28 đội thi hừng hực khí thế tại vòng Sơ loại FPT Edu Hackathon 2019

Ngày 28/12, 28 đội thi đến từ FPT Education 3 miền đã tranh tài tại Vòng Sơ loại của FPT Edu Hackathon 2019. Vòng thi gồm: lập trình CodeLearn vào buổi sáng và thuyết trình bảo vệ sản phẩm vào buổi chiều, tổ chức đồng thời tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và Cần Thơ. Đại học FPT Cần Thơ tự tin bước vào Vòng thi với 3 đội thi là 3N1X, Four Kicker và BUG & LAG. Sau Vòng Sơ loại, cả 3 đội thi team Cần Thơ đều xuất sắc bước vào vòng chung kết diễn ra tại Đại học FPT Hà Nội vào ngày 11/1-12/1/2020.

 


Ngày 28/12 vừa qua, 28 đội thi đến từ FPT Edu 3 miễn đã tranh tài nảy lửa tại Vòng Sơ loại của FPT Edu Hackathon 2019. FPT Edu Hackathon 2019 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Cuộc thi dành cho các sinh viên, học sinh, học viên của toàn Tổ chức Giáo dục FPT trên 3 miền đất nước.


Thách thức của cuộc thi nằm ở việc các thí sinh phải phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng, nhằm giải bài toán được cuộc thi đặt ra. Cuộc thi trải qua 3 vòng gồm: vòng lọc ý tưởng, vòng sơ kết và vòng chung kết.


Sau vòng lọc ý tưởng, BGK đã chọn ra 28 đội thi xuất sắc từ 76 đội thi trên toàn quốc để bước vào Vòng Sơ loại. Trong đó, Đại học FPT Cần Thơ góp mặt vào Vòng thi với 3 đội thi là 3N1X, Four Kicker và BUG & LAG.

 

Team 3N1X - Đại học FPT Cần Thơ


Team Four Kicker - Đại học FPT Cần Thơ

Team BUG & LAG

 

Tại đây, 28 đội thi ở hai bảng A và B có 3 tiếng để tham gia thi CodeLearn từ 8h30 đến 11h30 sáng ngày 28/12. Ngay sau phần phát biểu thông báo vòng Sơ loại FPT Edu Hackathon 2019 chính thức bắt đầu, 28 đội thi đã đăng nhập hệ thống CodeLearn theo account được BTC cấp trước đó để tranh tài khả năng code.


Chiều cùng ngày từ 13h00 đến 18h00, 28 đội thi tiếp tục bước vào phần thuyết trình với Hội đồng Ban giám khảo để bảo vệ ý tưởng của đội mình. Mỗi đội có tối đa 10 phút để hoàn thành phần thi, trong đó 5 phút trình bày ý tưởng và 5 phút trả lời câu hỏi từ Ban giám khảo.


Vòng sơ loại cuộc thi được tổ chức kết hợp giữa hình thức offline và kết nối trực tuyến bằng công nghệ teleconference, giúp các đội dự thi tại từng thành phố Hà Nội – Đà Nẵng - TP. HCM – Cần Thơ có thể bảo vệ ý tưởng với BGK của FPT Edu Hackathon toàn quốc.

 


Được biết, BGK là các giảng viên của từng đơn vị trong Tổ chức Giáo dục FPT. Trong đó, thành viên BGK tại đầu cầu Hà Nội có thầy Phan Trường Lâm và thầy Bùi Ngọc Anh đại diện ĐH FPT, đại diện Đại học Greenwich (Việt Nam) là thầy Doãn Trung Tùng, Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic là thầy Trần Hữu Thiện, đầu cầu Cần Thơ có thầy Lương Hoàng Hướng, đại diện đầu cầu TP.HCM có thầy Nguyễn Huy Hùng và anh Cao Văn Việt – đại diện CodeLearn.


