Sinh viên Trường ĐH FPT nghiên cứu về nhu cầu tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp

Nắm bắt được nhu cầu muốn “chiếm lĩnh” các kênh tiếp thị trực tuyến của nhiều doanh nghiệp, sinh viên Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ đã đưa ra một số nghiên cứu và giải pháp về vấn đề này trong đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Summer 2023 đang diễn ra.

Truyền miệng điện tử - đề tài nghiên cứu “bắt trend"

Truyền miệng điện tử (eWOM) được xem là một hình thức lan truyền thông tin phổ biến, “nhanh như vũ bão" trên các nền tảng xã hội hiện nay. Số lượng nghiên cứu về đề tài này ngày càng tăng, tuy nhiên mối liên hệ giữa eWOM trên mạng xã hội và ý định mua hàng của người tiêu dùng vẫn chưa được hiểu rõ đầy đủ, đặc biệt là trong một thế hệ hoặc nhóm tuổi cụ thể.

Do vậy, nhóm sinh viên Nguyễn Quốc Khánh, Lê Mỹ Diện, Vương Bình Long, Trần Mỹ Mỹ, Nguyễn Thành Trung của Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ đã phát triển đề tài: "Nghiên cứu về tác động của truyền miệng điện tử (eWOM) trên mạng xã hội đối với ý định mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng Thế hệ Z ở Đồng bằng sông Cửu Long".


Nhóm sinh viên rạng rỡ trong buổi bảo vệ tốt nghiệp sau khi khi hoàn thành 4 tháng miệt mài nghiên cứu


Mục tiêu của đề tài là nâng cao hiểu biết về tác động của thông tin eWOM đến hành vi của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà tiếp thị và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp. Điểm “đắt giá" của đề tài là nghiên cứu kết hợp các yếu tố từ mô hình hành vi người tiêu dùng, mô hình chấp nhận thông tin (IAM, IACM) và thêm tính định lượng của thông tin eWOM để cung cấp một phân tích toàn diện.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm đã thực hiện nhiều khảo sát, thu về hơn 300 mẫu trả lời. Để làm được này, nhóm sinh viên cho biết đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thu mẫu của người làm. “Bài học rút ra là phải check bảng câu hỏi 7749 lần để người đọc dễ hiểu vì các thông tin tiếng Anh trong khảo sát làm cho người độc khó hiểu khi dịch sang tiếng Việt. Và muốn cho bài khảo sát của mình có chất lượng thì cũng phải chịu khó năn nỉ mọi người trả lời có tâm" - Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

Theo sát đề tài nghiên cứu của các bạn sinh viên, cô Ngô Thị Thuý An - Giảng viên Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ đánh giá: “Nhìn chung, nghiên cứu này nêu bật các khía cạnh thiết yếu của thông tin truyền miệng điện tử được người tiêu dùng Thế hệ Z đặc biệt quan tâm, mang lại giá trị đáng kể cho các nhà tiếp thị. Bằng cách tận dụng những hiểu biết sâu sắc thu được từ nghiên cứu này, các nhà tiếp thị có thể nâng cao hiểu biết của họ về động lực của truyền miệng điện tử trên mạng xã hội và tương tác hiệu quả với Thế hệ Z, cuối cùng là nâng cao chiến lược tiếp thị của họ và đạt được thành công lớn hơn trong việc nhắm mục tiêu vào phân khúc nhân khẩu học này”.

Làm nghiên cứu tác động của video ngắn, được xuất bản tạp chí quốc tế

Nhóm sinh viên Nguyễn Anh Duy, Đào Thị Ngọc Kiều, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Quách Phú, Nguyễn Thành Vinh của Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ đã bảo vệ thành công đề tài “Nghiên cứu tác động của video ngắn tiếp thị đến ý định mua của Gen Z tại Đồng bằng sông Cửu Long". Bài nghiên cứu của nhóm còn được đăng tải trên tạp chí học thuật quốc tế - Business Perspectives.


Bài nghiên cứu của nhóm còn được đăng tải trên tạp chí học thuật quốc tế - Business Perspectives


Trong những năm gần đây, video ngắn đã nổi lên như một phương tiện tiếp thị “hot", được đặc trưng bởi các tính năng tương tác, tính dễ xem và nội dung hấp dẫn. Đặc biệt, các video ngắn thu hút một lượng lớn người dùng, nhất là Gen Z. Vì vậy, các doanh nghiệp đã và đang bắt đầu nắm bắt nhu cầu này để phát triển kinh doanh.

Những phát hiện của nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp tham gia tiếp thị bằng video ngắn. Trong đó, nhóm sinh viên thực hiện đề tài đã chỉ ra những yếu tố tạo nên thành công khi sử dụng phương pháp này như: nội dung hấp dẫn, có tính giải trí phù hợp với thị hiếu Gen Z, sự tương tác tích cực giữa người dùng và thương hiệu, kết hợp với người có ảnh hưởng để thu hút sự chú ý của khách hàng với dịch vụ doanh nghiệp.


Khi nghiên cứu đề tài này, nhóm có thuận lợi vì đã trải nghiệm thực tế về thị trường và các nền tảng kỹ thuật số


Khi thực hiện những nghiên cứu mang tính học thuật như này, “cái khó ló cái khôn", các bạn sinh viên cũng là những người thuộc thế Gen Z nên phần nào cũng hiểu rõ được tâm lý, thị hiếu của đối tượng công chúng mục tiêu. Từ đó kết hợp với nền tảng kiến thức chuyên môn đã được truyền dạy để tiến hành phân tích và đề xuất giải pháp cho các doanh nghiệp.

 

Theo FPT Edu

Tin tức Liên quan