Cận Tết, Sinh viên Đại học FPT Cần Thơ xây dựng phần mềm phát hiện dịch bệnh gia cầm miễn phí
Nhận thấy vào dịp cận Tết nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm tăng cao, sinh viên FPT Edu đã phát triển ứng dụng AI mang tên “Hệ thống nhận diện và quản lý vùng bệnh trong chăn nuôi gia cầm” để hỗ trợ các hộ chăn nuôi, người tiêu dùng phát hiện sớm, quản lý dịch bệnh. Nhóm sinh viên FPT Edu cho biết ứng dụng dự kiến sẽ được miễn phí sử dụng.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2003, cúm H5N1 đã xuất hiện tại hơn 2000 xã, phường, trị trấn và khiến 45 triệu con gia cầm bị tiêu hủy.
Tuy vậy, việc quản lý gia cầm nhiễm bệnh chưa được tiến hành triệt để và hiệu quả. Gia cầm mắc bệnh thường không được tiêu hủy đúng cách, gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, có trường hợp, người dân lén lút đem gia cầm bệnh đi nơi khác tiêu thụ, gây nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, nhất là vào dịp Tết khi nhu cầu của người dân tăng cao. Chỉ tính riêng từ năm 2003 đến tháng 4/2014, cả nước có 127 người bị lây nhiễm cúm gia cầm, 65 người mắc bệnh đã tử vong.
Cúm gia cầm gây nhiều thiệt hại về kinh tế, môi trường và sức khỏe.
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm sinh viên FPT Edu đã đưa ra ý tưởng về một hệ thống giúp người chăn nuôi có thể dễ dàng nhận diện và quản lý bệnh dịch bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hệ thống gồm 2 phần: ứng dụng (mobile app) có chức năng chẩn đoán bệnh và giúp kết nối với chuyên gia; còn trang web giúp hiển thị bản đồ phân bố vùng bệnh.
Cụ thể, khi có những nghi ngại về tình trạng của gia cầm, người dùng sẽ chụp lại ảnh của con vật bệnh bằng chế độ chụp ảnh có sẵn trong ứng dụng. Ứng dụng sẽ phân tích hình ảnh và đưa ra kết quả dự đoán bệnh cùng các hướng xử lý thích hợp để không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Nhóm đang hoàn thiện sản phẩm tại vòng chung kết FPT Edu Hackathon 2019
Sau đó, ứng dụng sẽ kết nối người dùng với mạng lưới chuyên gia hoặc hệ thống chi cục thú y trên cả nước để được tư vấn thêm hoặc có các giải pháp khắc phục. Đồng thời, hình ảnh mà người dùng cung cấp cũng bổ sung dữ liệu cho ứng dụng để đánh dấu các vùng có bệnh dịch.
Hiện “Hệ thống nhận diện và quản lý vùng bệnh trong chăn nuôi gia cầm” của nhóm sinh viên FPT Edu có khả năng phát hiện 4 loại bệnh: bệnh đậu gà, bệnh ILT, bệnh newcastle và bệnh marek. Đây đều là những bệnh thường gặp ở gia cầm và có khả năng phát triển rất nhanh, gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Phạm Quốc Nghị (Trưởng nhóm phát triển) cho biết ưu điểm của hệ thống so với các thiết bị đang lưu hành trên thị trường đó là ở khả năng phát hiện chính xác nhiều loại bệnh. Nhóm đã thu thập gần 600 hình ảnh về các con gà bị bệnh dịch, nhờ chuyên gia dán nhãn cho từng loại bệnh và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích. Từ đó, ứng dụng nhận diện được các dấu vết bệnh của gia cầm trên ảnh mà người dùng chụp. Qua quá trình thử nghiệm, Nghị cho biết độ chính xác của sản phẩm đang là 75%.
“Nhóm đang hoàn tất các bước cuối cùng để đưa sản phẩm đến tay nông dân, người tiêu dùng hoàn toàn miễn phí.” - Quốc Nghị chia sẻ.
Được biết 4 thành viên của nhóm nghiên cứu: Phạm Quốc Nghị, Lê Thành Nhân, Huỳnh Thị Nhiên và Trương Thị Thanh Xuân đều đang theo học CNTT tại FPT Edu. Theo sát nhóm trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống, Th.S Quách Luyl Đa (Giảng viên FPT Edu) chia sẻ: “Các sinh viên trong nhóm mới chỉ học xong lập trình căn bản nhưng đã rất chủ động tự học thêm các ngôn ngữ lập trình Python và Tensorflow để nâng cấp sản phẩm. Nhờ đó, các bạn đã vượt qua được giới hạn bản thân và phát triển thành công hệ thống.”
4 thành viên của nhóm từ trái qua: Phạm Quốc Nghị, Trương Thị Thanh Xuân, Huỳnh Thị Nhiên và Lê Thành Nhân.
Mới đây, hệ thống này đã giành giải Nhất chung cuộc FPT Edu Hackathon 2019 - cuộc thi lập trình lớn nhất FPT Edu.
Dự định sắp tới của cả nhóm là tiếp tục hoàn thiện thêm một số tính năng gồm chat với chuyên gia hay thương mại điện tử (bán các sản phẩm như thức ăn gia cầm, thuốc…) để có thể tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh hỗ trợ các hộ chăn nuôi.
“Trên toàn quốc hiện có hơn 200 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, hàng chục doanh nghiệp thuốc thú ý cùng 10 triệu hộ chăn nuôi gia cầm. Khi được ứng dụng trên thực tế, sản phẩm của nhóm sẽ vừa tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp, vừa phục vụ môi trường và người dân. Biết là, sức sinh viên còn hạn chế nhưng mình hy vọng sẽ nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ người dùng.” - trưởng nhóm Phạm Quốc Nghị bày tỏ.
Theo Dân trí