Top 5 lí do nên làm chủ tịch CLB khi học tại Đại Học FPT

Chủ tịch Câu lạc bộ, người vẫn luôn điều hành mọi hoạt động và tiếp xúc với bạn, thật ra đã được và mất gì khi làm chủ tịch? Có nên hay không trong việc làm chủ tịch CLB? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.




Top 1: Có thêm nhiều mối quan hệ
Không giống như cấp 3, học sinh chỉ quanh quẩn trong phạm vi lớp học, quen biết bạn bè trong lớp cùng vài bạn bè lớp khác, câu lạc bộ ở Đại học hằng năm luôn tuyển thành viên mới, việc gia nhập CLB sẽ giúp bạn quen biết được anh chị có nhiều kinh nghiệm ở khóa trên, có thêm bạn bè cùng khóa trong CLB và cả những thành viên mới gia nhập nữa.
Việc trở thành chủ tịch CLB sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tạo mối quan hệ bền vững, bởi hơn ai hết, chủ tịch là người hiểu rõ thành viên CLB của mình, là người tiếp xúc với thành viên nhiều nhất, là người kết nối thành viên lại với nhau. Thông qua những buổi sinh hoạt, các hoạt động tập thể, những sự kiện,... chắc rằng chủ tịch sẽ là người có nhiều mối quan hệ hơn ai hết.

 


Top 2: Trau dồi kỹ năng mềm
Kỹ năng truyền lửa, kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống,  kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sắp xếp và quản lý công việc,... rất nhiều kỹ năng mềm mà chủ tịch sẽ được trau dồi khi quản lý CLB – những kỹ năng rất khó để học được nếu chỉ ngồi học trên lớp. Môi trường CLB sẽ là nơi hoàn thiện thành viên, nhất là chủ tịch, để làm sao có thể phát triển CLB nhiều hơn nữa.
Chủ tịch CLB F-Art, Trần Thái Cao Trí, chia sẻ: “Qua thời gian làm chủ tịch, mình cũng thành thạo hơn các thủ tục, qui tắc trong các văn bản, kế hoạch. Bên cạnh đó, khi đứng đầu CLB, mình cũng tích góp cho bản thân kĩ năng cương nhu phối hợp trong việc xem xét, chỉ đạo, phân công, hối thúc,... trong các hoạt động, sự kiện. Mình cũng tập được cái đầu lạnh và trái tim nóng. Cái đầu lạnh trong việc phân tích và giải quyết các khó khăn cũng như trái tim nóng để quan tâm các thành viên trong CLB mình.”

 

 


Top 3: Nâng cao kỹ năng chuyên môn
Có rất nhiều CLB tại Đại Học FPT liên quan đến ngành học như CLB Kinh tế FEC, CLB Tiếng Anh, CLB Tiếng Nhật,... cùng với những CLB liên quan đến sự kiện – truyền thông, các CLB về sở thích – nghệ thuật,... Chủ tịch CLB có thể áp dụng những kiến thức đã học bằng việc tạo ra các hoạt động rèn luyện chuyên môn trong CLB để có thể chia sẻ kiến thức với thành viên, cùng nhau trau dồi nhiều hơn nữa. Sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu có thể học tập cùng thành viên – người có cùng sở thích, trong những hoạt động sáng tạo, hơn là cố nhồi nhét kiến thức vào, đúng không?

 


Top 4: “Làm đẹp” CV khi ra trường
Chính vì học tập được cả kỹ năng mềm và chuyên môn, chẳng lí do gì mà chủ tịch CLB lại không tự hào mà ghi “thành tích” vào chiếc CV của mình cả. Đây sẽ là điểm khác biệt của bạn, giúp thu hút nhà tuyển dụng ở học kỳ thực tập tại doanh nghiệp (OJT – On the job training) và cả khi ra trường nữa!


Top 5: Rèn giũa bản thân trở thành “phiên bản đặc biệt” của chính mình!
Thực tế, chủ tịch CLB vẫn có nhiều lựa chọn khác như tự học tại nhà, đi làm thêm, hoặc tham gia CLB với tư cách thành viên,... Hơn nữa, việc vừa phải học tập, vừa phải điều hành CLB, suy nghĩ cách để CLB phát triển, vốn không hề dễ dàng và lại tốn khá nhiều thời gian. Sẽ chẳng phải điều gì lạ lùng khi thành viên nhìn thấy chủ tịch vừa “rối bời” với deadline và hoạt động CLB.
Đỗ Thành Danh, chủ tịch CLB Thiện nguyện WEGO chia sẻ: “Một trong những khó khăn khi làm chủ tịch là phải làm đủ thứ, từ suy nghĩ hoạt động cho CLB đến cách để làm cho thành viên năng động hơn, có khi mất ăn mất ngủ để suy nghĩ cách để CLB phát triển hơn nữa.”
Tuy nhiên, không có áp lực sẽ không có kim cương, và thực tế những chủ tịch CLB cũng chỉ là sinh viên, nhưng với sự nỗ lực và cố gắng, cùng với đam mê, chủ tịch sẽ là người giỏi giang, tràn đầy năng lượng và có được thái độ tích cực trong cuộc sống.
 




Tin tức Liên quan