Đại học FPT Cần Thơ

Tết này, bạn có về nhà không?

26 Tết! Trời có chút lạnh xen lẫn cái nắng của sắc Xuân đang cận kề. Đường phố ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp, náo nức bởi tiếng xe cộ, tiếng vui đùa của mấy đứa nhỏ cùng cha mẹ đi sắm quần áo mới. Dịch bệnh có vẻ như đã ổn hơn, nụ cười dần trở lại trên gương mặt các cô chú tiểu thương đang tranh thủ những ngày cuối cùng của một năm đầy biến động để đón một cái Tết sung túc. Nhưng đâu đó trong những niềm vui nho nhỏ ấy ta nghe thấy nỗi buồn, niềm mong đợi của không ít bậc làm cha, làm mẹ khi có con đi làm xa xứ. Họ lo Tết này con mình không về! Có lẽ cái Tết trọn vẹn của cha mẹ của chúng ta cũng chỉ đơn giản là nhìn thấy những đứa con thân yêu trở về bên mái ấm, cùng nhau quây quần bên mâm cơm nhỏ ngắm nhìn thời khắc chuyển giao.

 

Ảnh: Nguyen Bao

 

“Nhà là nơi có Tết” vậy tại sao bạn lại không trở về nhà? Nhà vẫn ở đó nhưng liệu cha mẹ còn đợi chúng ta được thêm bao nhiêu năm nữa? 10 năm hay 20 năm! Nhân lúc chúng ta còn trẻ, cha mẹ chưa già. Hãy bên họ khi còn có thể, quay về với cảm giác được ở cùng những người mình yêu thương: dọn dẹp lại nhà cửa, nấu mấy món ăn để cúng đêm giao thừa, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp… Có lẽ đó là thứ hạnh phúc tuyệt vời nhất mà chẳng có nơi đô thị xa hoa, sầm uất nào khiến bạn cảm nhận được.

 

Ảnh: Rong Pham on Behance

 

Gác lại âu lo ta trở về với mái nhà có cha, có mẹ và còn đó những hình ảnh bình dị nơi ta lớn lên,  nhìn lại mình sau một năm vất vả mà không màu mè son phấn, mộc mạc tựa ta thuở bé. Xem ta được gì, mất gì ở năm cũ và làm mới mình trong quãng đường phía trước đang chờ đợi. Nhìn lại để biết trân quý chính bản thân và tri ân những người đã đồng hành cùng ta trong cuộc sống. Đặc biệt chính là cha mẹ người luôn tha thứ khi ta sai, là vòng tay luôn chào đón khi ta quay về.

 

Ảnh: Afamily

 

Tết vẫn vậy nhưng chỉ khác là chúng ta đã lớn. Có lẽ thứ được gọi là tiền nong, đong đếm chính là vật cản vô hình khiến ta không muốn về nhà. Để rồi Tết cũng chỉ vỏn vẹn trong những chuỗi ngày không phải chấm công chứ không phải thời gian để ta tận hưởng cái cảm giác ấm áp, đoàn viên, hội tụ sau một năm ngược xuôi, vất vả. “Mang tiền về cho mẹ” hay “Tết này về với mẹ” thật ra thì cả hai đều quan trọng nhưng có những giá trị không thể nào đem lên bàn cân vật chất, nhất là tình thân. Ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để về đó là “nhà”.

“TẾT SUM VẦY” vậy tại sao cha mẹ chúng ta phải chờ đợi? Thế “Tết này bạn có về nhà không?”

Minh Đạt

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *