Thương hiệu FPT trị giá nhất ngành công nghệ Việt Nam
Theo Forbes, FPT là một trong những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, trị giá hơn 217 triệu USD.
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. Tổng giá trị thương hiệu của danh sách 2020 đạt hơn 12,6 tỷ USD, tăng 22% so với danh sách lần thứ ba.
Trong đó, 10 thương hiệu dẫn đầu gồm các tên tuổi quen thuộc như Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes, MobiFone, Masan Consumer, Vietcombank, FPT, Vincom Retail, với tổng giá trị hơn 8,1 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm ngoái. Top 10 này chiếm 30% tổng giá trị của danh sách.
FPT là thương hiệu Công nghệ duy nhất trong Top 10 và thuộc top 20 thương hiệu Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD. Thương hiệu FPT trị giá 217,7 triệu USD, cách xa thương hiệu công nghệ top 50 khác là VNG (vị trí 25, trị giá 69,3 triệu USD).
Đây là năm thứ 8 liên tiếp FPT lọt Top 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.
Đứng đầu danh sách năm nay là Viettel, với giá trị thương hiệu hơn 2,9 tỷ USD, tiếp theo là Vinamilk, với giá trị thương hiệu hơn 2,4 tỷ USD. Như vậy, vị trí xếp hạng của hai thương hiệu này đã đổi cho nhau so với bảng xếp hạng năm ngoái. Danh sách 2019 ghi nhận, giá trị thương hiệu của Viettel và Vinamilk lần lượt là 2,1 và 2,2 tỷ USD.
Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2020 được xếp theo từng ngành. Phần lớn có bề dày hoạt động trên 10 năm. Xét theo lĩnh vực, hai nhóm ngành có nhiều đại diện nhất gồm nhóm thực phẩm – đồ uống và nhóm dịch vụ tài chính, đều có 9 đại diện; tiếp theo là bất động sản, công nghệ, nguyên liệu, bán lẻ.
Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp của Forbes (Mỹ), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo. Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 100 công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc tính toán dựa trên báo cáo tài chính của các công ty.
Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E trung bình ngành trong khu vực. Với công ty chưa niêm yết, tạp chí này áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô đã niêm yết để xác định giá trị thương hiệu.
Tuy nhiên, Forbes Việt Nam cũng lưu ý họ không tính toán thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền, doanh nghiệp kinh doanh bán buôn, thương hiệu không tác động đến hành vi người dùng.
Phương pháp tính toán dựa trên số liệu, dù đã nỗ lực, Forbes Việt Nam thừa nhận chưa có đủ thông tin để xác định giá trị thương hiệu của một số doanh nghiệp nhà nước và tư nhân lớn khi doanh nghiệp không công khai số liệu. Vì vậy, các công ty đại chúng chiếm một tỷ lệ lớn trong danh sách.
Cách đây không lâu, FPT cũng giành giải thưởng Thương hiệu Nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất trong lĩnh vực CNTT do Tổ chức tư vấn châu Á về nguồn nhân lực Anphabe vinh danh.
6 tháng đầu năm 2020, FPT đạt tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) lần lượt là 13.611 tỷ đồng và 2.428 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 9% và 14% so với cùng kỳ. Biên LNTT của Tập đoàn tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 17,8% so với 17,1% cùng kỳ năm 2019.
Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm tăng trưởng lần lượt 13,5% và 14,7%, đạt tương ứng 2.021 tỷ đồng và 1.626 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 2.078 đồng, tăng trưởng 14,1% so với 6 tháng 2019.
Trong năm 2020, FPT đặt kế hoạch doanh thu 32.450 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận trước thuế 5.510 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Chính sách cổ tức dự kiến là tiền mặt 20% và sẽ do ĐHĐCĐ thường niên 2021 quyết định cụ thể.