ChatGPT là gì? Hướng dẫn chi tiết cách sử dụng ChatGPT ở Việt Nam

Đi đâu cũng nghe người ta nói về ChatGPT. Vậy ChatGPT là gì? Bạn cần làm gì để sử dụng được ChatGPT tại Việt Nam? Cùng Đại học FPT Cần Thơ tìm hiểu nhé!

Giới thiệu tổng quan

 

ChatGPT là gì?


ChatGPT là từ viết tắt của Chat Generative Pre-trained Transformer, một chương trình trí tuệ nhân tạo trên máy tính do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. Công cụ máy học này được huấn luyện dựa trên một tập dữ liệu văn bản khổng lồ, cho phép nó phản ứng và trả lời như một con người theo yêu cầu của người sử dụng.

 

 

Mặc dù OpenAI chỉ mới phát hành phiên bản mẫu thử của ChatGPT vào ngày 30/11/2022, ứng dụng này đã gây sự chú ý đến người dùng toàn cầu thông qua câu trả lời chi tiết và đầy thông tin thuyết phục. ChatGPT đã đạt kỷ lục khi thu hút 1 triệu người dùng trong vòng 5 ngày. Định giá của OpenAI cũng được ước tính đã lên đến 29 tỷ đô la Mỹ chỉ sau ngày phát hành ChatGPT.

 

ChatGPT có thể thay thế con người làm công việc gì?

 

Là một chatbot Trí tuệ nhân tạo đàm thoại, ChatGPT có thể trả lời bất kì câu hỏi nào bạn đặt ra cho nó. Bạn có thể hỏi nó về mọi lĩnh vực, từ khoa học, toán học đến tôn giáo, thể thao, chính trị và nhiều thứ khác nữa. Dưới đây là những công việc ChatGPT có thể thay thế con người làm:

 

Sáng tạo nội dung: ChatGPT học từ nguồn dữ liệu khổng lồ nên chương trình trí tuệ nhân tạo này có thể hiểu nhiều ngôn ngữ khác nhau ở những ngữ cảnh khác nhau. Từ đó, nó có thể tạo ra văn bản như phiên bản người viết. Không dừng lại ở tạo ra những đoạn văn chi tiết, ChatGPT còn có thể làm thơ, viết nhạc hay viết truyện và kịch bản.


Lập trình, sửa lỗi và giải thích code: Tính năng này của ChatGPT sẽ làm bạn ngạc nhiên. Nó có thể viết code bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, chuyển đổi đoạn code của bạn qua lại giữa các ngôn ngữ, giải thích thuật toán và giúp bạn tiết kiệm hàng giờ tìm vấn đề trong đoạn code của mình.


Từ điển bách khoa và người giảng dạy: ChatGPT sẽ “cứu cánh” bạn những lúc thiếu từ vựng hay không nắm rõ một vấn đề nào đó. Cụ thể, ChatGPT có thể hướng dẫn bạn giải một bài toán lập trình hay bài tập vật lý. Đặc biệt, khi ChatGPT đang học tiếp từ nguồn dữ liệu bất tận của người dùng, phiên bản cải thiện của ChatGPT sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc tự học của học sinh sinh viên ở tương lai.


Tạo thiết kế bằng AI: Với phiên bản cập nhật mới nhất, ChatGPT đã có thể tạo ra những thiết kế theo yêu cầu của người dùng. Bạn chỉ cần viết một vài ý mô tả để ra lệnh cho phần mềm, ChatGPT sẽ khiến bạn bất ngờ với ảnh nghệ thuật chuẩn xác như yêu cầu.


Tổng hợp và phân tích dữ liệu: ChatGPT là trợ lý tuyệt vời đối với người nghiên cứu dữ liệu, cung cấp công cụ tìm tập dữ liệu tiềm năng với các liên kết và thông tin nhanh. Không dừng lại, bạn còn có thể sử dụng ChatGPT để chuyển đổi dữ liệu phi cấu trúc thành dữ liệu có cấu trúc. Bắt đầu với JSON hay table là một ý tốt để khám phá khả năng xử lý dữ liệu của ChatGPT đó!

