Với các Cóc IT nhà F, Thầy Lương Hoàng Hướng là người rất thân thuộc và gần gũi, là người đồng hành cùng các bạn IT trong hành trình chinh phục tri thức. Hãy cùng mình tìm hiểu đôi nét về Thầy nhé!
Thầy Hướng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tin học, thạc sỹ chuyên ngành hệ thống thông tin. Trước khi giảng dạy tại Đại học FPT Thầy đã có 9.5 năm kinh nghiệm giảng dạy và tính đến hiện tại là 11.5 năm – một khoảng thời gian dài để tích lũy kinh nghiệm và truyền đạt cho các bạn sinh viên khối ngành CNTT ở trường F.
*Cơ duyên nào để Thầy làm việc ở trường Đại học FPT?
Năm 2018, Thầy Võ Hồng Khanh có giới thiệu để Thầy về Đại học FPT. Tuy nhiên, giai đoạn đó Thầy có ý định đi học Tiến Sĩ tại Đài Loan. Năm 2019 Thầy đã xin được học bổng và sẽ đi vào tháng 09 trong năm. Tuy nhiên, vì vấn đề gia đình nên Thầy đành tạm gác dự định này. Tại thời điểm đó, Thầy cũng đang có ý định chuyển công tác, và với sự chấp nhận từ Thầy Bảy, Thầy đã về làm việc tại Đại học FPT từ tháng 09/2019.
*Đại học FPT đã để lại ấn tượng gì với Thầy?
Ấn tượng đầu tiên khi quyết định về FPT đó là khi gặp thầy Bảy. Thầy rất thẳng thắn trong công việc, khi thảo luận Thầy nói rất rõ những ưu điểm của trường, ngoài ra Thầy nói luôn nhưng vấn đề chưa tốt. Vậy với những điều đó, nếu chấp nhận được thì hãy về FPT để có một trải nghiệm tuyệt vời, đó là lời Thầy Bảy đã nói.
Một vấn đề nữa là văn hóa FPT, “Nhân viên không tặng quà, không chức lễ sếp, nhưng ngược lại thì được”. Điều này cùng giúp tránh được rất nhiều vấn đề tiêu cực trong công việc.
*Những kỷ niệm vui của Thầy đối với trường/sinh viên FPT là gì?
Với Thầy, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, vì thế Thầy có thể toàn tâm toàn ý làm việc. Các bạn sinh viên rất vui vẻ, thân thiện và rất tôn trọng giáo viên Ngoài giờ học, Thầy và trò nói chuyện vui vẻ thoải mái để giảm bớt căng thẳng sau những slot học. Là con người ai cùng sẽ có lúc mệt mỏi, và việc trò chuyện vui vẻ giờ giải lao cùng với các em cũng giúp giảm bớt đi sự mệt mỏi đó. Khi vào lớp vẫn phải có một khoảng cách nhất định giữa GV-SV, và việc nào ra việc đó, giờ học là của việc học!
*Quan điểm giảng dạy của Thầy như thế nào?
Mục tiêu của giảng dạy của Thầy là cố gắng giúp sinh viên có thể hiểu và nắm bắt được các kiến thức trong môn học, và bổ sung thêm cho sinh viên những kiến thức sát với thực tế. Muốn làm được điều đó, GV cần phải tham gia vào các dự án thật, như vậy những kiến thức kinh nghiệm được tích lũy đó sẽ giúp ích cho các em rất nhiều. Ngoài ra, khả năng nghiên cứu và tự nghiên cứu cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công sau này của các em, nên mỗi GV cần phải có phương pháp để giúp các em có thể cải thiện kỹ năng này.
*Dự định trong tương lai của Thầy như thế nào?
Qua mỗi học kỳ, Thầy thường tự đánh giá lại phương pháp đã vận dụng ở các lớp, có thể phương pháp đó phù hợp ở lớp này nhưng lại không phù hợp ở lớp khác vì nhiều yếu tốt khách quan. Vì vậy, việc đánh giá này giúp Thầy có thể tìm được một phương pháp tốt hơn, phù hợp hơn cho từng đối tượng cụ thể.
Ngoài ra, Thầy dự định sẽ tham gia học tập bậc cao hơn, điều này giúp Thầy tích lũy kiến thức chuyên môn sâu hơn nữa và giúp ích rất nhiều trong quá trình giảng dạy, định hướng nghiên cứu cho các em sinh viên.
*Đôi lời nhắn nhủ của Thầy đến các bạn sinh viên ngành Công nghệ thông tin
Các bạn sinh viên IT thông thường sẽ chọn phương pháp học là: Luyện tập thực hành thật nhiều để bù lại kiến thức lý thuyết bị khiếm khuyết. Đó là một giải pháp tạm thời, vì trong lúc thực hành sẽ có rất nhiều mục kiến thức mà mình không gặp phải nhưng trong lý thuyết thì có. Ngoài ra, khi đã nắm vững lý thuyết, thì khi gặp một vấn đề chúng ta sẽ có thể có những giải pháp cho vấn đề đó từ những lý thuyết đã nắm. Vì vậy, các bạn hãy dành thời gian cân đối khi học tập và nghiên cứu cả lý thuyết và thực hành.
Ngoài ra, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em hãy tranh thủ thời gian này đầu tư cho tương lai của chính mình bằng cách: Tự học nhiều kiến thức mới, thi lấy các chứng chỉ cần thiết cho công việc dự kiến của mình. Có thể tại giai đoạn này, chúng ta chưa sử dụng nhưng tương lai có thể cần đến.
Việt Hà