Đại học FPT Cần Thơ chung sức phòng ngừa virus Corona


Virus Corona đang bùng phát và lan rộng trên toàn thế giới. Số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão lên đến hơn 9692 ca. Số người tử vong được xác nhận cho tới nay là 213, tất cả đều ở Trung Quốc. Trong lúc chờ đợi vắc xin phòng ngừa, hãy cùng Đại học FPT Cần Thơ chung tay phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của cơn dịch cúm lần này.

 

 

Trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng 31/01 (giờ VN) ở Geneva (Thụy Sĩ), WHO ban bố TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP về sức khỏe cộng đồng TOÀN CẦU (PHEIC) đối với sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona bên ngoài Trung Quốc. PHEIC là một khái niệm chỉ dùng cho những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động.

 

 

Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão lên đến hơn 9692 ca, vượt qua số ca nhiễm SARS (Hội chứng Hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002-2003. Tổng số ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc lên tới 98 ca ở 18 nước. Số người tử vong được xác nhận cho tới nay là 213, tất cả đều ở Trung Quốc. WHO mô tả: “đây là sự bùng phát chưa từng có tiền lệ.”

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ sau Tết và phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chiều 30/1, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, cả nước đã thành lập 24 đội phản ứng nhanh để chống dịch.

 

 

Ngày 30/1, tại cuộc họp giao ban, báo cáo về tình hình Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho biết, trong 7 ngày Tết, trên địa bàn TP có 98 du khách Trung Quốc lưu trú tại các khách sạn và đến nay chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, tính đến 21h ngày 29/1, vẫn còn 20 khách Trung Quốc lưu trú ở 3 khách sạn trên địa bàn Cần Thơ, trong đó có 4 khách đến từ Vũ Hán. 4 khách này đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 20/1, di chuyển đến Phú Quốc và sau đó về Cần Thơ vào ngày 25/1. Nhằm đảm bảo an toàn, tại khách sạn, 4 vị khách này được bố trí 2 phòng riêng biệt, ở một tầng cách ly với các khách khác và được tiến hành kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Cao Minh Chu, Sở Y tế đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bệnh tại các đơn vị y tế, triển khai văn bản chỉ đạo của cấp trên. Tại TP Cần Thơ, 4 bệnh viện tổ chức khu cách ly, thu dung và điều trị nCoV: Đa khoa TP Cần Thơ, Lao và Bệnh phổi, Nhi đồng và Đa khoa trung ương Cần Thơ. Khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, các đơn vị y tế chuyển về 4 đơn vị này điều trị, tùy theo phân cấp của Sở Y tế, theo nguyên tắc nơi nào gần nhất thì chuyển đến. Tại 4 đơn vị này chuẩn bị khu vực cách ly, thuốc, trang thiết bị, xe cấp cứu chuyên dụng, đội ngoại viện hỗ trợ tuyến dưới. Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố giám sát đầu vào ở tất cả các cửa khẩu. Sở Y tế sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch đáp ứng phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV. Đồng thời, công bố danh sách các cơ sở y tế thu dung, điều trị nCoV; thành lập đội phản ứng nhanh; phối hợp Sở Giao thông vận tải giám sát các chuyến tàu có khách đến từ các nước có dịch bệnh, ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV.

 

 

Trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, Đại học FPT Cần Thơ cũng đưa ra những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đến toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhằm hạn chế sự lây lan của loại virus mới này.

Ngày 03/02/2020, sinh viên Đại học FPT Cần Thơ sẽ bắt đầu quay trở lại trường để học tập sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán 2020. Dưới đây là một số biện pháp phòng chống bệnh mà sinh viên, cán bộ, giảng viên cần tuân thủ:

1. Rửa tay thường xuyên.
2. Mở cửa bằng khuỷu tay.
Khi đến các nơi công cộng hoặc nhà vệ sinh, với những cánh cửa phải mở bằng tay nắm cửa, chúng ta có thể lấy một tờ giấy ăn, giấy vệ sinh mang theo sẵn để cầm vào tay nắm mở cửa, sau khi đã ra ngoài (vào trong), chúng ta cần bỏ tờ giấy đó vào những thùng rác có nắp đậy. Nếu không có sẵn giấy, sau khi vặn tay nắm cửa ra ngoài, chúng ta cần sát khuẩn tay bằng nước sát khuẩn mang theo hoặc rửa tay với xà phòng và nước.
Với những cánh cửa không có tay nắm cửa và đẩy được, chúng ta có thể đẩy cửa bằng khuỷu tay hoặc vai, điều này giúp đảm bảo tránh sự lây nhiễm tới bàn tay.
3. Hạn chế đến chỗ đông người. Hạn chế tối đa việc tụ tập nơi đông đúc.
4. Ở không gian đông người, đứng sát, không khí không lưu thông (thang máy, nhà ga, toa tàu...) nên mặc áo quần kín, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc, nói chuyện.
5. Sát khuẩn bề mặt vật dụng thường ngày (điện thoại, máy tính, bàn làm việc, giày dép...).
6. Sử dụng khẩu trang 3 lớp khi ra ngoài, tiếp xúc chỗ đông người. Đã tháo khẩu trang là không dùng lại.
7. Hạn chế tối đa sờ tay lên mặt.
8. Súc miệng bằng các dung dịch chuyên dụng hoặc pha nước muối.
9. Lưu ý khi ho, khạc, hắt hơi.
10. Không gắp thức ăn cho người khác.
11. Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, họng, mũi và bàn tay chân. Khi ngủ nên để nhiệt độ trên 25 độ C, tốt nhất là 27 độ C.
12. Chỉ sử dụng các thực phẩm chín kĩ. Trong thời điểm này, tuyệt đối không mua và giết mổ bất cứ động vật sống nào.
13. Theo dõi cập nhật tin tức dịch bệnh từ các kênh thông tin chính thống.
14. Khi có các dấu hiệu cảm sốt hoặc các triệu chứng hô hấp, cần đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất hoặc liên hệ với các cơ quan phòng chống bệnh để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Tin tức Liên quan