Sinh viên đồ hoạ và hành trình rèn luyện tư duy thiết kế

Với bất kỳ sinh viên Thiết kế Đồ hoạ nào thì điều trăn trở đầu tiên và trước nhất vẫn xoay quanh hai từ “sáng tạo”. Nhà thiết kế làm cho thứ xấu nhất cũng trở nên đẹp. Thật vậy, bất kỳ thiết kế nào cũng luôn cần sự phối hợp hài hoà của bán cầu não trái (tư duy tầm nhìn) và bán cầu não phải (tư duy sáng tạo). Để hiểu đúng, thiết kế ở đây nên là một hành động, quá trình có nhiều phân đoạn chứ không chỉ đơn thuần là một danh từ. Quá trình này thông thường kéo dài và đòi hỏi nhiều ở người thiết kế những kỹ năng thẩm mỹ, trừu tượng hoá cùng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng về đối tượng mà họ đang muốn hướng tới.

 

Nắm rõ được những vấn đề trọng yếu này, ngay từ những học kỳ đầu tiên của chuyên ngành, sinh viên Đồ hoạ tại Đại học FPT Cần Thơ đã được tiếp xúc với hai bộ môn nền tảng trong chương trình học: Fundamental of Graphic Design (Nguyên lý Thiết kế) và Visual Communication (Nguyên lý Thị giác). Hai bộ môn này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tư duy trừu tượng, biết và ghi nhớ các quy tắc, yếu tố thẩm mỹ trong một tác phẩm nghệ thuật. Và đây cũng được xem như hai bộ môn “khó nhằng” nhất trong học kỳ đầu của sinh viên Đồ hoạ tại trường F.

Với Fundamental of Graphic Design (Nguyên lý Thiết kế), môn học này cung cấp cho sinh viên kiến thức về các nguyên tắc nghệ thuật thị giác, hiểu biết cơ bản về các quy tắc thị giác để bố trí và sắp xếp bố cục của các tác phẩm nghệ thuật. Từ đó có thể phân tích, đánh giá tác dụng của các yếu tố thiết kế trong từng thành phần riêng biệt. Không chỉ vậy, môn học giúp sinh viên hiểu và áp dụng 5 quy tắc nguyên tắc thiết kế trên các tác phẩm nghệ thuật đương đại: Thống nhất & Hài hòa (Unity & Harmony), Cân bằng (Balance), Tỷ lệ (Scale & Proportion), Tương phản & Nhấn mạnh(Contrast & Emphasis), Nhịp điệu (Rhythm).

 



Visual Communication (Nguyên lý Thị giác), môn học này giúp sinh viên bắt đầu làm quen với các nguyên tắc cơ bản, thuật ngữ, phương pháp và hệ thống cơ bản của nguyên lý thị giác: tương quan thị giác, cảm giác tâm lý thị giác được sử dụng để giải quyết các vấn đề trong thiết kế. Thông qua hệ thống bài tập thực hành trên lớp đi từ lý thuyết cơ bản đến thực hành, những chấm, nét, hình khối và sự chuyển động để tạo không gian, tả chất và tạo được cảm xúc, biểu cảm. Bài làm của từng sinh viên sau mỗi bài tập sẽ được Giảng viên và sinh viên trong lớp cùng nhận xét, đánh giá. Giảng viên chấm điểm đánh giá cuối cùng ngay trên lớp.

 



Đối với cả hai môn trên, tất nhiên sẽ chẳng yêu cầu quá cao ở kỹ năng vẽ vời mà lại chú trọng vào sự cảm thụ và trừu tượng hoá những hình ảnh, sự vật dựa trên những nguyên tắc và sự tương quan thị giác. Từ đó mới có thể áp dụng các yếu tố mỹ thuật và kiến thức về nguyên tắc thiết kế đó để xây dựng các tác phẩm nghệ thuật thị giác cơ bản trong thiết kế đồ họa. Nghe có vẻ phức tạp mà lại không khó để qua môn, nhưng nếu học chỉ để qua môn thì hoàn toàn không đủ vì bản thân cả hai môn này đều đóng vai trò là nền tảng sơ khai cho bất kỳ ai mới học hay tìm hiểu về ngành thiết kế.

 



Cái khó nhất ở cả hai môn trên có lẽ ở chính sự trừu tượng hoá và những nguyên tắc đặc biệt mà nó yêu cầu ta phải thực sự cảm nhận để nhìn thấy và lột tả được. Sau mỗi bài lý thuyết trên lớp lại là bài tập thực hành dựa trên chính những nội dung vừa học. Chính vì vậy, để chinh phục tốt các môn trên, điều mà bất kỳ ai cũng nên làm đó là đọc sách giáo khoa và các tài liệu bộ môn có liên quan đã trước khi đến lớp. Tích cực tham gia bài học, đặt câu hỏi ngay khi thắc mắc, làm và hoàn thành bài thực hành để xâu chuỗi kiến thức sau từng bài học. Bên cạnh đó, sinh viên FPT còn có thể truy cập trang web của khóa học (http://cms.fpt.edu.vn) cập nhật thông tin và các tài liệu của khóa học, hỗ trợ trực tuyến từ các giáo viên và các học sinh khác.

 

 


Trường An


Tin tức Liên quan