SV ĐH FPT phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học theo phương pháp kiến tạo xã hội

Nhận thấy phương pháp học tập kiến tạo xã hội đang được ứng dụng tại ĐH FPT có tác động tích cực tới hiệu quả học tập của SV, nhóm sinh viên ĐH FPT Hà Nội quyết định xây dựng một nền tảng nhằm phổ biến phương pháp này, tạo điều kiện để mọi GV, SV đều được trải nghiệm dạy và học theo học thuyết kiến tạo.

EduNext là nền tảng học tập trực tuyến dành cho SV ĐH FPT, được phát triển dựa trên lý thuyết dạy - học kiến tạo (Constructivism) cũng như ứng dụng kỹ thuật, công nghệ. Nền tảng này không chỉ có đủ các tính năng dạy - học trực tuyến như Zoom, Google Meet, mà còn tích hợp những đặc thù như chat/video trực tiếp; đánh giá bằng vote, comment; chia nhóm làm bài tập; lưu trữ tài liệu... Khi học tập kiến tạo với EduNext, SV ĐH FPT sẽ được khuyến khích tinh thần tự học và phản biện, chủ động tiếp thu và tìm tòi kiến thức thay vì học kiểu đọc - chép như truyền thống.

Là những SV ĐH FPT được trực tiếp trải nghiệm học tập kiến tạo trên nền tảng EduNext nên nhóm 5 SV gồm Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Thanh Tùng, Ngụy Tôn Hùng, Trần Hữu Trọng và Phùng Xuân Tiến hiểu rõ hơn ai hết những ưu thế khác biệt khi chuyển từ phương pháp học truyền thống sang học tập kiến tạo Constructivism. Trên thực tế, phương pháp này đã ra đời từ lâu, nhưng mới chỉ phổ biến ở một số quốc gia phát triển. Đây chính là lý do để nhóm SV ĐH FPT Hà Nội quyết định bắt tay xây dựng một nền tảng online với mong muốn góp phần phổ biến phương pháp dạy và học kiến tạo.


Nhóm 5 SV ĐH FPT Hà Nội với ý tưởng xây dựng một nền tảng hỗ trợ việc dạy và học theo phương pháp kiến tạo xã hội


“Nền tảng này được nhóm xây dựng trên tinh thần kế thừa và học hỏi từ EduNext, tuy nhiên có thể coi đây là một phiên bản rút gọn và đơn giản hơn, do không đi sâu vào xây dựng những tính năng chuyên biệt phục vụ việc dạy vào học ở ĐH FPT mà chỉ có những tính năng chung, nhờ đó mà bất cứ trường học nào cũng có thể sử dụng để hỗ trợ việc dạy và học kiến tạo”, SV Quang Thắng cho biết.

Cũng theo nam sinh này, sản phẩm của nhóm cung cấp những công cụ cơ bản để phục vụ cho phương pháp dạy và học kiến tạo như tổ chức lớp học nhóm ảo, hỗ trợ gọi video trực tuyến song song với thảo luận và đánh giá chéo, tích hợp học liệu kèm theo link dẫn... So với việc phải kết hợp quá nhiều ứng dụng khác nhau để kết nối, dạy và học trực tuyến, việc tích hợp nhiều tính năng trong một nền tảng như sản phẩm của nhóm SV ĐH FPT sẽ giúp quá trình dạy học online hiệu quả hơn rất nhiều. Đó là chưa kể sản phẩm còn có những tính năng đặc trưng như thảo luận và đánh giá chéo, giúp tăng tối đa khả năng tương tác, thảo luận giữa thầy và trò, đúng theo tinh thần giáo dục kiến tạo xã hội.


Nhóm SV ĐH FPT Hà Nội giới thiệu về sản phẩm của mình tại buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp 2022.


Được kế thừa và học hỏi từ mô hình đi trước là EduNext, tuy nhiên nhóm SV cho biết quá trình phát triển nền tảng học tập kiến tạo cũng gặp không ít khó khăn, trong đó thách thức đáng kể nhất là vấn đề về công nghệ. “Có rất nhiều công nghệ mới mà nhóm mình phải tìm hiểu, đặc biệt là phải nghiên cứu làm sao để sản phẩm có thể đạt tối ưu hiệu năng cho một trường học hoặc một đơn vị đào tạo có nhiều sinh viên tham gia. Rất may mắn là các thành viên trong nhóm đều nỗ lực, quyết tâm, phối hợp ăn ý, lại thêm sự hướng dẫn tỉ mỉ của mentor là thầy Phan Trường Lâm nên nhóm có thể hoàn thiện được sản phẩm này”, SV Quang Thắng cho biết.

Trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống thông tin, kỳ Spring 2022, nhóm SV ĐH FPT Hà Nội đã giới thiệu nền tảng này trước Hội đồng chấm đồ án và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Tuy nhiên, các thầy cô cũng chỉ ra một số vấn đề còn hạn chế, góp ý cho nhóm đồ án về phần tăng cường hiệu năng, bảo mật để các bạn có hứng phát triển sản phẩm tốt hơn. SV Quang Thắng cho hay, điều khiến nhóm tự tin và tâm đắc nhất trong lần bảo vệ đồ án này đó là có thể giới thiệu demo sản phẩm với giao diện luồng chạy được thử nghiệm kỹ lưỡng tới thầy cô và các bạn. “Với tiềm năng ứng dụng thực tế của dự án cùng những phản hồi, góp ý giá trị từ thầy cô, nhóm sẽ có hướng phát triển dự án hoàn thiện hơn và kỳ vọng có thể sớm đưa được “đứa con tinh thần” này ra thị trường, hỗ trợ dạy và học hiệu quả hơn theo phương pháp kiến tạo xã hội”.

Tin tức Liên quan