Sinh viên Trường F mang tinh thần xanh vào nghiên cứu khoa học

Vừa qua, các nhóm sinh viên Trường F cùng thầy Nguyễn Trọng Luân đã mang tinh thần “xanh” ra thế giới qua hai bài nghiên cứu khoa học về phát triển bền vững và khởi nghiệp xanh. Hãy cùng Đại học FPT tìm hiểu về hành trình nghiên cứu khoa học của các Cóc nhà mình nhé!

 

 

 
Để tốt nghiệp, năm 4 thường là năm bùng nổ những bài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở tất cả các trường đại học. Thế nhưng, ở Đại học FPT, sinh viên không chỉ viết bài nghiên cứu để ra trường mà còn để xuất bản lên tạp chí khoa học nên tất cả các bài nghiên cứu đều được các bạn đầu tư tỉ mỉ và viết dưới dạng tiếng Anh. Trong đó, bài nghiên cứu khoa học về phát triển bền vững và khởi nghiệp xanh của các bạn sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và Kinh doanh quốc tế K14, do thầy Nguyễn Trọng Luân hướng dẫn, mới đây đã được tạp chí khoa học quốc tế uy tín ra quyết định đăng bài.
 

Trường F tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu khoa học
Nhằm phát triển tư duy phân tích và tinh thần khám phá, học hỏi của các bạn sinh viên, Đại học FPT đã không ngừng đưa ra những chính sách khuyến khích các “Cóc” nhà F vận dụng kiến thức vào nghiên cứu khoa học. Bạn Lê Trần Gia Bảo, sinh viên thuộc nhóm nghiên cứu về phát triển bền vững chia sẻ: “Ban đầu, nhóm mình chỉ biết đến nghiên cứu khoa học do tham khảo từ các anh chị khóa trước, nhưng nhờ đến sự ủng hộ của thầy cô và nhà trường, chúng mình mới có động lực để thực hiện một bài nghiên cứu mang tầm quốc tế như vậy. Đặc biệt, nhà trường đưa ra rất nhiều chính sách khuyến khích như được cộng điểm tốt nghiệp, đồng thời với hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho sinh viên tụi mình nữa.”

 

 


Bên cạnh, ngoài việc ủng hộ sinh viên, Đại học FPT còn đưa ra chính sách công nhận và khen thưởng hấp dẫn với giải thưởng cao nhất lên tận tám con số 0. Bạn Nguyễn Ngọc Khải Vy, sinh viên thuộc nhóm nghiên cứu về khởi nghiệp xanh chia sẻ: “Ngoài việc điểm cộng tốt nghiệp, khi nghe về phần thưởng “hiện kim” lên đến 100 triệu tùy cấp độ báo của Trường F dành cho các bài báo quốc tế, nhóm tụi mình rất hăng hái quyết định “bén duyên” từ sớm với nghiên cứu khoa học.”
Quả thực, chỉ có Trường F mới dám “mạnh tay” đầu tư vào tương lai của các Cóc nhà mình như thế!


Phát triển bền vững và khởi nghiệp xanh đang là xu thế
Khi được hỏi lý do vì sao các bạn chọn chủ đề về phát triển “xanh”, các nhóm đều cho biết rằng phát triển bền vững và khởi nghiệp xanh hiện đang là xu thế. Cụ thể, theo các bạn, khi khoa học và kinh tế quá phát triển, tình hình xã hội và sinh kế của những người dân địa phương sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Bạn Lê Trần Gia Bảo nói: “Với thầy và tụi mình, chủ đề về phát triển bền vững và khởi nghiệp xanh là một chủ đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để đóng góp vào thư viện nghiên cứu khoa học của nước nhà, tụi mình đã quyết định cùng thầy theo đuổi đề tài này.” Ngoài ra, bạn Nguyễn Ngọc Khải Vy còn chia sẻ thêm: “Thực ra, ban đầu vì cả nhóm đều thích khởi nghiệp nên chọn đề tài về khởi nghiệp. Sau khi được thầy chia sẻ về chủ đề “xanh” cũng như biết được thầy có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhóm tụi mình đã chọn nghiên cứu về khởi nghiệp xanh. Một phần vì muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này, một phần tụi mình nghĩ đề tài này sẽ giúp ích cho tương lai khởi nghiệp của nhóm.”

 

 


Qua chia sẻ của bạn Khải Vy, Đại học FPT đã tìm đến thầy Nguyễn Trọng Luân để biết thêm về những chia sẻ từ thầy. Theo thầy, việc hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu về đề tài này sẽ giúp các bạn định hình rõ hơn về phát triển bền vững. Đồng thời, như câu thầy hay nói: “Không để ai bị bỏ lại phía sau,” việc trải nghiệm về lĩnh vực này cũng sẽ giúp sinh viên Trường F hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng và xã hội. Thầy Nguyễn Trọng Luân còn vui vẻ chia sẻ thêm: “Hoạt động nghiên cứu khoa học chắc chắn sẽ là hành trang vững chắc để các Cóc nhà mình tự tin trong sự nghiệp sau này.”
 

