Đề thi và đáp án chi tiết môn Văn Tốt nghiệp THPT 2020

Sáng nay, gần 900.000 thí sinh đang hoàn thành bài thi môn Văn, môn đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đề năm nay ra về bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Đề thi năm nay có 2 phần, phần đọc hiểu về sống trân trọng cuộc sống mỗi ngày, và một câu yêu cầu phân tích tư tưởng "đất nước của nhân dân" trong bài Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.



 

Thí sinh vui mừng

Tại điểm thi Trường THCS Bình Khánh (H. Cần Giờ, TP.HCM), hầu hết thí sinh vui mừng vì ôn kỹ phần đoán bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Thí sinh Thành Thái chia sẻ: "Em ôn sát sàn và đoán ngay là "Đất nước", vì năm nay COVID-19, tinh thần chia sẻ đoàn kết của con người nó "mách bảo" em. Em ôn khá kỹ và trúng tủ tác phẩm này.

Nhận xét đề môn văn, thầy Bạch Trọng Nhân - giáo viên văn Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - đánh giá: "Phần nghị luận văn học hơi dài, đoạn trích Đất Nước nằm trong trọng tâm ôn tập của nhiều thầy cô cho nên các em sẽ không bỡ ngỡ và tự tin làm bài. Đồng thời, trong bối cảnh cả nước đang chung sức chung lòng chống lại dịch bệnh thì đề còn nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay. Cách hỏi phần đọc hiểu quen thuộc . Các em đã được ôn tập rất nhiều. Nghị luận xã hội cũng quen thuộc, các em sẽ dễ đạt điểm. Tóm lại theo tôi đề dễ."

"Dễ hơn năm trước nhiều"

Tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM), đa phần thí sinh đều tươi cười sau bài thi văn.

Bạn Thúy Vy - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) - nhận xét đề thi không nằm ngoài các kiến thức đã ôn tập. Phần đọc hiểu gồm 4 câu tương đối đơn giản. Phần nghị luận xã hội về trân trọng cuộc sống, khá phù hợp với lứa tuổi trẻ đôi mươi.

Riêng phần nghị luận văn học, yêu cầu phân tích tư tưởng Đất nước Nhân dân trong bài thi Đất nước cũng không quá phức tạp. Chủ đề này cũng gần gũi, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay còn phức tạp, cả nước đồng lòng chống dịch.

"Mình thấy đề năm nay tương đối hay và gợi được nhiều cảm xúc cho người làm. Đoạn thơ được trích vào đề, học sinh dễ làm bà", Vy tự tin có thể lấy được 7 điểm từ đề thi.

Trong khi đó, bạn Huỳnh Yên - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q 3, TP.HCM) - chia sẻ đề văn "nhẹ nhàng", không nằm ngoài dự đoán của bạn khi ôn tập.

"Bài viết về yêu cầu có một ít cảm xúc. Mình thấy đề dễ hơn những năm trước rất nhiều", Yên nói.

"Đề ngon như giấc ngủ của con vậy"

Tại điểm trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội, nhiều thí sinh khoe "trúng tủ" khi đề thi ra vào bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Riêng câu đọc hiểu (câu 1) gần như cho điểm, không cần suy luận nhiều.

Thí sinh Nguyễn Chính Hưng cho biết: "Như mọi năm, câu 3 phần đọc hiểu yêu cầu phân tích, cần vận dụng kiến thức để trả lời câu hỏi. Nhưng năm nay đề khai thác trọn vẹn trong đoạn văn đọc hiểu, bám vào văn bản. Câu nghị luận xã hội rất nhân văn, còn câu nghị luận văn học có thể liên hệ tới chính đợt dịch COVID-19 để làm đầy đặn cho bài viết".

Còn các thí sinh tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn đánh giá đề thi vừa sức, thời sự. Thí sinh Hoàng Trúc Linh, THPT Amsterdam chia sẻ: "Đề thi năm nay vừa sức. Đề Đất nước rất hay phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang chống dịch COVID-19, nên em rất thích".

Thí sinh Vũ Khánh Linh, Trường chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội vui ra mặt vì làm được bài: "Đề rất ngon, ngon như giấc ngủ của con vậy. Đề đọc hiểu và nghị luận đều rất dễ".

Phụ huynh Nguyễn Việt Hà, có con học chuyên Tin, THPT chuyên Sư phạm cho biết: "Phải nói là thời gian qua cả gia đình rất căng thẳng, mệt mỏi vì phương án thi thay đổi liên tục. Mỗi ngày lại có một thông tin mới. Cháu học khối A nhưng vì COVID-19 phương án thay đổi nhiều quá nên nhiều lúc hoang mang không biết học khối A có đúng không. Năm nay COVID-19 nên tôi dặn con tập trung vào những tác phẩm thể hiện lòng tự hào dân tộc, không ngờ trúng vào đề thi Đất nước, mừng quá".

 

Đề văn thi tốt nghiệp THPT 2020: Đất nước - Ảnh 1.

Thí sinh vui vì đề trúng tủ - Ảnh: MAI THƯƠNG

Đề văn thi tốt nghiệp THPT 2020: Đất nước - Ảnh 2.

Các thí sinh rời khỏi phòng thi tại điểm thi THPT Chu Văn An, Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH




"Câu nghị luận xã hội rất nhân văn"


Tại điểm trường THPT Phạm Hồng Thái, nhiều thí sinh khoe "trúng tủ" khi đề thi ra vào bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Riêng câu đọc hiểu (câu 1) gần như cho điểm, không cần suy luận nhiều.

Thí sinh Nguyễn Chính Hưng cho biết: "Như mọi năm, câu 3 phần đọc hiểu yêu cầu phân tích, cần vận dụng kiến thức để trả lời câu hỏi. Nhưng năm nay đề khai thác trọn vẹn trong đoạn văn đọc hiểu, bám vào văn bản. Câu nghị luận xã hội rất nhân văn, còn câu nghị luận văn học có thể liên hệ tới chính đợt dịch COVID-19 để làm đầy đặn cho bài viết".

Thí sinh Huế: Vui vì đề ra "Đất nước"

Lúc 9h35, tại hội đồng thi THCS Nguyễn Chí Diễu (TP. Huế) nhiều thí sinh ra sớm. Bạn Nhật Linh (THPT Nguyễn Trường Tộ) cho biết rất vui vì năm nay đề ra bài thơ Đất Nước, trúng dự đoán của nhiều bạn. "Với dịch bệnh COVID-19 đất nước đang đoàn kết chung tay chống dịch nên em ôn rất kỹ bài này. Đây cũng là bài thơ em yêu thích với lối thơ tự do của một nhà thơ của Huế. Em làm khá tốt và hi vọng đạt điểm cao", Linh chia sẻ.

Linh cho biết thêm với câu nghị luận xã hội về trân trọng cuộc sống hàng ngày rất phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Em có liên hệ với dịch COVID-19 với việc đề cao sức khỏe con người.

Thí sinh hớn hở vì 'trúng tủ'

Tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, một số thí sinh ra sớm hớn hở vì "trúng tủ" khi ôn kỹ bài Đất nước.



