Hướng dẫn 5 cách khoanh bừa trắc nghiệm hiệu quả
Bạn có muốn biết cách khoanh bừa trắc nghiệm điểm cao hay khoanh lụi không bị điểm liệt? Bài viết của Đại học FPT Cần Thơ dành cho bạn. Xem ngay!
Nội dung bài viết
1. Mẹo khoanh trắc nghiệm hiệu quả
2. 5 cách khoanh bừa trắc nghiệm chống liệt
3. Cách khoanh lụi trắc nghiệm phổ biến được chia sẻ nhiều
4. Lưu ý khi thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đến rồi. Giữa lúc căng thẳng tột độ, liệu bạn có đủ bình tĩnh để đưa ra lựa chọn sáng suốt? Đừng vội vàng, hãy hít thở sâu và áp dụng cách khoanh bừa trắc nghiệm được Đại học FPT Cần Thơ chia sẻ trong bài viết này.
Chiến thuật này không phải may rủi, mà là kết quả của sự phân tích và tính toán kỹ lưỡng, giúp bạn tối ưu hóa điểm số trong bài thi trắc nghiệm. Xem ngay!
Mẹo khoanh trắc nghiệm hiệu quả
Bài thi trắc nghiệm thường gồm 50 câu, trong đó 35 câu đầu tiên thường ở mức độ dễ, giúp bạn "bỏ túi" 7 điểm dễ dàng. Tuy nhiên, từ câu 36 trở đi, độ khó tăng dần khiến bạn dễ "hoang mang" và bỏ lỡ điểm số. Hiểu rõ điều đó, dưới đây là 4 mẹo khoanh trắc nghiệm mà bạn nên "nằm lòng".
>> Xem thêm:
1. Làm trắc nghiệm theo thứ tự từ dễ đến khó
Đề thi trắc nghiệm thường được chia thành các mức độ theo thang độ khó tăng dần. Vì vậy, thí sinh nên biến nó thành lợi thế với chiến lược làm bài thông minh:
- Bắt đầu với những câu dễ: Nắm chắc 7 điểm với 35 câu hỏi đầu tiên bằng cách vận dụng công thức và phương pháp đã học.
- Chinh phục thử thách ở mức độ trung bình: Cẩn trọng và tỉ mỉ, đảm bảo tính toán chính xác để hạn chế sai sót.
- Đối mặt với câu hỏi khó: Tập trung cao độ, phân tích kỹ lưỡng từng ý nhỏ. Nếu bí bách, hãy đánh dấu lại để quay lại sau khi hoàn thành phần còn lại.
2. Không bỏ sót bất kỳ câu nào
Một trong những mẹo khoanh bừa trắc nghiệm hiệu quả là KHÔNG BỎ SÓT BẤT KỲ CÂU NÀO. Ngay cả khi bạn không chắc chắn về câu trả lời, hãy chọn một phương án. Có thể chọn theo phương pháp loại trừ hoặc theo trực giác của bạn. Bỏ sót đồng nghĩa mất điểm hoàn toàn, trong khi "khoanh bừa" vẫn mang đến cơ hội may mắn.
3. Phân bổ thời gian làm bài hợp lý
Làm bài hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào kiến thức mà còn ở cách phân bổ thời gian hợp lý. Để phân bổ một cách logic thì việc hiểu rõ cấu trúc đề thi vô cùng quan trọng. Các bạn có thể tham khảo cách khoanh bừa trắc nghiệm với phương pháp 3 vòng như sau:
- Vòng 1 (30%): Dành cho những câu hỏi dễ, có thể giải quyết nhanh chóng trong vòng 30% thời gian làm bài.
- Vòng 2 (50%): Tập trung giải quyết những câu hỏi ở mức độ trung bình, đòi hỏi sự suy luận logic và phân tích.
- Vòng 3 (20%): Dành cho những câu hỏi khó, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và khả năng tư duy logic cao.
4. Kiểm tra lại bài trước khi nộp
Dù hoàn thành bài sớm hay muộn, hãy dành ít nhất 5 - 10 phút để kiểm tra lại. Đặc biệt chú ý những câu đã đánh dấu lại để đảm bảo không bỏ sót điểm số nào.
