Theo thống kê, có 98% sinh viên Đại học FPT có việc làm sau tốt nghiệp
Tác động của cách mạng công nghệ khiến cách thức vận hành truyền thống không còn thích hợp. Và câu chuyện đào tạo theo yêu cầu thị trường đã được trường Đại học FPT triển khai ngay từ khi thành lập. Theo thống kê cập nhật từ hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học Scopus của thế giới, ĐH FPT trở thành 1 trong 5 trường đại học tư tại Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất năm 2019. Đây cũng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt đánh giá 3 sao theo chuẩn QS Star uy tín toàn cầu dành riêng cho bậc giáo dục đại học quốc tế, trong đó đánh giá về Chất lượng đào tạo của trường đạt 5 sao.
Hơn nữa, Đại học FPT nằm trong top các trường có tỷ lệ sinh viên (SV) ra trường có việc làm cao của cả nước. Hạng mục tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp được nhận mức đánh giá cao nhất – 5 sao theo chuẩn quốc tế của QS. Kể từ khi có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, Đại học FPT luôn duy trì tỉ lệ việc làm của sinh viên ở mức cao. Theo thống kê, có 98% sinh viên Đại học FPT có việc làm sau tốt nghiệp với mức lương khởi điểm trung bình 8,3 triệu đồng/tháng, 19% cựu sinh viên làm việc tại các quốc gia phát triển: Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Canada, Philippines…
Doanh nghiệp thường yêu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm. Để giải quyết bài toán này, Đại học FPT đã thiết kế một chương trình đào tạo khác biệt là SV năm thứ 3 sẽ phải tham gia kỳ thực tập bắt buộc tại DN (On The Job Training – OJT).
Ngoài việc đào tạo chuyên sâu ngành nghề, trường cũng chú trọng đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Bởi lẽ, theo báo cáo của TIATA Search cho thấy sinh viên mới tốt nghiệp thông thạo ngoại ngữ có nhiều cơ hội việc làm tốt và nhận mức lương khởi điểm cao hơn từ 6-22% so với người không giỏi tiếng Anh.
Từ câu chuyện của ĐH FPT, rõ ràng, sự chuyển động đầu tiên vẫn phải từ phía các trường. Bởi, thiết kế chương trình đào tạo cụ thể, đổi mới cách dạy học, tạo ra “sản phẩm” phù hợp với yêu cầu xã hội là trách nhiệm của các trường, không ai làm thay được.
Theo ENTERNEWS.VN