Á quân Gen Z Contest - Vietnamese Youth Actions for Climate Change 2022: Thoát khỏi kén và khám phá bản thân

“Khi một chú sâu thoát khỏi kén và biến thành bướm, đó không phải vì mong muốn trở nên xinh đẹp, đó là vì nó muốn bản thân trưởng thành và bay xa hơn”

Tự nhận định bản thân là cực chăm chỉ trong học tập nhưng lại khá “lười biếng” khi tham gia phong trào, thế nhưng, việc Minh Trang và Thúy An - hai cô bạn sinh viên K14 ngành Quản trị kinh doanh với tính cách khá rụt rè được vinh danh tại cuộc thi “VYACC - Vietnamese Youth Actions for Climate Change 2022” khiến bạn bè và thầy cô vô cùng bất ngờ. Với thành tích xuất sắc - giải Nhì tại cuộc thi, hai cô bạn thân của chúng ta cũng có rất nhiều lời muốn chia sẻ.

 




Dấn thân xông pha với chuỗi “tâm lí ngược”
Nếu như được hỏi: “Trong năm học nào là nhẹ nhàng nhất, là nên tham gia nhiều hoạt động nhất?”, chắc có lẽ đa số các bạn sinh viên sẽ chọn năm nhất. Thế nhưng, đối với hai cô bạn nhà F của chúng ta thì lại trái hẳn. Với tính cách hướng nội, ít quan tâm tới các sự kiện, Minh Trang và Thúy An trong 3 năm học đầu chỉ quanh quẩn đến trường, hoàn thành môn học, thi cử và về nhà. Tuy nhiên, cái tinh thần “tiên phong”, dấn thân và liên tục trải nghiệm của gia đình Đại học FPT không biết từ khi nào đã thấm vào tâm lí của họ. Đến những năm cuối Đại học, họ lại khát khao, lại mong muốn được khám phá ra những góc chưa được chiếu rọi của bản thân. Và thế là hành trình khám phá bản thân bắt đầu, Trang và An đã cùng nhau “xông pha” đăng kí tham gia các cuộc thi của trường và các tổ chức bên ngoài khởi xướng. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười khi cả hai cùng vào được vòng Chung kết và xuất sắc giành giải Nhì của cuộc thi “Gen Z Contest - Vietnamese Youth Actions for Climate Change 2022”.


Phan Minh Trang - sinh viên K14 ngành Quản trị kinh doanh Đại học FPT Cần Thơ



Ước mơ chạm tới “những vùng đất” mới lạ hơn
“Gen Z Contest - Vietnamese Youth Actions for Climate Change 2022” hay gọi tắt là VYACC 2022 được biết đến là một cuộc thi hướng về môi trường. Dự án nằm trong khuôn khổ The CoRe - được tài trợ bởi Đại sứ quán Vương Quốc Anh thông qua Quỹ Chương trình Cựu học giả Chevening (CAPF) và Đại sứ quán Đan Mạch thông qua Quỹ sáng kiến Thế Hệ Xanh do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) điều phối. Chủ yếu xoay quanh các vấn đề về Biến đổi khí hậu và nâng cao vai trò của thanh niên tại ĐBSCL trong hỗ trợ cộng đồng chống chịu với BĐKH hiệu quả hơn. Với xuất phát là chuyên ngành Quản trị kinh doanh, có lẽ nhiều người thắc mắc tại sao hai cô sinh viên Đại học FPT Cần Thơ lại chọn một cuộc thi như vậy. Chia sẻ thật lòng, Thúy An nghĩ rằng việc tham gia một cuộc thi về cộng đồng, không quá liên quan đến kiến thức chuyên ngành của bản thân lại là một điều tốt. Từ cuộc thi, ta có thể va chạm nhiều hơn với các kiến thức, trải nghiệm mới. Đồng thời, việc hợp tác với các bạn thí sinh với ngành nghề khác nhau trên cả nước sẽ đem lại chân trời rộng lớn mà “những chú ếch ở đáy giếng” không bao giờ thấy hết được.


