4 nhà nghiên cứu của FPT Edu mang công trình khoa học đến Pacling 2019

Trong hơn 40 công trình nghiên cứu được giới thiệu tại Pacling 2019, FPT Edu có 4 báo cáo của các cán bộ, giảng viên. Điều đó cho thấy sự phát triển trong công tác nghiên cứu khoa học của nhà F.

 

Nhà nghiên cứu trẻ đề xuất sáng kiến giúp chatbot “người” hơn

Đề tài “Nghiên cứu về các phần mix domain dialogue” của anh Lương Chí Thọ (Ban Công nghệ) tập trung vào việc phát triển dialogue (đối thoại) trong ứng dụng chatbot theo hướng thân thiện hơn với người sử dụng, giúp họ bớt cảm giác đối thoại với máy trong khi cần

được nhanh chóng giải đáp các thắc mắc.

 

 

Sản phẩm sẽ được thương mại hóa trong tương lai gần và rất có thể các đơn vị trong Tập đoàn FPT sẽ là những “khách hàng” đầu tiên. Với khối giáo dục, sản phẩm sẽ giúp giải đáp các câu hỏi của sinh viên liên quan đến nội quy, học phí, quy định học đường… Với khối bán lẻ, sản phẩm trở nên đặc biệt hữu ích khi tư vấn mặt hàng, quảng bá chương trình khuyến mãi…

 

Chuyên gia Ban Công nghệ sáng tạo công cụ giúp lọc bình luận trên báo điện tử lớn nhất Việt Nam

Đến với Pacling 2019, TS. Đặng Hoàng Vũ – Chuyên gia của Ban Công nghệ trình bày nghiên cứu “Tự động phê duyệt nhận xét trực tuyến với mạng nhiều bộ mã hóa”. Đây là công trình đang được thử nghiệm trên hệ thống của báo VnExpress – một trong những tờ báo trực tuyến có số lượng người truy cập lớn nhất Việt Nam, nhằm loại bỏ những bình luận vi phạm các quy định về văn hóa, đạo đức… hoặc có tính kích động, chia rẽ, phân biệt sắc tộc… Anh Vũ cho biết, trước đây các công đoạn này thường được thực hiện một cách thủ công. Nhưng công cụ do anh nghiên cứu có thể chạy hoàn toàn tự động, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực cho tòa soạn báo.

 

 

Là một chuyên gia công nghệ từng nhiều lần tham gia các sự kiện khoa học quốc tế, anh nhận định Pacling là một hội nghị quốc tế uy tín, có chất lượng và tạo cơ hội rất lớn với những người làm nghiên cứu tại Việt Nam.

 

Giảng viên trẻ nghiên cứu công cụ nhận diện âm thanh

Xuất phát từ một dự án thời đại học, TS. Trần Đức Chung, giảng viên ĐH FPT Hà Nội, đã tiếp tục phát triển và hoàn thiện nghiên cứu “Tác dụng của hệ che phủ trong việc phân tách tiếng nhạc cụ và giọng nói dựa trên quang phổ” tại Pacling 2019. Nghiên cứu tập trung vào phân tích những ảnh hưởng của hệ che phủ trong quang phổ của giọng nói hoặc nhạc cụ. Công trình này sẽ có ứng dụng cụ thể như phân tích và nhận diện âm thanh, tách và điều chỉnh âm thanh…

 

 

Nghiên cứu của anh Chung đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu tại Pacling 2019. Anh dự kiến sẽ tiếp tục phát triển công trình của mình tại Viện Nghiên cứu công nghệ FPT.

 

Nhà nghiên cứu miền Tây ấp ủ sáng kiến giúp người khiếm thính tiếp cận các sản phẩm truyền hình

Th.S Quách Luyl Đa, giảng viên ĐH FPT Cần Thơ mang đến Pacling đề tài: “Đề xuất quy trình dịch ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt thông qua việc so sánh một số thuật toán phân loại”. Đây là tâm huyết nghiên cứu trong gần 2 năm của nhà khoa học miền Tây, nhằm giúp những người khiếm thính dễ dàng hơn trong việc theo dõi và tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền hình. Qua quá trình tìm hiểu, anh Đa đã có những cải tiến mạnh mẽ trong dịch cấu trúc tiếng Việt sang ngôn ngữ ký hiệu và hoàn thiện thêm bộ từ điển của loại ngôn ngữ này. Đồng thời, anh cũng xây dựng một “nhân vật động” mô phỏng người thật để thể hiện các cử chỉ của ngôn ngữ ký hiệu, bao gồm cả chuyển động tay, đầu hay cơ mặt… Khi đem thử nghiệm, sản phẩm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của cộng đồng những người khiếm thính.

 

 

Trong tương lai, anh Quách Luyl Đa có kế hoạch đưa nghiên cứu của mình trở thành một công cụ mở như Google Translate để người khiếm thính dễ dàng sử dụng, đồng thời tạo điều kiện để họ có thể chủ động bổ sung dữ liệu cho sản phẩm.

Theo FPT Edu

Tin tức Liên quan