FPT tham vọng đưa AI Việt Nam lên hàng đầu thế giới
Giám đốc Công nghệ FPT - Lê Hồng Việt cho biết, tập đoàn muốn đem AI đến từng ngóc ngách của cuộc sống thông qua đào tạo, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
FPT vừa ký thoả thuận với Viện công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới Mila. Đây là một trong những sự kiện gây chú ý của làng công nghệ Việt Nam trong giai đoạn "bình thường mới". Đại diện FPT có một số chia sẻ về kế hoạch phát triển AI của tập đoàn thời gian tới.
Giám đốc Công nghệ FPT - Lê Hồng Việt.
- Lý do gì khiến FPT chọn hợp tác với Viện nghiên cứu AI Mila, thưa ông?
- Từ những ngày đầu nghiên cứu và ứng dụng AI, tham vọng của FPT là đưa công nghệ AI Việt Nam lên tầm thế giới. Việc hợp tác với viện nghiên cứu top đầu thế giới về AI như Mila là một trong những bước đệm quan trọng của chúng tôi hướng tới tham vọng này.
Mila có lịch sử 27 năm nghiên cứu về AI. Hiện họ quy tụ gần 500 nhà nghiên cứu AI. Đặc biệt, Viện trưởng Mila ông Yoshua Bengio là một trong 3 người đạt giải thưởng ACM A.M. Turing, được ví như giải Nobel trong lĩnh vực CNTT, với biệt danh "Bố già AI" ông Yoshua được coi là trụ cột về AI thế giới.
Hầu hết những "ông lớn" về công nghệ đều đã và đang là đối tác của Mila như Hitachi, Google, Microsoft... Họ đều có những chuyên gia ngồi làm việc trực tiếp trong các phòng nghiên cứu của Viện. Sau thỏa thuận hợp tác, FPT cũng sẽ ghi tên mình vào danh sách đối tác này.
- Cơ sở nào để FPT thuyết phục một "ông lớn" như vậy làm đối tác?
- Chúng tôi mất khoảng 6 tháng từ khi đặt vấn đề đến khi đạt thỏa thuận. Theo họ chia sẻ, hai tiêu chí chính để Mila lựa chọn FPT gồm năng lực nghiên cứu, ứng dụng AI và sự tương đồng về quan điểm thay đổi Việt Nam nhờ AI.
FPT đã chia sẻ kế hoạch coi AI là nền tảng lõi trong cuộc cách mạng số, phát triển AI ứng dụng để mang công nghệ đến với từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực nghiên cứu AI của FPT cũng khiến phía Mila không khỏi bất ngờ về một doanh nghiệp xuất phát từ quốc gia vốn được coi là chưa phát triển về công nghệ như Việt Nam.
Với mong muốn chung không muốn trí tuệ nhân tạo chỉ gói gọn ở một số công ty top đầu hay những quốc gia có thế mạnh, nỗ lực của Mila là đưa AI đến các nước sẵn sàng đón nhận nguồn lực công nghệ này và khuếch đại nó rộng nhất có thể. Việt Nam đang cho thấy sự tăng trưởng nhanh về hàm lượng AI trong mỗi sản phẩm.
Ngoài ra, khác với các doanh nghiệp khác, FPT sở hữu trường đại học, cũng đang tập trung mạnh mẽ vào đào tạo, bồi dưỡng các tài năng để ấp ủ một giấc mơ đầu tư xây dựng trung tâm AI tại Việt Nam. Họ tin tưởng sự hợp tác dài hạn này có thể đem lại những thay đổi lớn lao trong tương lai.
Sự kiện ký hợp tác trực tuyến giữa FPT và Viện nghiên cứu AI Mila hôm 12/6 diễn ra trực tuyến tại Hà Nội và Montreal (Canada).
- Nội dung hợp tác quan trọng nhất là gì?
- Theo thỏa thuận hợp tác hai bên đã ký hôm 12/6, FPT và Mila sẽ hợp tác trên 4 khía cạnh gồm: Nâng cao năng lực công nghệ AI của FPT; Tư vấn xây dựng Trung tâm Nghiên cứu AI tại Việt Nam, cụ thể là tại Quy Nhơn (Bình Định); Đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực chất lượng về AI; và tìm kiếm cơ hội phát triển trong hệ sinh thái đối tác của Mila.
Trước mắt, FPT sẽ thảo luận cùng Mila để giải những bài toán đầu tiên nhằm nâng cao năng lực công nghệ của các chuyên gia AI đang làm việc tại FPT.
- Tại sao hai bên lại xây dựng trung tâm AI tại Bình Định, một địa danh khá mới mẻ trên bản đồ công nghệ thông tin?