Đề văn thi tốt nghiệp THPT 2020: Đất nước - Ảnh 1.
Thí sinh ra sớm ở điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh - Ảnh: DOÃN HÒA

Đề văn thi tốt nghiệp THPT 2020: Đất nước - Ảnh 2.
Thí sinh Đỗ Trọng Tình (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) ra sớm sau khi làm xong bài thi tại điểm thi Trường THPT Linh Trung - Ảnh: HOÀNG AN

 

 Gợi ý đáp án môn Ngữ Văn - kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020



(Theo Tuổi trẻ)

 

Phần I: Đọc hiểu
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2:
- Các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc Cực sinh trưởng rất đáng kinh ngạc:
+ Chúng vẫn đua nhau nảy mầm, nở thật nhiều hoa, kết hạt, chen chúc vươn mình trong khoảng không với mảnh đời ngắn ngủi.
+ Chúng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mùa đông dài khắc nghiệt sắp tới và phó thác sinh mạng mình cho tự nhiên.
+ Chúng thực sự sống hết mình cho hiện tại, không ảo tưởng, không phân tâm.
Câu 3:
Điểm tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở hai vùng:
- Các loài thực vật ở 2 vùng đều nảy mầm và nở hoa trong điều kiện khắc nghiệt nhất.
- Đều cho thấy sức sống phi thường của các 2 thảm thực vật.
Câu 4:
Học sinh đưa ra ý kiến riêng của mình, có thể đồng tình hoặc không đồng tình. Học sinh lí giải phù hợp với ý kiến.
Gợi ý:
- Đồng tình với ý kiến của tác giả.
- Vì:
+ Sống hết mình chứng tỏ con người đã không bỏ cuộc trước những khó khăn thất bại.
+ Sống hết mình, dù nhỏ bé chứng tỏ nếu con người có thất bại thì cũng đã rút ra cho mình được bài học. Mà thất bại nhỏ sẽ tạo nên thành công lớn.
+ Cả câu: Sống hết mình giúp con người vươn tới tương lai bởi mỗi bài học rút ra được từ sự nỗ lực sẽ giống như viên gạch xây đắp nền móng vững chắc để con người phát triển và hoàn thiện bản thân.
Phần II: Làm văn
Câu 1: Nghị luận xã hội
1. Giới thiệu vấn đề: sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày
2. Giải thích vấn đề: trân trọng cuộc sống mỗi ngày là thái độ sống tích cực, biết yêu mến, nâng niu cuộc sống.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Vì sao lại cần phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày?
+ Cuộc đời con người là hữu hạn, ngắn ngủi cho nên phải biết trân trọng cuộc sống mà mình đang có.
+ Cuộc sống cũng chứa đựng những biến cố bất ngờ, bất khả kháng xảy đến. Trước những biến cố đó, con người càng cần phải trân trọng điều nhỏ bé, bình dị, đời thường hàng ngày.
+ Biết nâng niu trân trọng cuộc sống thì con người mới biết sống tốt hơn, sống tử tế, sống Người hơn. Đây chính là ý nghĩa nhân văn cao cả.
- Từ đó: cần có thái độ sống đúng đắn: trân trọng cuộc sống mỗi ngày
+ Trân trọng từng khoảnh khắc trôi qua của cuộc sống, dẫu ngắn ngủi nhưng đó là khoảnh khắc tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta.
+ Sống hết mình, không lãng phí từng khoảnh khắc cuộc đời, tạo nên những khoảnh khắc đẹp để mỗi khoảnh khắc là mãi mãi...
+ Phê phán những người để cuộc sống mỗi ngày trôi qua vô nghĩa khi sống hời hợt, chạy theo ảo vọng (đưa ra những dẫn chứng cụ thể, thuyết phục)
+ Đặc biệt: đặt trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid diễn biến khó lường, con người đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, thiếu thốn về mọi mặt... thì càng phải biết trân trọng nâng niu cuộc sống bình yên đang có và nỗ lực xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn.
4. Liên hệ bản thân
Là một người học sinh/ một công dân trẻ: Chúng ta cần: tạo cho mình thái độ sống tích cực, hành động tích cực và lan tỏa những hành động đó đến với mọi người xung quanh.
5. Tổng kết
Khẳng định lại tầm quan trọng, sự cần thiết của việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày như lời cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
"Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay…"
Câu 2:
Giới thiệu chung
- Nguyễn Khoa Điềm một trong những gương mặt nổi bật trong văn học kháng chiến chống Mĩ.
- Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, dồn nén thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân.
- Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Đây là bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị vùng bị tạm chiếm ở miền Nam trước năm 1975. Nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ, đứng về nhân dân, đất nước; ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, họ đứng dậy xuống đường đấu tranh hòa nhập với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc.
- Đoạn trích Đất Nước thuộc phần đầu chương V của trường ca là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.
- Trong tác phẩm này nổi bật là tư tưởng Đất nước nhân dân và nó đã được tác giả thể hiện rõ nét trong đoạn trích trên.
Phân tích
1. Giải thích
Tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân": khác với quan điểm thời phong kiến cho rằng đất nước thuộc về vua chúa, trích đoạn đã làm nổi bật tư tưởng đất nước là của nhân dân - của tất cả mọi người không phân biệt giai cấp tầng lớp. Đất nước là do nhân dân tạo dựng, bảo vệ và làm chủ.
2. Chứng minh
- Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được tác giả chứng minh trên phương diện lịch sử
- Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử "Hãy nhìn rất xa- Vào bốn nghìn năm Đất Nước", nhà thơ càng thấm thía công lao xây dựng, vun đắp, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là của lớp người trẻ tuổi. Đó là những con người bình dị, năm tháng nào cũng có, cũng giống như anh và em của hôm nay.
- Trong thời bình, họ hiền lành và chăm chỉ trong công việc lao động để xây dựng đất nước, đưa đất nước đi lên. Nhìn về quá khứ của dân tộc để thấy được năm tháng nào cũng người người lớp lớp không phân biệt già trẻ, gái trai cũng luôn vừa cần cù làm lụng để kiếm miếng ăn vừa đánh giặc cứu nước, bất chấp hy sinh, gian khổ:
 

