Sinh viên Trường ĐH FPT biến sách giấy thành sách tích hợp AR, trải nghiệm đa giác quan

Không chỉ truyền tải những nội dung ý nghĩa, những cuốn sách giấy nay được sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM tích hợp âm thanh, công nghệ AR giúp người đọc dễ dàng hình dung không gian, không khí trong từng bối cảnh của câu chuyện.


Vừa qua, hơn 30 sinh viên chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số – Trường ĐH FPT phân hiệu TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp kỳ Summer 2023. Trong đó, nhiều dự án nhận được đánh giá tích cực từ phía Hội đồng chấm thi bởi mỹ thuật, công nghệ và ứng dụng.

“Sín” là sách Pop-up (dựng hình 3D) ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) về đề tài trẻ em thiếu tự tin trong cuộc sống. Khi tham khảo tài liệu, Đỗ Thị Huỳnh Nhi và Lê Thị Việt Hà nhận thấy trong những năm đầu đời, trẻ em thường thiếu sự tin tưởng vào bản thân và lòng tự tôn của trẻ rất dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố do thiếu hiểu biết về thế giới xung quanh cũng như chưa đủ khả năng đánh giá khách quan về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.




Cuốn sách tích hợp công nghệ AR được thực hiện trong khoảng 4 tháng, bao gồm thời gian chuẩn bị tìm đề tài, viết cốt truyện, tìm hiểu về cách làm pop-up


Những cuốn sách giúp trẻ tự tin hơn đã được phát hành khá nhiều trên thị trường lại chưa đề cập sâu đến xuất phát điểm của tự tin – đó là lòng tự tôn của trẻ. Tuy nhiên, “Sín” sẽ giải đáp về nguyên nhân gây ra sự thiếu tự tin ở trẻ cũng như hướng dẫn cách để giúp trẻ trân trọng những phẩm chất độc đáo và giá trị vốn có của bản thân. Ngoài ra,cuốn sách cũng giúp nâng cao nhận thức cho phụ huynh ,giáo viên về lòng tự tôn.Từ đó hiểu được rõ tâm lý của trẻ và đồng hành cùng trẻ trong quá trình xây dựng lòng tự tôn lành mạnh.


Cốt truyện đơn giản, dễ truyền tải thông điệp về lòng tự tôn mà vẫn đảm bảo tính sáng tạo và khác biệt


Đặc biệt, việc sử dụng phương pháp “sách nổi” kết hợp các kỹ thuật cắt, dán, gấp giấy để tạo nên kết cấu ba chiều (3D) góp phần minh họa sinh động hơn nội dung truyện. Khi sử dụng thêm công nghệ AR, trẻ em dễ dàng hoà mình vào bối cảnh của câu chuyện, từ đó tiếp thu và ghi nhớ kiến thức thuận lợi, thú vị hơn.


Nhóm sinh viên tự làm ra một phiên bản pop-up cân bằng được tính ứng dụng và cá tính nghệ thuật của bản thân


“Magic” Scales là dự án sách minh hoạ 2D sử dụng công nghệ AR về đề tài bảo vệ động vật hoang dã của sinh viên Phan Thị Tố Quyên và Phan Nam Phương. Được biết, Tê Tê là loài luôn trong tình trạng bị săn bắt nghiêm trọng phục vụ cho các mục đích như làm thuốc, ăn thịt. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia săn bắt, tiêu thụ Tê Tê nhiều trên thế giới nên cần đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao nhận thức về vấn đề này.


Sản phẩm góp phần tăng nhận thức cho trẻ em về việc săn bắt động vật hoang dã và hậu quả của chúng


Nhóm sinh viên đã gặp nhiều khó khăn khi nỗ lực mang “không khí Việt Nam” vào từng nét vẽ cũng như ứng dụng công nghệ AR nhằm tăng khả năng hình dung và giữ chân cho người đọc thuộc lứa tuổi 7 – 14. Với “Magic” Scales, trẻ em có thể nghe được âm thanh, hoà mình vào không gian và cảm nhận không khí trong bối cảnh của câu chuyện.


Độc giả cần cài đặt app Artivive. Với mỗi trang sách có ký hiệu “con mắt”, hướng điện thoại vào để scan và xem tranh chuyển động


“Trên thị trường Việt Nam hiện nay chưa có các sản phẩm về nạn săn bắt Tê Tê. Thị trường nước ngoài đã có vài sản phẩm về loài này nhưng chưa đánh mạnh vào vấn đề khai thác quá mức và hậu quả của những hành động đó, đồng thời cũng khó để tiếp cận đến trẻ em Việt Nam. Sản phẩm của chúng mình không những khắc phục những điều trên mà còn biến tấu và ứng dụng concept Việt Nam vào sách”, đại diện nhóm cho hay.

 

Theo FPT Edu

Tin tức Liên quan