Sinh viên ĐH FPT tích hợp đồ hoạ, công nghệ và truyền thông trong sản phẩm tốt nghiệp

Nhiều đồ án tốt nghiệp của SV ĐH FPT có sự tích hợp của các yếu tố về truyền thông hay công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) đã nhận được phản hồi tốt của Hội đồng chấm tốt nghiệp cũng như mở ra cơ hội “lọt mắt xanh” doanh nghiệp.

Haki - ứng dụng tích hợp công nghệ AR chinh phục 100% đại diện doanh nghiệp

 

Haki là một trong những đồ án được đánh giá cao bởi cả Hội đồng chấm tốt nghiệp và đại diện doanh nghiệp trong đợt bảo vệ đồ án kỳ Spring 2023, được thực hiện bởi hai sinh viên Lê Minh và Lê Thành Đạt (SV chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số, ĐH FPT).


Ngay từ khi khởi động đồ án này, hai sinh viên đã tự đặt mục tiêu rằng sản phẩm của mình phải vừa có một hàm lượng kiến thức chuyên môn nhất định, vừa có tính ứng dụng thực tế cao, giải quyết được nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, giúp cho cuộc sống của một hoặc nhiều nhóm người dễ dàng và tốt đẹp hơn. Sau nhiều bước khảo sát và đặt vấn đề với doanh nghiệp, nhóm đã lựa chọn hướng đi thực hiện ứng dụng điện thoại tư vấn tóc thẩm mỹ cho nam giới có tên Haki với sự hỗ trợ thông tin từ một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng tóc giả. 

 

Haki là sản phẩm gửi gắm mong muốn tạo ra những sản phẩm có giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng của sinh viên ĐH FPT 


Ứng dụng Haki tích hợp công nghệ AR cùng giao diện đẹp mắt được đánh giá là một giải pháp phù hợp, cân bằng giữa nhu cầu của người tiêu dùng: gia tăng trải nghiệm khi chọn mua tóc giả, góp phần lấy lại sự tự tin cho các đối tượng có vấn đề về tóc và nhu cầu của doanh nghiệp: tối ưu hoá thời gian và công sức tư vấn bán hàng). 


Đặc biệt, ứng dụng Haki được xây dựng nên từ nền tảng là một bài nghiên cứu chi tiết, chỉn chu, do vậy đã được Hội đồng chấm tốt nghiệp đánh giá tốt. Đại diện doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng tóc giả dự khán buổi bảo vệ ngay lập tức đưa ra lời mời làm việc dành cho các thành viên trong nhóm đồ án.

 

Đại diện doanh nghiệp bị chinh phục 100% bởi chất lượng của sản phẩm đồ án cũng như sự đầu tư kỳ công của nhóm sinh viên, ngay lập tức đưa ra lời mời hợp tác làm việc

 
Nhận được những phản hồi tích cực, nhóm sinh viên xúc động chia sẻ: “Để có được ngày hôm nay, bọn mình đã phải chờ đợi 8 tháng với 2 kỳ đồ án khác nhau. Đó là một hành trình đầy thăng trầm, đan xen nhiều niềm vui cũng như nước mắt từ những lần vấp ngã. Haki không chỉ là đồ án tốt nghiệp, mà còn là ‘đứa con tinh thần’ chứa đựng rất nhiều kỳ vọng giúp ích cho các doanh nghiệp và xã hội của bọn mình”.

 

Nhóm sinh viên tác giả chụp ảnh cùng anh Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT sau buổi bảo vệ

 

“Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho Nhà hát Múa rối nước Thăng Long” - Đồ án chinh phục được những người trẻ yêu văn hoá Việt 

 

Đây là một trong những sản phẩm được Hội đồng chấm tốt nghiệp đánh giá cao do nhóm sinh viên Trần Việt Hưng, Hồ Hà Thương và Phương Đức Mạnh (SV chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số, ĐH FPT) thực hiện. Đồ án là sự kết hợp giữa các khảo sát kỹ lưỡng, bài nghiên cứu chỉn chu, và đặc biệt là sản phẩm đầu ra vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, vừa có tính ứng dụng thực tế trong các hoạt động truyền thông. 

 

 

Nhóm sinh viên mang đến các ấn phẩm truyền thông vừa có màu sắc truyền thống, vừa mang các yếu tố hiện đại, “hợp nhãn” giới trẻ


Đặt trong bối cảnh hiện tại khi những nét đẹp truyền thống và các hoạt động văn hoá thuần Việt đang dần bị thay thế bởi nhiều hình thức giải trí khác, đồ án của nhóm sinh viên đã thể hiện được sự quan tâm của mình đối với việc gìn giữ, lan toả những giá trị văn hoá đến với mọi người.

 

Sản phẩm của nhóm đồ án được đánh giá ở mức xuất sắc


Nhận xét về đồ án, Hội đồng chấm tốt nghiệp cho rằng các sản phẩm vừa khơi gợi được những nét đẹp truyền thống thông qua tạo hình và màu sắc, vừa có những yếu tố hiện đại và “hợp gout” với những người trẻ tuổi. Các sản phẩm này hoàn toàn có thể được sử dụng cho các dự án truyền bá văn hoá múa rối nước nói riêng và văn hoá truyền thống Việt Nam nói chung.

 

Thục Anh

Tổ chức Giáo dục FPT

Tin tức Liên quan