 

Hạn chế của ChatGPT

 

Không có ai trên đời này hoàn hảo cả! Và câu này cũng đúng với trường hợp của công nghệ “vạn năng” như ChatGPT. Dù phải thừa nhận những tiện ích công cụ này đem lại, ChatGPT vẫn có những điểm hạn chế như sau:

 

Hạn chế trong dữ liệu đào tạo và thành kiến dữ liệu: Như mọi công nghệ AI khác, ChatGPT bị ràng buộc trong dữ liệu huấn luyện. Từ đó, độ lệch trong dữ liệu tạo ra các tác động tiêu cực đến đầu ra của thông tin, gây ra thành kiến dữ liệu (data bias).


Thông tin có thể bị sai lệch: Vì ChatGPT là một công nghệ hoàn toàn mới nên vẫn chưa được đào tạo đầy đủ. Quan trọng, thông tin đầu vào sai lệch sẽ ảnh hưởng đến đầu ra. Ngoài ra, ChatGPT cũng có hiểu biết hạn chế về văn hóa châm biếm và thành ngữ của Việt Nam. Thế nên, khả năng ChatGPT hiển thị thông tin sai lệch là có thể xảy ra.


Hạn chế sử dụng ở môi trường có ít tài nguyên: Dù ChatGPT là một công cụ miễn phí, nhưng chạy ChatGPT yêu cầu cao về tài nguyên tính toán và bộ nhớ. Do đó, việc triển khai ChatGPT ở các thiết bị thiếu tài nguyên sẽ gặp nhiều khó khăn.


Vấn đề về đạo đức: Do ChatGPT tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn để tạo văn bản, hình ảnh nên đã dấy lên vấn đề đạo đức về bản quyền trí tuệ trong cộng đồng người sáng tạo nội dung. Bên cạnh, việc người học “nhờ” ChatGPT giải giúp bài tập, viết luận hay trả lời những câu phỏng vấn cũng gây ra mối quan ngại về đạo đức.

 

Khác biệt giữa ChatGPT và Google Tìm kiếm 

 

 

Thực chất, ChatGPT không thể thay thế Google Tìm kiếm và ngược lại vì hai công cụ này sẽ đáp ứng nhu cầu khác nhau của người sử dụng. Trong khi ChatGPT sẽ đưa ra trực tiếp thông tin bạn cần trong thời gian ngắn, Google Tìm kiếm sẽ đưa ra nhiều nguồn thông tin khác nhau để bạn đối chiếu và chọn ra được thông tin chuẩn xác nhất. 

 

Đăng Ký ChatGPT Có Mất Tiền Không?

 

a. Phiên bản thử nghiệm

 

Mặc dù phiên bản thử nghiệm của ChatGPT phát hành ngày 30/1 hoàn toàn không tốn phí, người dùng cần phải cho phép ChatGPT sử dụng dữ liệu do người dùng cung cấp cũng như phản hồi của họ để OpenAI cải thiện mô hình máy học của công ty.

 

b. ChatGPT Plus

 

Phiên bản ChatGPT Plus được phát hành tại Mỹ vào đầu tháng 2 năm 2023. Người dùng sẽ cần phải trả mức phí 20 USD/tháng để hưởng được những quyền lợi sau:
- Ưu tiên sử dụng ChatGPT (bao gồm cả thời gian cao điểm)
- Tối ưu tốc độ phản hồi của ChatGPT
- Ưu tiên trải nghiệm thử tính năng mới nhất

 

Hướng dẫn sử dụng ChatGPT

 

Đăng ký tài khoản ChatGPT

 

Hiện tại, OpenAI chưa cung cấp ChatGPT chính thức tại Việt Nam nên sẽ không thể đăng ký tài khoản ChatGPT như bình thường. Thay vào đó, bạn cần làm những bước sau đây:

 

Sử dụng VPN có địa chỉ IP ở các quốc gia được cung cấp dịch vụ ChatGPT như Châu Âu hay Mỹ để đăng ký tài khoản OpenAI. Các trình duyệt hỗ trợ VPN trên máy tính như Opera hay trên điện thoại như Aloha Browser đều có thể dùng để đăng ký ChatGPT ở Việt Nam.


Lưu ý: Bạn phải kích hoạt VPN trước khi đăng ký tài khoản ChatGPT, nếu không sẽ bị lỗi đăng ký. 

 

B1: Tải Opera tại đây và mở trình duyệt. Truy cập vào mục setting nằm ở biểu tượng Opera bên trái trên cùng.

 

 

 

B2: Ở thanh tìm kiếm ở mục Setting, tra từ “VPN” để hiển thị mục VPN. Sau đó, chọn Enable VPN để cho phép sử dụng VPN.