“Ở đâu khó, ở đó có thầy cô”


“Ở đâu khó, ở đó có thầy cô,” đây là một câu nói đùa của bạn Gia Bảo khi tâm sự về những điều khó khăn mà nhóm đã gặp phải trong lúc thực hiện đề tài nghiên cứu. Theo các bạn, có thầy cô giảng viên đồng hành trong suốt quá trình thực hiện đề tài tốt nghiệp là một sự may mắn với nhóm. Trong đó, Gia Bảo chỉ ra rất nhiều những khó khăn thời gian nghiên cứu, “Do lần đầu chập chững trong việc nghiên cứu, nhóm tụi mình gặp nhiều cái khó lắm! Từ việc đi thu thập số liệu, cách trình bày rồi cả dữ liệu bị lỗi nữa. Thế nhưng, may là mỗi lần nhóm có vấn đề hay trục trặc, thầy trò sẽ cùng nhau họp lại để giải quyết nên nhóm mình rất yên tâm.” Ngoài ra, theo bạn Nguyễn Ngọc Khải Vy, giảng viên còn là “người truyền lửa” của sinh viên, “Vì phần lớn thành viên nhóm đều có công việc bên ngoài nên không có thời gian thích hợp để mọi người cùng nhau làm. Thậm chí tụi mình còn bị trễ hạn deadline nhóm tự đặt ra nữa. Thế nhưng, thay vì phàn nàn, thầy lại bày tỏ sự cảm thông với tụi mình và đều đặn mỗi tuần dành ra 2 3 lần họp mặt để truyền lửa khích lệ tinh thần cho nhóm.”

 

 


Kết câu, cả hai bạn Gia Bảo và Khải Vy đều muốn dành lời cảm ơn chân thành gửi đến thầy Nguyễn Trọng Luân: “Cảm ơn thầy đã hỗ trợ và giúp đỡ nhóm tụi em trong chặng đường cuối ở Đại học. Được thầy hướng dẫn, tụi em mới có động lực để hoàn thành mục tiêu lớn như vậy. Tụi em cảm ơn thầy rất nhiều!”
 


Nghiên cứu khoa học cần những gì?
Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các bạn sinh viên khóa sau, điều chia sẻ đầu tiên của các nhóm đều nhắc đến nỗi sợ ban đầu, nỗi sợ phải đối mặt với những khó khăn khi làm nghiên cứu khoa học. Theo bạn Lê Trần Gia Bảo, nếu chỉ lo sợ mà không quyết tâm làm thì ai cũng không giúp được mình, “Lúc đầu mình nghe viết bài đăng báo thì cũng lo lắng, sợ làm không tốt nhưng mình đã vượt qua nỗi sợ và đạt được thành tích như bây giờ. Thế nên, mình cũng mong các em khoá sau cũng vậy, không có gì phải lo lắng chủ yếu là chăm chỉ và có quyết tâm còn những phần khác thì sẽ có các thầy cô hướng dẫn hỗ trợ,” Gia Bảo vui vẻ chia sẻ. Về bạn Nguyễn Ngọc Khải Vy, bạn muốn gửi lời khuyên đến các em khóa sau là hãy thử sức trong lĩnh vực này và đừng ngại khó, “Tất cả đều có thể học trên mạng và thầy cô thì luôn luôn sẵn lòng hỗ trợ các em hết mình. Thế nên, các em hãy thử sức một lần, thử tự mình lập nhóm bạn cùng ngành từ 3 đến 5 người làm cùng một bài xem. Theo chị là vô cùng oai luôn đấy!”, bạn vui vẻ cười nói.

 

 


Tiếp theo, sau khi đã trang bị cho bản thân một tinh thần “cầu thị” thì kiến thức chuyên môn cũng là điều quan trọng mà các bạn sinh viên khóa sau nên tập trung đầu tư. Thầy Nguyễn Trọng Luân nói: “Khi có cơ bản về kiến thức phân tích dữ liệu, các bạn sẽ dễ dàng tiếp cận với nghiên cứu khoa học hơn. Do đó, thầy khuyên các bạn sinh viên hãy tích cực tham gia và đầu tư vào các môn học, workshop, hay hội thảo về nghiên cứu khoa học để có thể trau dồi thêm cho bản thân về chủ đề này.” Bên cạnh, thầy còn bày tỏ mong muốn là sinh viên Trường F sẽ chủ động hơn trong việc tìm hiểu qua thầy cô, anh chị và bạn bè để giá trị “tìm tòi, học hỏi” của nghiên cứu khoa học luôn phát triển trong các bạn.


Kết

Có thể thấy rằng, nhờ tinh thần ham học cùng với sự ủng hộ từ phía nhà trường, sinh viên nhà F đã “tiệm cận” hơn với thế giới, với xu thế của thời đại qua việc nghiên cứu khoa học. Các bạn đã vận dụng kiến thức được học để góp phần vào công cuộc nghiên cứu của Việt Nam. Đồng thời, nhờ các thành tích được đăng trên tạp chí khoa học, thầy trò Trường F đã cùng nhau làm rạng danh nhà Cóc đến với bạn bè cả nước và quốc tế.

Minh Trang


Tin tức Liên quan