Sinh viên Trường ĐH FPT làm phần mềm hỗ trợ dạy và học

Trong đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Summer 2023, nhiều phần mềm hỗ trợ dạy và học đã được sinh viên Trường Đại học FPT Hà Nội nghiên cứu, phát triển thành công.

Nền tảng đa chức năng dành cho người học tiếng Nhật

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc học ngoại ngữ sao cho hiệu quả được nhiều người trẻ quan tâm. Nắm bắt nhu cầu này, nhóm sinh viên: Đỗ Hoàng Long, Đỗ Thuỳ Dương, Trương Bá Anh Quân, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Đỗ Việt Yến (Trường ĐH FPT Hà Nội) đã thành công xây dựng website “Trang học tiếng Nhật tương tác trực tuyến".

Điểm đặc biệt của website này là trang bị đầy đủ các công cụ hữu ích trong việc học tiếng Nhật như: từ điển có đầy đủ từ vựng, ngữ pháp, công cụ dịch đa ngôn ngữ tích hợp ChatGPT để tăng khả năng phân tích. Cùng với đó là môi trường trao đổi giữa các người học với nhau nhờ ChatBot và Classroom cũng được hỗ trợ để người học tăng khả năng tương tác.


Hiện nay, website học tiếng Nhật tương tác trực tuyến của nhóm sinh viên K15 Trường Đại học FPT Hà Nội đã đi vào hoạt động. Người học ngôn ngữ Nhật có thể trải nghiệm trên đa thiết bị: laptop, mobile.


“Nhóm mình muốn xây dựng một website học tiếng Nhật có chức năng hỗ trợ phong phú nhất có thể để người học không còn cảm thấy tiếng Nhật quá khó nữa" - Đỗ Thuỳ Dương chia sẻ về mục tiêu khi phát triển sản phẩm này của nhóm.

Trải lòng về quá trình làm việc nhóm, hoàn thành đồ án, Đỗ Hoàng Long cho biết: “Giai đoạn đầu của dự án nhóm đã có rất nhiều cuộc debate (tranh luận) để định hướng website của mình sẽ có những tiện ích gì, thực hiện như thế nào. Nhưng rất may, nhóm đã nhận được sự giúp đỡ và góp ý của các thầy cô cùng các bạn học ngành Ngôn ngữ Nhật nên cuối cùng đã xây dựng thành công website này”.


Nhóm đồ án: “Trang học tiếng Nhật tương tác trực tuyến” đã bảo vệ thành công


Môi trường thực hành an toàn cho đào tạo an ninh mạng

Là những sinh viên đang theo học chuyên ngành An toàn thông tin - Trường Đại học FPT Hà Nội, Bùi Đức Tài, Bùi Trường Nghiên, Triệu Minh Hiếu, Kiều Anh Quân, Vũ Minh Chiến hiểu rõ hơn ai hết về tầm quan trọng của việc thử nghiệm. Từ đó, nhóm đã lên ý tưởng đề tài: “Xây dựng nền tảng môi trường mô phỏng để đào tạo và thử nghiệm an ninh mạng”.


Minh hoạ chương trình mô phỏng đào tạo và thử nghiệm an ninh mạng của nhóm sinh viên Trường Đại học FPT Hà Nội


Nền tảng nhằm đáp ứng một môi trường học tập và thực hành an toàn cho sinh viên. Trong đó, người học có thể thử nghiệm các kỹ năng khác nhau với kịch bản đa dạng để nâng cao kiến thức chuyên môn phù hợp với yêu cầu ngày càng phức tạp của ngành. Không những vậy, nền tảng này còn giúp giảng viên dễ dàng đánh giá và quản lý chất lượng học tập của sinh viên hơn các nền tảng đã có.

Điều độc đáo của sản phẩm này là việc sử dụng nền tảng Kypo giúp tạo ra những môi trường riêng biệt, bao gồm các Hosts và mạng ảo, cho phép sinh viên thực hành trong môi trường an toàn và được mô phỏng sát với thực tế nhất có thể. Thêm vào đó, nền tảng của các bạn sinh viên cũng sắp xếp các bài lab theo nhu cầu học tập như: Individual Lab và Lab series. Trong khi các bài của Individual Lab sẽ cung cấp cho sinh viên những công cụ và phương pháp kỹ năng cơ bản, còn Lab series gồm nhiều bài liên kết với nhau để người học vận dụng kiến thức đa dạng lần lượt giải quyết vấn đề.

“Quá trình xây dựng đồ án nhóm phải thực hiện rất nhiều công đoạn bao gồm tìm hiểu các công nghệ mà nền tảng sẽ sử dụng, khảo sát ý kiến của thầy cô và các bạn sinh viên, tổng hợp và phân tích chi tiết để tìm ra giải pháp. Cái khó là nhóm làm việc với nhau bằng hình thức online nên mất nhiều thời gian để kiểm soát chất lượng và cũng không tránh khỏi những hiểu lầm trong khi phát triển” - Bùi Đức Tài tiết lộ câu chuyện “hậu trường” của quá trình làm đồ án.

 

Theo FPT Edu

Tin tức Liên quan