- Bình Định thực tế đã có định hướng phát triển trở thành một trung tâm công nghệ từ lâu. Tỉnh này đã quy hoạch và đang phát triển các dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo và khu đô thị khoa học. Năm ngoái, 14 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel đã đến Bình Định để tổ chức hội thảo tại đây. Do đó, khi FPT đặt vấn đề xây dựng trung tâm AI đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của địa phương.
Trung tâm AI tại Bình Định nhằm mục đích biến nơi đây trở thành "hạt nhân AI" của Việt Nam. Bước đầu chúng tôi sẽ xây dựng phân hiệu Đại học FPT tại Quy Nhơn, tập trung đào tạo chuyên sâu về AI. Trường đã khởi công và dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm tới, cung cấp hàng nghìn kỹ sư CNTT có đầy đủ năng lực cho thị trường.
Sự khác biệt lớn nhất tại phân hiệu này là sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc những hội thảo lớn, các chương trình nghiên cứu và ứng dụng AI, được tham gia giải các bài toán thực tế của FPT. Bên cạnh đó, FPT sẽ thúc đẩy việc đưa những chuyên gia AI quốc tế về trường giảng dạy hoặc chia sẻ kiến thức. Việc tiếp xúc với bầu không khí công nghệ và những con người xuất sắc như thế là cực kỳ hữu ích giúp phát triển nguồn nhân lực trẻ.
- Ở quy mô lớn hơn thì môi trường nghiên cứu và ứng dụng AI của Việt Nam sẽ được lợi gì từ hợp tác này?
- Mila là một tổ chức rất thành công trong việc đưa khoa học vào cuộc sống. Ngoài nghiên cứu cơ bản, họ còn phối hợp với các đối tác để thực hiện các dự án ứng dụng với tính thực tiễn cao, chẳng hạn như dự án ứng dụng Machine learning để phòng chống Covid-19, hay chống biến đổi khí hậu...
Với khả năng và mong muốn hấp thụ những công nghệ mới nhất hiện nay về AI của FPT, chúng tôi mong đợi cuộc hợp tác với Mila sẽ giúp xây dựng hệ sinh thái AI tại Việt Nam, mà hạt nhân là Bình Định; tạo cơ hội cọ xát và nâng cao năng lực công nghệ cho cộng đồng công nghệ trẻ ở Việt Nam, đặc biệt giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận đỉnh cao công nghệ AI. Thậm chí nếu năng lực của các em đủ tốt, chúng tôi có thể hỗ trợ tìm kiếm cơ hội đưa các em đến thực tập tại trung tâm AI của thế giới.
Các sản phẩm giải pháp AI của FPT hướng đến tính thực tiễn với kỳ vọng mang lại lợi ích cho hàng triệu người.
- Trong vai trò là giám đốc công nghệ, ông lựa chọn AI của FPT phát triển theo định hướng nào?
- FPT chủ trương nghiên cứu ứng dụng, tức là đem được nhiều nghiên cứu AI chuyên sâu vào thực tiễn nhất có thể, thay vì nghiên cứu cơ bản để xuất bản ra những tạp chí, bài báo về công nghệ.
Bằng chứng là FPT có hơn 70 khách hàng doanh nghiệp đang sử dụng các sản phẩm AI, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, bán lẻ, bảo hiểm, qua đó đang mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 11,5 triệu người.
Sau Covid-19, xu hướng các doanh nghiệp tìm đến những công cụ ứng dụng AI ngày càng nhiều hơn. Doanh nghiệp có thể tự động hóa nhiều phần việc mà trước nay cần nhiều nhân lực như tổng đài chăm sóc khách hàng. Câu chuyện tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động là hiệu quả rõ nhất từ việc bổ sung hàm lượng AI vào quá trình vận hành doanh nghiệp.
- Là một doanh nghiệp công nghệ lớn, có ảnh hưởng tới cộng đồng, tầm nhìn AI của FPT trong giai đoạn tới là gì?
- Từ những bước đi cụ thể, chúng tôi mong muốn xã hội hóa AI, đem trí tuệ nhân tạo đến cho mọi người. Không chỉ những quốc gia phát triển mà cả những nước như Việt Nam cũng sẽ được công bằng về công nghệ. Một ngân hàng hay một sản phẩm dịch vụ ở nước ngoài có thể tự động đến 90% thì tại sao chúng ta không thể làm điều tương tự. Khi mà khoảng cách về công nghệ giữa các nước ngày càng thu hẹp thì ai tận dụng cơ hội tốt hơn sẽ sớm đạt được mục tiêu về xã hội số.
Thành Dương