Bằng sự sáng tạo dựa trên công nghệ AR, nhóm sinh viên Cần Thơ đã đưa hình ảnh các làng nghề truyền thống của miền Tây và 12 linh vật trong văn học dân gian vào sách.
Hình ảnh và nội dung trong sách giúp người đọc phần nào hiểu rõ hơn từng làng nghề – Ảnh: NVCC
Đó là đề tài luận văn tốt nghiệp của 2 nhóm sinh viên ngành thiết kế đồ họa Trường đại học FPT Cần Thơ.
Làng nghề đan cỏ bàng, tráng bánh… “chuyển động” trong sách
Những ký ức, hình ảnh về 12 làng nghề truyền thống của miền Tây được nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thu Xuân, Lý Tiểu Hồng và Trần Thị Ngọc Quyên đi thực tế, ghi nhận đưa vào đề tài luận văn tốt nghiệp “Sách di sản đồng bằng”.
Bạn Trần Thị Ngọc Quyên – đại diện nhóm – chia sẻ với mong muốn một phần nào đó giúp các bạn trẻ có cái nhìn khái quát về các làng nghề đã và đang trở thành một phần cuộc sống, làm nên “cái chất” miền Tây, cả nhóm đã bắt tay cùng tìm hiểu và thực hiện.
Tái hiện nghề đan cỏ bàng (Kiên Giang) – Ảnh: NVCC
Các bạn đến từng làng nghề, tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển làng nghề và trải nghiệm việc chầm nón lá, đan cỏ bàng, nướng bánh tráng, dệt chiếu.
Mô tả làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (Bến Tre) – Ảnh: NVCC
Những làng nghề đan cỏ bàng (Kiên Giang), bánh tráng Mỹ Lồng – bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre), chằm nón lá Thời Tân (TP Cần Thơ), làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp)… được các bạn “tập hợp” vào sách cùng ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR).
Ba bạn nữ cười vui khi hoàn thành việc vẽ hình ảnh các làng nghề miền Tây – Ảnh: LAN NGỌC
Khám phá những linh vật trong đời sống tâm linh người Việt
Với đề tài: “Bí ẩn 12 linh vật trong văn học dân gian Việt Nam”, nhóm sinh viên gồm Phan Minh Khôi, Nguyễn Phan Bảo Anh và Nguyễn Minh Khánh Ngân trải qua hơn 4 tháng tìm tòi, nghiên cứu với đôi lần thất bại, cuối cùng quyển sách Đại Việt Yêu Linh Ký nói về 12 linh vật cũng đã ra đời.
Bố cục, màu sắc, hình vẽ và nội dung được nhóm lựa chọn kỹ lưỡng – Ảnh: LAN NGỌC
Cuốn sách đưa bạn đọc vào một hành trình khám phá câu chuyện về những linh vật trong đời sống tâm linh của người Việt.
12 linh vật: long, nghê, quy, phụng, hổ, chim lạc, rắn Hàm Luông, sấu Năm Chèo, cá ông, thuồng luồng, hồ tinh, chó đá, qua sự sáng tạo mà mỗi linh vật được tái hiện bằng những nét vẽ, màu sắc và cử động dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ AR.
Hình ảnh chim lạc qua nét vẽ của các bạn sinh viên miền Tây – Ảnh: NVCC
“Theo đó, bạn đọc có thể dùng điện thoại thông minh kết nối mạng Internet để quét mã QR có sẵn. Cứ mỗi lần quét mã như vậy thì hình ảnh chim lạc hay rồng bay sẽ được hiện lên trên màn hình điện thoại, một trải nghiệm đọc sách “độc lạ” mà chúng em muốn mang đến cho bạn đọc”, bạn Bảo Anh nói.
Khi quét mã QR, hình ảnh chim lạc chuyển động sẽ hiện lên màn hình điện thoại – Ảnh: NVCC
Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Thái Anh – giảng viên Trường đại học FPT Cần Thơ – cho biết đề tài luận văn của các bạn mang ý nghĩa nhân văn, hướng về giữ gìn và phát huy truyền thống trong đời sống văn hóa của người Việt nên rất ủng hộ.
“Thế hệ trẻ thì cũng cần phải biết và hiểu về truyền thống tốt đẹp và việc tái hiện các làng nghề thủ công, linh vật của các bạn là một ví dụ điển hình. Cạnh đó, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo cũng được rèn luyện khi các bạn cùng nhau góp sức để hoàn thành luận văn”, thầy Thái Anh nói.
Theo Báo Tuổi Trẻ