng điều các bạn có là những ý tưởng mới lạ và tinh thần dám dấn thân của người trẻ.
Do đó, nhiệm vụ của bộ phận này cũng như vai trò chị là làm sao để giúp các bạn hiểu rõ hơn về khởi nghiệp, cũng như thúc đẩy tinh thần đam mê khởi nghiệp của các bạn. Quan trọng hơn hết là tạo điều kiện cho các bạn trải nghiệm và rèn luyện để sau khi ra trường có đủ năng lực và sự tự tin để có thể “tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người khác” chứ ko chỉ dừng lại ở việc cần tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc.

 


Những lời mà chị luôn muốn nói với sinh viên FPT Cần Thơ


Chị đã từng trải qua nhiều môi trường giáo dục khác nhau, nhưng khi dừng chân tại Đại học FPT, các bạn sinh viên luôn tràn đầy sự năng động, tự tin, dám thể hiện, dám khẳng định cái tôi của riêng mình. Trong môi trường học tập đề cao sự tự do và khác biệt, các bạn luôn có nhiều cơ hội trải nghiệm để hiểu bản thân mình hơn, rèn được tinh thần chịu đựng áp lực (nhờ việc chạy deadline các môn học :)) và chủ động trong học tập cũng như các sự kiện, phong trào.


Stay Hungry, Stay Foolish” là một trong những câu nói mà chị rất thích và muốn nhắn nhủ đến tất cả sinh viên của mình; để nhắc nhở các bạn trẻ rằng phải có ước ao, phải có hoài bão, phải dám mạo hiểm, dám trải nghiệm cái mới, và hãy dũng cảm sống đúng với đam mê của mình. Bởi chỉ có luôn khao khát thì mới có thể tạo nên sự sáng tạo, đổi mới và làm thay đổi được cuộc sống. Khát khao sẽ giúp chúng ta hướng đến cái tốt đẹp hơn. “Chị luôn tin tưởng và cảm thấy tự hào vì sinh viên trường F!”

 

 



Với những công việc hiện tại ở Đại học FPT Cần Thơ, chị mong muốn trở thành người truyền cảm hứng, tạo động lực cho sinh viên, cũng như lan tỏa những giá trị tích cực đến sinh viên của mình. Chị nghĩ khi mình thật lòng cho đi cũng chính là lúc đang nhận lại!

Thuỵ Khanh

Tin tức Liên quan