 

 


 

B3: Mở tab mới và chọn biểu tượng VPN ở trên thanh tìm kiếm. Nhấn vào nút nguồn như hướng dẫn trên màn hình để kích hoạt VPN.

 

 

B4: Chọn mục optimal location. Sau đó, chọn một trong hai vùng IP Americas hoặc Europe. Như vậy, bạn đã chuyển IP từ Việt Nam sang IP của nước được cung cấp sử dụng ChatGPT.

 

 


 

Xác thực tài khoản OpenAI qua email đã đăng ký. Ở bước này, OpenAI sẽ dựa trên email bạn đã đăng ký để gửi đường link xác thực tài khoản. Trong email, bạn sẽ được yêu cầu nhập số điện thoại để hệ thống gửi mã xác thực.

 

Lưu ý: Không sử dụng số điện thoại Việt Nam hiện có vì hệ thống sẽ chặn truy cập dịch vụ. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng dịch vụ smspool để thuê số điện thoại. Bạn có thể xem hướng dẫn chi tiết việc thuê số điện thoại nhận otp trên smspool ở đây. Hãy thuê trước khi bắt đầu đăng ký tài khoản OpenAI nhé!


B1: Truy cập vào link https://chat.openai.com và chọn sign up để đăng ký tài khoản OpenAI.

 

 

B2: Nhập email của bạn (vẫn còn xài) và nhập mật khẩu cho tài khoản đăng ký.

 

 

 

B3: Sau khi nhấn Continue, OpenAI sẽ gửi link xác thực tài khoản đến email bạn. Bấm nút
Verify email address. Sau đó, OpenAI sẽ yêu cầu bạn điền thông tin tên và số điện thoại.

 


 

 

 

Sau khi kích hoạt tài khoản thành công, bạn có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ ChatGPT ở Việt Nam mà hoàn toàn không cần đến các trình duyệt cung cấp VPN.

 

Cách sử dụng ChatGPT

 

Đúng như tên gọi của công cụ, màn hình giao diện của ChatGPT cực kỳ đơn giản và thân thiện với người dùng, tương tự như khung chat thông thường. Cụ thể, những tính năng bạn cần biết ở giao diện ChatGPT gồm:

- New chat: Bắt đầu vào cuộc hội thoại mới
- Clear conversations: Xóa cuộc hội thoại
- Light/Dark mode: Độ sáng/tối của cửa sổ hiển thị
- Prompt: Cửa sổ chat nhập câu lệnh tương tác với ChatGPT
- Edit/Save & Submit: Sửa câu lệnh đã nhập và hiển thị kết quả phản hồi
- Previous/Next: Đọc những dòng phản hồi trước/sau khi câu lệnh đã nhập
- Like/Dislike: Chuyển phản hồi đến ChatGPT căn cứ trên nội dung phản hồi thu về nhằm tăng chất lượng của kết quả hiển thị
- Ghi nhớ lịch sử hội thoại: Tính năng này đảm bảo câu lệnh mới có liên hệ với lịch sử hội thoại trước đó

 

Lưu ý khi sử dụng ChatGPT

 

ChatGPT đang dần chiếm lĩnh thị trường sáng tạo nội dung những ngày gần đây nhưng công cụ này vẫn còn mới và đang trong quá trình thử nghiệm. Do vậy, khi sử dụng ChatGPT, các bạn cần phải lưu ý hai điểm sau đây:


- ChatGPT có thể cung cấp thông tin không chính xác: Như đã giải thích ở mục hạn chế, ChatGPT tạo văn bản trên dữ liệu nguồn nên thông tin công cụ này cung cấp có khả năng mang thiên kiến hoặc sai lệch nhất định. Do vậy, các bạn chỉ nên tham khảo ý kiến của ChatGPT nhưng nên kiểm chứng lại thông tin trước khi sử dụng.

 

- Hạn chế về bảo mật nội dung hội thoại: Người huấn luyện AI sẽ có thể truy cập được thông tin hội thoại giữa bạn và máy. Thế nên, bạn cần cẩn trọng khi gửi  những thông tin quan trọng như tài liệu công ty hay thông tin cá nhân. 

