Chào mừng các bạn đã quay lại với series Bí kíp ôn thi tốt nghiệp THPT, sau mốc thời gian ôn thi 4 tháng thì tiếp theo đó, mốc 3 tháng cũng quan trọng không kém. Vì sao lại như vậy? Bởi, sau một quá trình ôn thi miệt mài thì đây là thời gian tuyệt vời để bạn nhìn nhận lại, đánh giá quá trình và bổ sung thêm những kiến thức cần thiết để chạm tay vào con điểm mơ ước.
Bạn nên nhớ rằng, 3 tháng cuối cùng không phải là thời gian để chúng ta bắt đầu ôn luyện mà như ở tập 1, mốc 4 tháng mới là khoảng thời gian đảm nhận việc đó. Việc ôn tập trong thời gian nay chỉ có thể tăng cao nhất là 10% tổng số điểm bài thi của các bạn mà thôi. Vậy chiến lược nào là phù hợp nhất để đạt được điều đó? Hãy cùng tham khảo một trong những kế hoạch chi tiết mà hầu hết các Thủ khoa đã áp dụng nhé!
1. Lập thời gian biểu rõ ràng cho từng khoảng thời gian cụ thể
Bạn có thể lập TKB theo tháng hoặc sử dụng monthly log để có cái nhìn tổng quát về mỗi ngày trong tháng và dùng daily log để theo dõi check-list từng ngày:
Tháng 4: Đây là tháng bạn chuẩn bị thi cuối kì, hãy cố gắng tập trung ôn thi và giành được điểm cao. Nó sẽ hỗ trợ cho bạn khi tham gia dự thi bằng phương thức Xét tuyển học bạ hiện đang là xu thế. Đồng thời hãy xem kĩ các ngày thi đánh giá năng lực cũng như lịch thi học kì để lên kế hoạch ôn thi hiệu quả.
Tháng 5 và tháng 6: Đây là 2 tháng then chốt quyết định “số mệnh” của bạn trong phòng thi. Hãy dùng toàn bộ thời gian này để tập trung ôn các môn và tổ hợp bạn sẽ thi và phân tích thành tích học tập cũng như ôn lại các kiến thức căn bản giúp bạn ăn điểm khi làm đề. Thời gian này hãy cố gắng giải đề ở khung điểm 9 và 10 để đạt được điểm cao tối đa nhé!
2. Chỉnh đồng hồ sinh học của bản thân
Thật vậy, hãy bắt đầu thói quen đi ngủ sớm và dậy lúc 6 giờ để não bộ bạn quen với khung giờ thi. Cố gắng ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ để có một sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tốt nhất khi bước vào phòng thi nhé! Bạn có thể hoạt động thể chất nhẹ nhàng để làm nóng cơ thể cũng như khởi động não bộ trước khi ngồi vào bàn học. Trong lúc nghỉ ngơi 5 phút giữa các set học (Phương pháp Promodo đã đề cập ở tập 1) hãy thiền định để hít thở sâu và thư giãn.
Xem thêm: Làm thế nào để cân bằng cảm xúc mùa thi?
3. Sử dụng thời gian hiệu quả
Bạn đã bao giờ nghe đến “khung giờ vàng” để học tập hiệu quả chưa? Hãy cùng tìm hiểu xem đó là những khung giờ nào nhé!
4h30 – 6h: Học lý thuyết
Theo nghiên cứu, đây là khung giờ lý tưởng nhất để bắt đầu học thuộc lòng, bởi giờ này không khí trong lành, yên tĩnh, đầu óc sáng suốt do đó não bộ dễ tiếp nhận thông tin hơn.
7h15 – 10h: Khung giờ cho các môn xã hội, văn học, ngôn ngữ
Đây là khoảng thời gian rất tốt để học các môn liên quan đến xã hội, ngôn ngữ, văn học. Các môn này đồi hỏi việc ghi nhớ các kiến thức liên quan đến sáng tạo và ít đòi hỏi tư duy logic.
14h – 16h30: Khung giờ vàng cho các môn tự nhiên
Buổi chiều là khoảng thời gian vô cùng thích hợp để học các môn tự nhiên, đòi hỏi tư duy logic và phải tính toán nhiều.
19h45 – 22h30: Dành cho các môn tính toán, logic
Vào khoảng thời gian cuối ngày này, não bộ sẽ không còn được sung sức dành cho các môn học thuộc lòng nữa, nên tránh học các kiến thức quá khó vì sẽ khiến chúng ta nhanh chán, mệt mỏi.
Xem thêm: Làm gì trong 1 tuần trước kỳ thi?
Bùi Ánh Ngọc