Năm tháng nào cũng người người, lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
 

- Còn trong thời loạn, "khi có giặc" ngoại xâm:

Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

- Và trong cái chiều dài của lịch sử dân tộc ấy, có biết bao lớp người con gái, con trai giống như lớp tuổi chúng ta bây giờ, họ đã sống và chết một cách giản dị và bình tâm không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng mà nhà thơ đã khẳng định vai trò của họ đối với đất nước thật vô cùng to lớn. Họ chính là những con người bình thường, giản dị, nhưng có một tình cảm sâu đậm đối với đất nước. Khi đất nước lâm nguy, bị kẻ thù xâm chiếm, họ tạm gác lại những tình cảm riêng tư, lên đường đi chiến đấu, đem máu xương của mình hiến dâng cho Tổ quốc. Chính họ là những con người "làm ra Đất Nước".
 

Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước

- Không chỉ lao động xây dựng đất nước, đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, mà những thế hệ người Việt trong suốt bốn nghìn năm còn gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau mọi giá trị văn hóa vật chất và tinh thần:
 

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cái
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại

3. Bình luận
- Về nội dung tư tưởng: Đây không phải tư tưởng mới, tư tưởng này đã xuất hiện trong thơ xưa đến nay như xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi: Nhân dân bốn cõi một nhà; Trong thơ hiện đại của Nguyễn Đình Thi: Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng;…
- Về nghệ thuật
+ Đoạn thơ giàu tính chính luận. Đưa ra các dẫn chứng để chứng minh đất nước của nhân dân.
+ Nội dung chính luận lại được thể hiện một cách trữ tình, trong những hình tượng nghệ thuật, sử dụng sáng tạo chất liệu dân gian, đi vào lòng người mà không hề khô khan.
+ Thể hiện giọng điệu tâm tình tha thiết lắng sâu, như câu chuyện của đôi lứa yêu nhau. Mang lại những rung cảm thẩm mỹ đẹp đẽ trong lòng người đọc.
Tổng kết vấn đề

 

Buổi chiều, thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán.

 

 

Theo Tuổi trẻ

Tin tức Liên quan