 

Mẹo tối ưu câu trả lời của ChatGPT

 

Nên dùng tiếng Anh khi sử dụng ChatGPT

 
ChatGPT được huấn luyện dựa trên ngôn ngữ Anh. Thế nên, việc sử dụng ngôn ngữ chung sẽ giúp kết quả hiển thị của bạn chuẩn xác và hiệu quả hơn so với sử dụng tiếng Việt.


Xem ChatGPT như một nhân vật bạn cần

 
Nếu bạn chỉ đưa ra những câu hỏi đơn thuần, ChatGPT sẽ tạo văn bản nghiêng về hình thức liệt kê. Nhưng khi bạn đưa cho công cụ một vai trò cụ thể, hình thức phản hồi sẽ được nâng cấp. Ví dụ, ChatGPT sẽ liệt kê một số địa điểm nổi tiếng theo dạng bullet point nếu bạn hỏi chung chung về địa điểm du lịch ở Cần Thơ. Tuy nhiên, nếu bạn thêm vai trò cho công cụ bằng cụm “I want you to act as a tour guide”, các thông tin chi tiết về từng địa điểm sẽ được cập nhật đầy đủ. 


Nên đưa ra câu prompt chi tiết

 
Prompt là câu lệnh bạn đưa ra cho ChatGPT để công cụ thực thi thông tin bạn muốn nó làm. Bạn có thể đưa ra câu prompt chung chung, ChatGPT vẫn giải quyết được. Tuy nhiên, câu prompt càng chi tiết, phản hồi của ChatGPT sẽ có độ chuẩn xác cao hơn, mang lại giá trị cao hơn.


Dùng Voice and style guide để tối ưu hóa văn phong và định dạng của ChatGPT

 
Nếu bạn cần ChatGPT trả lời ở những bối cảnh khác nhau như thư trang trọng hay giọng điệu dễ hiểu cho trẻ em, bổ sung cụm từ voice and style guide bên cạnh câu lệnh sẽ giúp ích rất nhiều. Một số ví dụ như:
- Voice and style guide: Use short, simple and clear language. (Sử dụng ngôn từ dễ hiểu)
- Voice and style guide: Use formal and informative language. (Sử dụng ngôn từ trang trọng)
- Voice and style guide: Make use of storytelling to persuade readers. (Sử dụng storytelling để thuyết phục người đọc) 

 

Làm sao để sửa lỗi ChatGPT is at capacity right now?

 

Lỗi ChatGPT is at capacity right now hiển thị có nghĩa là người sử dụng dịch vụ hiện tại đã vượt xa số người được phép và tài nguyên server đã không còn đủ đáp ứng mọi nhu cầu từ người dùng. Có ba cách giúp bạn khắc phục tình trạng khi gặp trường hợp nêu trên:


- Tải về trang ChatGPT: Nhấn chọn biểu tượng Làm mới trên trình duyệt của bạn hoặc sử dụng phím tắt F5. Khi bạn làm mới trình duyệt, nó sẽ cố tải bản mới của trang trên trình duyệt của bạn.


- Sử dụng chế độ ẩn danh (Incognito mode): Do chế độ riêng tư hay ẩn danh không sử dụng cookie và bộ nhớ cache đã tải trước đó cũng như bất cứ thông tin trang web nào nên bạn sẽ dễ dàng tải bản mới của trang.


- Tránh thời gian cao điểm: Nếu không phải thực hiện ngay việc sử dụng ChatGPT, bạn hãy lựa chọn "Get notified when we’re back" để công cụ tự động gửi thông báo cho bạn khi ChatGPT sẵn sàng.

 

Kết

 

Thực chất, việc ChatGPT ra đời đã cho thấy sự tiến bộ của công nghệ AI. Thậm chí, một số người còn cho rằng tương lai, AI sẽ thay thế con người làm tất cả. Tuy nhiên, câu nói đó không hoàn toàn đúng vì AI không thay thế hoàn toàn con người mà nó sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho những người có đầy đủ kỹ năng để làm việc với AI. Chỉ có những người không cập nhật kiến thức về công nghệ mới bị tụt hậu so với thời đại và bị thay thế. Thế nên, các bạn hãy trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết cho tương lai nhé!


Đừng quên nhấn nút Like nếu bạn thấy bài viết này hữu ích. Để tìm hiểu về chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo của Đại học FPT Cần Thơ, bạn có thể inbox trực tiếp cho Fanpage Đại học FPT Cần Thơ hoặc đăng ký tư vấn tại đây.

 

Tin tức Liên quan