Thiết kế board game hỗ trợ điều trị tâm lý, SV ĐH FPT Cần Thơ giành giải Quán quân tại FPT Edu ResFes 2023

Bằng cách trả lời các câu hỏi và thực hiện các hành động theo trình tự board game, người chơi có thể nhận thức được các vấn đề tâm lý của bản thân, đồng thời tìm ra cách tự trị liệu đơn giản thông qua việc thực hiện các thử thách. Vượt qua nhiều đối thủ, sản phẩm đã xuất sắc giành giải Quán quân Tiểu ban Thiết kế đồ họa tại cuộc thi FPT Edu Research Festival 2023.

Sản phẩm board game ứng dụng trị liệu tâm lý đã xuất sắc giành giải Quán quân tại cuộc thi FPT Edu Research Festival 2023


Dù sức khỏe tâm lý của người trẻ đang là vấn đề được xã hội ngày một quan tâm, thì hiện nay vẫn có không ít người trẻ ngại ngần và dè dặt khi nhắc đến trị liệu tâm lý, nhất là khi họ chính là đối tượng cần được điều trị. Những dấu hiệu bất ổn về tâm lý, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể phát triển thành những căn bệnh tâm lý nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể để lại những vết thương tâm lý khó chữa lành.

Đứng trước thực trạng ấy, nhóm 4 sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Trường ĐH FPT Cần Thơ, bao gồm Nguyễn Trường An, Nguyễn Thị Ja Hân, Trịnh Mai Thiên Ân, Nguyễn Nhật Duy đã sáng tạo một bộ board game tích hợp chức năng trị liệu tâm lý mang tên “Cả nhà thương nhau”.


Board game “Cả nhà thương nhau” là sản phẩm được thiết kế tích hợp chức năng trị liệu tâm lý


Bộ board game được thiết kế trên cơ sở mượn cách chơi cũ của cờ cá ngựa để ứng dụng phương pháp trị liệu tâm lý Nhận thức - Hành vi (Cognitive Behavioural Therapy). Tuy nhiên, thay vì chỉ tung xúc xắc rồi đi như cờ cá ngựa thì các ô được tô màu trong bộ trò chơi sẽ tương ứng với các loại thẻ bài. Khi người chơi đi vào một ô màu bất kì sẽ cần bốc một thẻ bài tương ứng để thực hiện các hành động, trả lời các câu hỏi hoặc hoàn thành một thử thách được nêu trong thẻ bài.

Một bộ boardgame trị liệu sẽ bao gồm 3 loại thẻ bài: bộ thẻ câu hỏi, bộ thẻ thử thách và bộ thẻ bí ẩn. Mỗi loại thẻ sẽ đóng vai trò khác nhau trong quá trình trị liệu của người chơi. Bên cạnh 3 loại thẻ này, mỗi bộ boardgame cũng có nhiều thành phần hỗ trợ để giúp người chơi trải qua trò chơi một cách hiệu quả: giấy hướng dẫn, bản đồ di chuyển, các quân cờ, xúc xắc và catalogue đáp án.


Bộ board game được thiết kế trên cơ sở mượn cách chơi cũ của cờ cá ngựa để ứng dụng phương pháp trị liệu tâm lý Nhận thức - Hành vi (Cognitive Behavioural Therapy)


Được biết, bởi sản phẩm này không phải là một sản phẩm đồ họa thông thường mà còn liên quan tới việc trị liệu tâm lý, vậy nên bên cạnh mentor về đồ họa là thầy Trần Nguyên Tùng (Giảng viên bộ môn Thiết kế đồ họa, ĐH FPT Cần Thơ), nhóm còn cần sự tham vấn vô cũng chi tiết và kĩ lưỡng từ thầy Trần Mạnh Quân (CB Tư vấn tâm lý, ĐH FPT Cần Thơ). Nhờ có sự chỉ dẫn, sửa bài, hướng dẫn thống kê và phân tích số liệu từ thầy mà những cô cậu sinh viên “tay mơ” trong làng tâm lý đã có một chỗ dựa rất vững chắc về mặt chuyên môn cho sản phẩm đặc thù này.

Bởi là một dự án sinh viên ít kinh phí, lại khó tìm thấy những đơn vị nhận in ấn, gia công số lượng nhỏ, nên sau khi hoàn thiện thiết kế, các thành viên cũng tự tay thiết kế, in ấn, lắp ráp thủ công để tạo ra một sản phẩm board game hoàn thiện. Những sản phẩm đầu tiên ra đời dù chưa được hoàn hảo nhưng cũng khiến các thành viên vô cùng vui mừng và trân trọng. Hơn ai hết, các thành viên đều hiểu đây là công sức nhiều ngày tháng của cả thầy và trò.

Nỗ lực được đền đáp khi sản phẩm được ban giám khảo và người tham dự đón nhận tại vòng chung kết cuộc thi FPT Edu Research Festival 2023. “Cả nhà thương nhau” xuất sắc giành giải Quán quân, còn 2 sản phẩm board game được nhóm sản xuất thì bị “mua sạch” tại showcase cùng ngày.


Hai bộ board game mà nhóm mang tới vòng chung kết FPT Edu Research Festival 2023 đã “bị mua hết” ngay sau showcase


“Một bộ đã được mua lại để áp dụng thực tế cho học sinh FPT School. Bộ còn lại được cô Nguyễn Kim Ánh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT hỏi mua để đem về trưng bày. Đây là niềm vinh hạnh rất lớn cũng như động lực để nhóm tiếp tục phát triển và phát hành dự án board game “Cả nhà thương nhau” ra thị trường. Hi vọng dự án có thể hỗ trợ phần nào cho các bạn sinh viên đang mắc phải các vấn đề về tâm lý, trở thành một công cụ giúp các bạn có cơ hội giãi bày và làm quen với một phương pháp điều trị tâm lý mới. Cùng chờ đón và đồng hành cùng Souls sắc và boardgame “Cả nhà thương nhau” trên chặng đường sắp tới nha!” – Nguyễn Trường An, trưởng nhóm chia sẻ.

Tin tức Liên quan