Trong đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Spring 2023 vừa qua, các nhóm sinh viên ĐH FPT Cần Thơ đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với những giá trị văn hoá truyền thống thông qua các đồ án có ý nghĩa.
Loạt món ăn Việt Nam xuất hiện trong tựa game “Allez Hop!”
“Allez Hop!” (Tiếng Việt: “Tới đây”) là tựa game 3D thú vị được phát triển và bảo vệ bởi nhóm sinh viên Nguyễn Kiều Trúc Ngân, Võ Tuyết Nhi và Trần Thái Cao Trí, ĐH FPT Cần Thơ. Tựa game mang đến cho người chơi những trải nghiệm chân thực nhất trong việc chế biến, thưởng thức và kinh doanh các món ăn truyền thống 3 miền Việt Nam như xôi xéo (miền Bắc), cháo lươn (miền Trung), bánh da lợn (miền Nam)… Bên cạnh đó, người chơi cũng được “thưởng ngoạn” nhiều cảnh sắc đẹp cùng những câu chuyện văn hoá xoay quanh các món ăn này. Người Việt Nam ở mọi độ tuổi cùng khách du lịch nước ngoài quan tâm đến Việt Nam và những người hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực trên toàn thế giới được xác định là đối tượng của “Allez Hop!”.
Các món ăn được mô phỏng và trình bày đẹp mắt cùng phần mô tả bằng tiếng Anh kèm đi kèm với đánh giá độ khó khi thực hiện
Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp kỳ Spring tại ĐH FPT Cần Thơ đánh giá, đây là ý tưởng mới mẻ, chưa từng được đưa ra bởi bất kỳ nhóm sinh viên nào trước đây. “Allez Hop!” không tránh khỏi một số hạn chế về mặt kỹ thuật hay thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng các phương tiện để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, game có được sự kết hợp tối ưu của ý tưởng độc đáo, hướng đi táo bạo, đồ hoạ 3D Low Poly có chiều sâu, các tính năng đa dạng cùng ý nghĩa văn hoá sâu sắc – điều đã giúp cho sản phẩm “ghi điểm” và trở thành một trong những đồ án ấn tượng nhất trong đợt bảo vệ kỳ Spring 2023, được kỳ vọng sớm có cơ hội phát hành trong thời gian sớm nhất.
Nhóm sinh viên mặc áo dài truyền thống, thuyết trình về tựa game “Allez Hop!” trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp
Được biết, để thực hiện được đề tài này, nhóm sinh viên ĐH FPT Cần Thơ đã miệt mài tìm kiếm và chắt lọc các hàng quán có hương vị nguyên bản tại nhiều tỉnh thành khác nhau và tự mình đi khám phá. Từ đó, nhóm có thể đưa ra những cảm nhận thực tế nhất về mùi vị cùng các yếu tố tinh hoa trong cách làm, cách thưởng thức của các món ăn, thay vì phụ thuộc vào sách vở, tạp chí hay các food reviewers trên Internet.
Nhóm sinh viên đi khám phá ẩm thực tại Quảng Ngãi
Các làng nghề truyền thống miền Tây chuyển động trong từng trang sách
“Dự án truyền thông về các làng nghề ở miền Tây mang tên ‘Di sản đồng bằng’” – một đồ án tốt nghiệp được đánh giá cao của nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thu Xuân, Lý Tiểu Hồng và Trần Thị Ngọc Quyên đã khéo léo đưa các làng nghề truyền thống của miền Tây Việt Nam vào từng trang sách kết hợp công nghệ AR (công nghệ thực tế ảo tăng cường) và loạt ấn phẩm truyền thống như tranh, ảnh, tem dán… Với đồ án này, các làng nghề truyền thống miền Tây Việt Nam cùng những người thợ thủ công hiện lên đầy cảm xúc qua trang sách cùng loạt chuyển động và hiệu ứng đầy màu sắc của công nghệ AR, khiến cho người xem chăm chú theo dõi và tương tác.
Các làng nghề miền Tây hiện lên qua các hình ảnh tĩnh trong trang sách…
…nhưng ngay lập tức chuyển động cực mượt khi sử dụng công nghệ AR
Đặt trong bối cảnh nhiều làng nghề thủ công đang dần bị mai một, đồ án của nhóm sinh viên có ý nghĩa to lớn khi đã khơi dậy sự thích thú, quan tâm của thế hệ trẻ và khách du lịch đến Việt Nam. Đây cũng là điểm cộng lớn nhất của đồ án, được cho Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt, điểm nhấn của đồ án này không chỉ nằm ở sản phẩm đẹp mắt mà còn ở phần nghiên cứu được tiến hành kỹ lưỡng với các thông tin được xác thực thông qua các chuyến đi thực nghiệm tại các làng nghề. Tuy nhiên, Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp cũng đưa ra nhận định về những khó khăn mà nhóm có thể gặp phải khi thực tế hoá sản phẩm sách với tên gọi gốc là “Sách di sản đồng bằng” và gợi ý nhóm chọn một cái tên sát với nội dung của sách hơn.
Nền tảng cho việc phát triển sản phẩm chỉn chu là quá trình nghiên cứu được tiến hành kỹ lưỡng của nhóm sinh viên
Qua những lời nhận xét và góp ý của Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp, nhóm sinh viên ĐH FPT Cần Thơ đã có những định hướng rõ ràng hơn trong việc đặt tên ấn phẩm, thực hiện các dự án truyền thông để thu hút sự quan tâm của cộng đồng và giới truyền thông, doanh nghiệp, từ đó có thể nhanh chóng tìm cơ hội triển khai sản phẩm đồ án của mình trong thực tế, góp phần lan tỏa những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề Việt Nam đến với thế hệ trẻ và khách du lịch trong, ngoài nước.
Đồ án của nhóm sinh viên ĐH FPT Cần Thơ được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của cộng đồng, truyền thông, doanh nghiệp về việc duy trì, phục hồi các làng nghề truyền thống
“Mặc dù buổi bảo vệ đồ án đã kết thúc nhưng hành trình của chúng mình vẫn chưa dừng lại. Bọn mình vẫn đang tiếp tục hoàn thiện dự án thật chỉn chu nhất có thể, đồng thời lên kế hoạch kết nối với các công ty du lịch để lồng ghép sản phẩm vào các hoạt động quảng bá du lịch tại Cần Thơ” – các thành viên nhóm chia sẻ về những dự định của mình.
Thục Anh
Tổ chức Giáo dục FPT