Đọc kỹ đề bài và yêu cầu từng câu hỏi để đảm bảo hiểu đúng ý nghĩa trước khi kiểm tra đáp án đã chọn. Đối chiếu đáp án đã chọn với các đáp án còn lại để xem xét đáp án phù hợp nhất. Cuối cùng, kiểm tra kỹ các ô đáp án, đảm bảo đã tô kỹ và tô đậm để máy chấm điểm có thể nhận diện chính xác.
5 cách khoanh bừa trắc nghiệm chống liệt
Kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần, bạn đã có bí kíp nào để "chống liệt" chưa? Đừng lo lắng, dưới đây là 5 cách khoanh bừa trắc nghiệm hiệu quả giúp bạn tối ưu hóa điểm số và tự tin bước vào phòng thi.
Cách 1: Cách lụi trắc nghiệm theo nhóm câu hỏi
Với phương pháp này, các thí sinh cần thực hiện lần lượt theo 2 bước sau:
Bước 1: Nhóm các các câu hỏi thành từng nhóm
Đề thi trắc nghiệm có 40 câu, bạn cần thực hiện chia nhóm mỗi 5 câu thành 1 nhóm và tiến hành đánh dấu từng nhóm để dễ dàng theo dõi, tránh sai sót. Ví dụ: Câu 1 đến 5, câu 6 đến 10, câu 11 đến 15, câu 16 đến 20, câu 21 đến 25, câu 26 đến 30, câu 31 đến 35 và từ câu 36 đến 40. Tương tự nếu đề 50 câu thì bạn chia 10 câu thành 1 nhóm.
Bước 2: Khoanh trắc nghiệm
Sau khi đã nhóm các câu hỏi lại thành từng nhóm nhỏ, sĩ tử sẽ thực hiện khoanh cùng một đáp án giống nhau cho tất cả các câu hỏi trong cùng 01 nhóm. Tiếp tục thực hiện tương tự cho các nhóm tiếp theo, thay đổi đáp án theo thứ tự từ A, B, C, D. Ví dụ:
- Nhóm 1 (Từ câu 1 đến câu 5): Tô toàn bộ đáp án A
- Nhóm 2 (Từ câu 6 đến câu 10): Tô toàn bộ đáp án B
- Nhóm 3 (Từ câu 11 đến câu 15): Tô toàn bộ đáp án C
- Nhóm 4 (Từ câu 16 đến câu 20): Tô toàn bộ đáp án D
- Nhóm 5 (Từ câu 21 đến câu 25): Tô toàn bộ đáp án A (Tiếp tục xoay vòng từ đầu)
- Nhóm 6 (Từ câu 26 đến câu 30): Tô toàn bộ đáp án B
- Nhóm 7 (Từ câu 31 đến câu 35): Tô toàn bộ đáp án C
- Nhóm 8 (Từ câu 36 đến câu 40): Tô toàn bộ đáp án D.
Cách 2: Hướng dẫn khoanh bừa trắc nghiệm theo phương pháp loại trừ
Mỗi câu hỏi trắc nghiệm thường có 4 đáp án, với tỷ lệ đúng ban đầu là 25%. Tuy nhiên, nếu bạn loại trừ được 1 đáp án sai, tỷ lệ này sẽ tăng lên 33%. Con số này tiếp tục tăng lên 50% nếu bạn loại trừ được 2 đáp án sai. Do đó, phương pháp loại trừ là một trong những cách khoanh bừa trắc nghiệm hiệu quả nhất.
Đầu tiên, sĩ tử cần đọc hiểu và phân tích đề bài. Dành thời gian đọc kỹ đề bài, vận dụng kiến thức và logic để đánh giá tính chính xác của từng đáp án. Loại bỏ ngay những đáp án sai lệch, mâu thuẫn với định nghĩa hoặc không phù hợp với ngữ cảnh đề bài. Ví dụ, nếu câu hỏi yêu cầu xác định nguyên nhân, hãy loại bỏ các đáp án chỉ đề cập đến kết quả.
Đặc biệt, bạn cần chú ý đến mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố trong đề bài. Những đáp án sai thường dẫn đến kết quả sai hoặc mâu thuẫn với nguyên nhân được đề cập. Phân tích mối liên hệ này sẽ giúp bạn loại trừ thêm nhiều đáp án sai tiềm ẩn. Ví dụ, nếu câu hỏi hỏi về ảnh hưởng của A đối với B, hãy loại bỏ các đáp án cho thấy B ảnh hưởng đến A.
Với một số câu hỏi, bạn có thể thử thay lần lượt các đáp án vào đề bài để so sánh tính hợp lý của từng đáp án. Từ đó, bạn có thể loại trừ những đáp án có khả năng chính xác thấp.
Cách 3: Khoanh chọn dữ liệu xuất hiện nhiều lần - Mẹo thi trắc nghiệm
Đề thi trắc nghiệm, đặc biệt là đề thi đại học, thường được thiết kế bởi các chuyên gia uy tín. Họ thường sử dụng một số dữ liệu lặp đi lặp lại với mục đích đánh giá kiến thức và khả năng phân tích của thí sinh. Việc một dữ liệu xuất hiện nhiều lần trong đề thi cho thấy tầm quan trọng của nó và tiềm năng là đáp án đúng cho một hoặc nhiều câu hỏi.
Do đó, khi nhận thấy một dữ liệu lặp lại, bạn nên đánh dấu lại nó và tiến hành loại trừ các đáp án không chứa dữ liệu đã được đánh dấu. Việc này giúp thu hẹp phạm vi lựa chọn và tăng khả năng chọn đúng đáp án.
Cách 4: Chọn đáp án theo % - Bí kíp khoanh trắc nghiệm bài tập
Phương pháp "Chọn đáp án theo %" là một chiến thuật hiệu quả giúp thí sinh tối ưu hóa điểm số trong bài thi trắc nghiệm, đặc biệt hữu ích khi đối mặt với những câu hỏi khó. Chiến thuật này dựa trên nguyên tắc thống kê, giúp dự đoán đáp án có khả năng cao là đáp án đúng dựa trên tỉ lệ xuất hiện của các đáp án trước đó.
Giả sử sau khi làm 20 câu, bạn đã chọn 15 đáp án A, 12 đáp án B, 8 đáp án C và 5 đáp án D. Vậy, cho các câu hỏi tiếp theo, bạn nên ưu tiên chọn đáp án C hoặc D vì tỉ lệ xuất hiện của chúng thấp hơn.
Hiệu quả của chiến lược này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ khó của đề thi, cách ra đề, kiến thức và khả năng của thí sinh. Vì vậy, bạn nên kết hợp "Chọn đáp án theo %" với các kỹ thuật làm bài trắc nghiệm khác như "loại trừ đáp án" để tăng độ chính xác.
Cách 5: Mẹo khoanh trắc nghiệm theo cụm từ “đặc trưng”
Đối với những câu hỏi trắc nghiệm mang tính lý thuyết, việc phân tích "cụm từ đặc trưng" đóng vai trò then chốt trong việc "bắt lỗi" sai sót và tìm ra đáp án chính xác. Đáp án chứa các từ ngữ khẳng định mạnh mẽ như "luôn luôn", "duy nhất", "hoàn toàn không", "chỉ có", "chắc chắn" thường có xu hướng sai. Những khẳng định này thường mang tính tuyệt đối, trong khi thực tế lại có nhiều trường hợp ngoại lệ.
Ngược lại, đáp án sử dụng các từ ngữ mang tính chất tương đối như "có thể", "tùy trường hợp", "hoặc", "có lẽ", "đôi khi" thường tiềm ẩn khả năng đúng cao hơn. Những từ ngữ này thể hiện sự cẩn trọng và mở ra nhiều khả năng cho vấn đề, phù hợp với bản chất đa chiều của kiến thức.
>> Xem thêm:
Cách khoanh lụi trắc nghiệm phổ biến được chia sẻ nhiều
Ngoài việc nắm rõ các quy tắc chung khi làm bài thi trắc nghiệm, trang bị cho bản thân những "bí kíp" để tối ưu hóa điểm số và tránh bị liệt là điều vô cùng quan trọng. Dưới đây là những chia sẻ về mẹo khoanh bừa trắc nghiệm thường gặp mà bạn có thể áp dụng:
- Chọn đáp án lạ nhất
- Chọn đáp án dài nhất
- Chọn đáp án tất cả các câu đều đúng
- Chọn đáp án ít lựa chọn nhất
Lưu ý khi thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia
Trong kỳ thi THPT Quốc gia, bên cạnh cách khoanh bừa trắc nghiệm để đạt điểm tốt, nắm rõ các quy định thi là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn và không vi phạm quy chế thi. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng dành cho các sĩ tử khi dự thi trắc nghiệm.
Chỉ được dùng bút cùng 1 màu mực (Không dùng bút đỏ)
Chỉ sử dụng bút cùng 1 màu mực (đen hoặc xanh dương) để ghi thông tin cá nhân trong phiếu trả lời trắc nghiệm. Tuyệt đối không sử dụng bút đỏ. Việc sử dụng bút màu khác nhau hoặc bút đỏ sẽ được coi là đánh dấu bài thi, thể hiện hành vi gian lận và có thể dẫn đến hủy bài thi.
Chỉ khoanh trắc nghiệm bằng bút chì 2B trở lên
Máy quét bài thi hoạt động dựa trên cảm biến quang học. Do đó, cần tô đậm và kín ô đáp án đã chọn để đảm bảo máy quét nhận diện chính xác, tránh mất điểm.
Sử dụng bút chì từ 2B trở lên để tô đáp án trong bài thi trắc nghiệm. Nên chọn loại bút chì mềm, êm tay để tô nhanh và đậm nét. Tránh sử dụng bút chì kim vì ngòi nhỏ, dễ làm rách giấy và khó tẩy xóa.
Nên tô đậm và hết ô đáp án
Máy quét hoạt động dựa trên cảm biến quang học. Máy sẽ xác định đáp án được chọn dựa trên độ đậm của nét tô. Nếu tô quá mờ, máy quét có thể không nhận diện được, dẫn đến việc thí sinh bị mất điểm cho câu trả lời đó. Bên cạnh đó, việc tô hết ô đáp án sẽ giúp máy quét dễ dàng nhận diện và hạn chế sai sót.
Tẩy sạch ô kết quả sai
Khi thay đổi đáp án, thí sinh cần tẩy sạch hoàn toàn ô kết quả sai trước khi tô vào ô đáp án mới. Tuyệt đối không để sót dấu vết bút chì ở ô sai vì máy quét có thể đọc nhầm là thí sinh chọn nhiều đáp án và không chấm điểm cho câu hỏi đó.
Không tô 2 đáp án
Hệ thống chấm điểm bài thi trắc nghiệm chỉ chấp nhận một đáp án duy nhất cho mỗi câu hỏi. Việc tô nhiều đáp án sẽ khiến máy quét không thể xác định được đáp án chính xác và dẫn đến việc không được điểm cho câu hỏi đó.
Không viết thêm, để dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm
Việc ghi chú, viết thêm bất kỳ thông tin nào ngoài việc tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm là hoàn toàn bị cấm. Nếu thí sinh có hành vi này, bài thi sẽ bị hủy kết quả. Thí sinh cần tránh làm bẩn, rách nát phiếu trả lời trắc nghiệm vì có thể ảnh hưởng đến việc chấm điểm của máy quét.
Kết
Trên là tổng hợp cách khoanh bừa trắc nghiệm hiệu quả. Đại học FPT Cần Thơ hy vọng các sĩ tử sẽ nắm rõ các quy tắc trên, bình tĩnh, tự tin và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Nếu quan tâm đến phương thức xét tuyển và ngành học xu thế tại Đại học FPT, thí sinh có thể liên hệ Fanpage Đại học FPT Cần Thơ hoặc đăng ký tư vấn tại đây.
Lan Thịnh