Đại học FPT Cần Thơ

Sinh viên Đại học FPT trải nghiệm văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản qua seminar “Văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản từ góc nhìn văn hoá Việt Nam”

Với sứ mệnh giúp sinh viên hiểu rõ hơn văn hoá về văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản cũng như trang bị các kỹ năng, tác phong, kỷ luật lạo động theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Bộ môn Tiếng Nhật, Phân hiệu trường Đại học FPT tại TP. Cần Thơ đã tổ chức Seminar: Văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản từ góc nhìn văn hoá Việt Nam qua Google Meet vào lúc 08:45 ngày 21/08/2021.

 

 

 

Văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản từ góc nhìn văn hoá Việt Nam

Hiện nay, văn hóa doanh nghiệp trở thành vấn đề quan trọng trong nhiều công ty, là yếu tố quyết định cho sự tồn tại lâu dài của nhiều doanh nghiệp. Là một quốc gia vừa hiện đại vừa truyền thống, Nhật Bản luôn đề cao tác phong chuyên nghiệp trong công việc cũng như những lễ nghi trong việc giao tiếp với người xung quanh. Phong cách làm việc của người Nhật toát lên phẩm chất lịch thiệp và nghiêm túc rất đúng với chất Nhật Bản. Nhiều công ty Nhật Bản hiện nay đã xây dựng được văn hóa công ty thành công và đạt hiệu quả cao. Đó cũng là yếu tố góp phần vào việc đưa các công ty Nhật trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới.

Với mục đích giúp sinh viên tiếp cận và học hỏi về văn hóa ứng xử trong công việc tại doanh nghiệp Nhật Bản, sáng ngày 21/08/2021,  Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Bộ môn Tiếng Nhật, Phân hiệu trường Đại học FPT tại TP. Cần Thơ đã tổ chức Seminar: Văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản từ góc nhìn văn hoá Việt Nam qua Google Meet với phần trao đổi đến từ PGS.TS Nguyễn Chí Nghĩa – Giảng viên Khoa Kinh doanh & Luật, trường Đại học Aomori Chuo Gakuin, Nhật Bản.

Tham dự chương trình có sự xuất hiện của PGS.TS Nguyễn Chí Nghĩa – Giảng viên Khoa Kinh doanh & Luật, trường Đại học Aomori Chuo Gakuin, Nhật Bản; Thầy Huỳnh Văn Bảy – Trưởng Ban Đào tạo Phân hiệu trường Đại học FPT tại TP. Cần Thơ; Cô Lê Thị Kim Oanh – Trưởng Bộ môn Tiếng Nhật Đại học FPT Cần Thơ; chị Hồ Thị Thảo Nguyên – Quyền trưởng phòng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế FE HO; cùng gần 100 cán bộ và sinh viên của Đại học FPT.

Phát biểu khai mạc chương trình, Thầy Huỳnh Văn Bảy – Trưởng Ban Đào tạo Đại học FPT Cần Thơ chia sẻ: “Buổi Seminar ngày hôm nay là cơ hội để các bạn sinh viên được trải nghiệm, giao lưu và học hỏi về đất nước, văn hoá và phong cách làm việc của người Nhật dù tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Thầy cũng gửi lời cám ơn đến PGS. TS Nguyễn Chí Nghĩa đã dành thời gian chia sẻ trong chương trình.”

 

Thầy Huỳnh Văn Bảy – Trưởng Ban Đào tạo Đại học FPT Cần Thơ phát biểu khai mạc chương trình

PGS. TS. Nguyễn Chí Nghĩa hiện đang làm việc tại Khoa Kinh doanh & Luật, Trường Đại học Aomori Chuo Gakuin, Nhật Bản. PGS. TS Nghĩa nghiên cứu về cách tiếp cận của Quản trị kinh doanh học đối với việc xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội, giáo dục Nhật Bản, và quản trị tâm lý tích cực. Bên cạnh đó, PGS. TS Nghĩa thường xuyên làm cầu nối cho những hoạt động giao lưu văn hóa và hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản, và hợp tác với các đoàn thể, doanh nghiệp và sinh viên thực hiện nhiều dự án xã hội, đóng góp cho Việt Nam và Nhật Bản.

Tham gia chương trình PGS.TS Nguyễn Chí Nghĩa đã chia sẻ về những kinh nghiệm giúp sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật của nhà trường hiểu hơn về cái hay, cái đẹp trong nét văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp Nhật Bản. Buổi seminar xoay quanh hai vấn đề chính: văn hóa của doanh nghiệp thuần Nhật từ cổ chí kim đến “văn hóa lệch chuẩn” của một số doanh nghiệp Nhật hiện nay.

 

PGS. TS Nguyễn Chí Nghĩa hiện đang làm việc tại Khoa Kinh doanh & Luật, Trường Đại học Aomori Chuo Gakuin, Nhật Bản.