Võ Trần Thúy An - sinh viên K14 ngành Quản trị kinh doanh Đại học FPT Cần Thơ


Sự hỗ trợ từ phía nhà trường và giảng viên
Khi nhắc đến quá trình tham gia cuộc thi, cả hai bạn đều không ngừng kể về sự ủng hộ hết mình bằng hành động thiết thực của nhà trường và thầy cô. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành như hiện nay, cuộc thi đã được tổ chức hoàn toàn thông qua các kênh trực tuyến. Nắm được thông tin, anh Lê Quang Tường - trưởng bộ phận CTSV đã liên hệ và ưu tiên đặt phòng họp cho nhóm. “Nhờ có phòng họp yên tĩnh cũng như đầy đủ thiết bị, kết nối mạng mà chúng em mới có thể toàn tâm toàn ý lên nội dung thuyết trình và đưa ra những luận điểm thuyết phục” - Minh Trang chia sẻ.
Hơn thế, dù là một cuộc thi tổ chức bên ngoài khuôn khổ Đại học FPT và được đăng kí một cách tự phát, thế nhưng ngay khi được đề nghị góp ý cho phần thi Chung kết của nhóm, thầy Nguyễn Trọng Luân - giảng viên Kinh tế Đại học FPT Cần Thơ đã không do dự mà ngay lập tức sắp xếp một buổi họp để chỉ dẫn cho nhóm. Sự tận tâm, mong muốn cống hiến, không ngại gian lao của thầy là thứ mà cả Trang và An đều liên tục nhắc đến khi nói về thầy. Không chỉ đơn giản là người hướng dẫn “mì ăn liền” cho nhóm, thầy liên tục hỏi thăm về cuộc thi, động viên và nếu có thông tin gì hay sẽ cập nhật để hai bạn có thể xây dựng luận điểm vững chắc cho vòng thi diễn ra thuận lợi hơn. Qua phỏng vấn lần này, Minh Trang và Thúy An muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến sự quan tâm của Đại học FPT Cần Thơ, các anh chị phòng Công tác sinh viên và hơn hết thảy, chính là “chỗ dựa rộng lớn” từ người thầy hướng dẫn của nhóm - Nguyễn Trọng Luân.


 
Thầy Nguyễn Trọng Luân - Giảng viên Bộ môn Quản trị Kinh doanh Đại học FPT Cần Thơ

 


Để “hóa bướm” chúng ta cần gì?
Kết thúc buổi phỏng vấn, hai cô bạn của chúng ta đều mang nhiều tâm sự. Cả hai đều thấy tiếc nuối vì đã để quãng thời gian trước đây trôi qua một cách lãng phí. Khi va chạm với môi trường bên ngoài thông qua các cuộc thi, chúng ta sẽ học thêm được nhiều thứ mà khiến mình phải tự bất ngờ. Minh Trang từng mạnh dạn nhận xét bản thân là một người thuyết trình không tốt, dễ hoảng loạn khi gặp phải câu hỏi bất ngờ. May mắn thay, khi tham gia VYACC 2022, bạn dần trở nên tự tin hơn, trả lời rành rọt tất cả ý đang suy nghĩ trong đầu mà không còn vấp váp và đặc biệt là sẵn sàng nghênh đón, thích thú với những câu hỏi mang tính thách thức, khó nhằn. Còn đối với Thúy An, đây là lần đầu tiên bạn trở thành nhóm trường, dù chỉ có 3 thành viên nhưng do tính chất “dồn dập” của cuộc thi, bạn đã khám phá ra được khả năng sắp xếp thời gian của mình. Đồng thời, cô sinh viên nhỏ của chúng ta còn cải thiện được khả năng xây dựng chiến thuật, đội hình để áp đảo đối thủ của mình. Có lẽ vì như vậy, nên khi được hỏi về lời khuyên, cả Trang và An đều đồng thanh đáp: “Đừng ngần ngại, hãy trở thành bướm và bay cao hơn”.

Tin tức Liên quan