Điểm của các đội thi được tính 40% điểm thi CodeLearn và 60% điểm Ý tưởng. Trong đó, điểm ý tưởng được chấm dựa trên 4 tiêu chí gồm: Ý tưởng giúp giải quyết vấn đề nổi cộm cho xã hội hiện nay; tính sáng tạo của sản phẩm; khả năng ứng dụng vào thực tiễn và tính thương mại hoá của sản phẩm.

 


Lần đầu tiên tranh tài tại FPT Edu Hackathon 2019 nhưng các chàng trai đến từ miền Tây sông nước lại không hề thua kém các anh tài khác về độ quyết tâm. Là một trong 28 đội thi bước vào vòng sơ loại, BUG and LAG gây ấn tượng với BGK bởi ý tưởng xây dựng hệ thống giám sát ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn ở các khu công nghiệp để đánh giá về mức độ nguy hiểm tới người dân sinh sống tại khu lân cận qua phần mềm GIS – Geographic Information System. Đây là một trong những ý tưởng bám sát vào chủ đề của cuộc thi và hứa hẹn sẽ giải quyết được những vấn đề ô nhiễm của môi trường hiện nay.

 


Không muốn bỏ lỡ cơ hội đi đến vòng Chung kết của cuộc thi, các thành viên của BUG and LAG đã cùng nhau luyện tập thuyết trình và chăm chút cho sản phẩm của mình. “Mình sẽ cùng bạn làm slide tập dượt thuyết trình với nhau, trong khi đó 2 thành viên còn lại sẽ tập trung hoàn thiện sản phẩm. Nhóm dự định sẽ ngồi với nhau đến hết tối nay luôn để đảm bảo các khâu được hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, BUG and LAG sẽ quyết tâm đạt điểm cao nhất trong phần thi code của cuộc thi. Hy vọng, các thành viên sẽ cùng nhau đi đến đích tại FPT Edu Hackathon 2019”, Nguyễn Duy Quang Huy – nhóm trưởng BUG and LAG chia sẻ.


Dù là nhóm đầu tiên mở màn phần thi song các chàng trai đến từ FPTU Cần Thơ lại tỏ ra khá bình tĩnh và tự tin. Ý tưởng của nhóm tập trung vào việc xây dựng hệ thống giám sát ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn ở các khu công nghiệp để đánh giá về mức độ nguy hiểm tới người dân thông qua việc mô phỏng ô nhiễm trên GIS - Geographic Information System. Nhóm đã nhận được khá nhiều câu hỏi về đặc tính kĩ thuật và tính khả thi từ hội đồng.


Kết thúc Vòng Sơ loại, BGK đã chọn ra 14 đội thi xuất sắc nhất để bước tiếp vào vòng chung kết, trong đó Đại học FPT Cần Thơ có 3 đội thi đều vinh dự góp mặt vào chung kết tại Hà Nội.


Dưới đây là danh sách các đội thi lọt vào vòng Chung kết cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2019.

 


Như vậy, từ thời điểm công bố top 14 đến ngày Chung kết, các đội thi sẽ có hơn 10 ngày để tập trung hoàn thiện ý tượng và sản phẩm của đội mình. Trong vòng chung kết, mỗi đội thi sẽ nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong thời gian 48 tiếng không nghỉ. Tại đây, các đội sẽ thực hiện demo sản phẩm và thuyết trình sản phẩm trước Hội đồng BGK, từ đó tìm ra đội chiến thắng cuối cùng của cuộc thi. Phần thuyết trình và demo sản phẩm được diễn ra theo bảng đấu, và sẽ được tiến hành đồng thời.


Được biết, vòng chung kết cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2019 sẽ diễn ra vào ngày 11-12/1/2020 tại FPT Edu campus Hòa Lạc.

Tin bài: Phòng Tuyển sinh Trực tuyến Đại học FPT Cần Thơ

Ảnh: Phòng CTSV Đại học FPT Cần Thơ



Tin tức Liên quan