Văn hoá chuẩn và không chuẩn của một doanh nghiệp Nhật Bản

Người Nhật được giáo dục về những đức tính tốt đẹp từ lúc còn nhỏ, chẳng hạn như sống chan hòa, nhân hậu và biết nghĩ cho người khác. Vì vậy, những doanh nghiệp chuẩn Nhật sẽ là những công ty, tập đoàn hoạt động không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì khách hàng, vì xã hội như tập đoàn Itochu hay Yakult. Thế nhưng, nếu công ty Nhật nào cũng có nét đẹp văn hóa đó thì sẽ không xuất hiện những vụ khai khống dữ liệu hay gian lận trong quyết toán của các tập đoàn lớn (Toshiba, Nissan, Subaru…) cũng như sự ra đời của những công ty đen (Black company (*)) . Vì lý do trên, người Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, có nhu cầu làm việc tại một doanh nghiệp Nhật cần tỉnh táo để phân biệt được đâu là văn hóa chuẩn và không chuẩn của một doanh nghiệp Nhật Bản, từ đó có cách ứng xử phù hợp.

 



Quá trình tiến hóa của doanh nghiệp

Một ví dụ thầy Nghĩa đưa ra để minh hoạ cho “Quá trình tiến hoá của doanh nghiệp” đó là: các doanh nghiệp Nhật khi đối mặt với vấn đề môi trường, chúng ta có thể thấy được dù là doanh nghiệp Nhật hay Việt Nam trước khi nhận thức được trách nhiệm xã hội (CSR) đều phải trải qua những giai đoạn (GĐ) khó khăn sau:

GĐ 1: Tối đa hóa lợi nhuận, làm ngơ trước vấn đề ô nhiễm do công ty mình gây ra
GĐ 2: Chấp nhận xử lý ô nhiễm nhưng trong tư thế bị động, dẫn đến tốn kém tiền bạc mà không mang lại hiệu quả.
GĐ 3: Nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường và chủ động sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.  
GĐ 4: Vượt lên trên vấn đề bảo vệ môi trường, vừa sinh lời vừa phát triển vừa đóng góp cho xã hội.

Vì vậy, không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp Việt không quan tâm đến vấn đề chung của xã hội mà phải nhìn nhận rằng do điều kiện kinh tế và văn hóa khác nhau mà doanh nghiệp nước ta chưa thật sự có những bước phát triển to lớn về nhận thức trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp.

 

Bài học kinh nghiệm rút ra cho sinh viên Việt Nam

Sau phần chia sẻ của thầy Nghĩa, các bạn sinh viên được thầy giải đáp cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản. Mỗi câu hỏi đặt ra dù ngắn hay dài đều được thầy lý giải tường tận. Cụ thể, có một bạn hỏi rằng, tính cách và thái độ của một nhóm người có ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa hay sự phát triển của một doanh nghiệp hay không, thầy đã trả lời là có. Chỉ vì một nhóm cá nhân có thái độ “không chuẩn Nhật” có thể dẫn đến sự thất bại (về mặt văn hóa) của cả một doanh nghiệp, nên tình trạng bóc lột người lao động theo kiểu tư bản hay gian dối pháp lý của một vài công ty lớn hiện nay là lỗi của cá nhân nhưng cả tập thể phải gánh chịu hậu quả. Từ đó có thể thấy được mối liên hệ giữa tư duy cá nhân và tư duy tập thể là như thế nào.

 

Bạn Nguyễn Huỳnh Kim Ngân, sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật Đại học FPT Cần Thơ chia sẻ “Đây là lần đầu tiên em tham gia một Seminar phong cách Nhật Bản chính hiệu được tổ chức tại Việt Nam. Tuy thời lượng Seminar chỉ gói gọn trong hai tiếng rưỡi đồng hồ nhưng lượng kiến thức mà thầy Nghĩa cung cấp có lẽ còn nhiều hơn thế. Về nội dung chia sẻ của thầy, em thích nhất là triết lý kinh doanh Sanpo yoshi (三方よし – cả ba đều tốt) của các thương nhân Omi (**), đó là: Tốt cho người bán, tốt cho người mua và tốt cho xã hội. Đây chính là nền tảng cơ bản của một doanh nghiệp chuẩn Nhật. Qua buổi giao lưu ngày hôm nay, em đã biết thêm được nhiều điều thú vị liên quan đến văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản dưới góc nhìn của một người Việt Nam. Nhờ vậy mà em đã có suy nghĩ đúng đắn hơn về môi trường làm việc ở Nhật cũng như làm thế nào để chọn cho mình một công ty tốt để ổn định sự nghiệp lâu dài.

Qua buổi seminar, chắc hẳn các bạn sinh viên Trường F đã có thêm vốn kiến thức thú vị và bổ ích về văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản. Đây sẽ là hành trang quý báu giúp các cử nhân tương lai sẵn sàng tham gia môi trường doanh nghiệp đa quốc gia, cụ thể là tại các công ty, tập đoàn Nhật Bản đầy năng động, hiện đại nhưng không kém phần kỷ luật.

Chú thích:
(*) Tên gọi chung của những công ty ở Nhật Bản có môi trường lao động khắc nghiệt, vi phạm tiêu chuẩn an toàn, chế độ phúc lợi kém, chậm hoặc không trả lương…
(**) Những người xuất thân từ Omi (nay là tỉnh Shiga, Nhật Bản) đi bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác để bán hàng vào thời Edo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *