Phương Bánh Tráng: Chỉ cần làm việc mình yêu thích thì sẽ không phải làm việc ngày nào

Như Phương a,k,a Phương Bánh Tráng cựu sinh viên K13 ngành Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học FPT Cần Thơ. Hiện tại đang là chuyên viên tư vấn tuyển sinh tại FSchool Cần Thơ. Hãy cùng nhau lắng nghe những chia sẻ về những trải nghiệm từ một người “dành cả thanh xuân” với FPT Edu nhé!

Chào chị Phương, rất vui vì chị đã có mặt tại buổi phỏng vấn hôm nay, chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân đến mọi người nhé!
 
Xin chào, mình là Như Phương – sinh viên K1 trường Đại học FPT Cần Thơ. Chuyên ngành chính của mình là Quản trị kinh doanh, còn chuyên ngành phụ của mình là bán bánh tráng dạo trong trường nên mọi người hay gọi mình là Phương Bánh Tráng.


Vì là sinh viên khóa đầu tiên nên mọi trải nghiệm của mình tại trường mặc dù không hoàn hảo như các bạn sinh viên khóa sau này nhưng là duy nhất và chắc có lẽ chỉ có sinh viên K1 mới hiểu rõ cái cảm xúc này. Điều mình luôn thích ở môi trường Đại học FPT chính là “học đi đôi với hành” và “học thật – thi thật” nhé, đối với một đứa năng động chẳng hứng thú với lý thuyết và luôn muốn trải nghiệm như mình thì khi biết đến FPTU như mình tìm được chân ái của đời mình vậy.

 

 


Đam mê của mình là kinh doanh, hồi còn tiểu học mình đã tập tành kinh doanh các sản phẩm giá trị nhỏ và đương nhiên đối tượng khách hàng của mình không ai khác chính là mấy đứa bạn chung lớp rồi (haha). Bên cạnh đó, mình cũng rất mê học tiếng Anh, nên khi biết được Đại học FPT đào tạo tất cả chuyên ngành bằng Giáo trình tiếng Anh thì mình kiểu: “Ơn giời FPT đây rồi!!!”. Thật, được học Kinh doanh bằng tiếng Anh đúng ý mình quá rồi thì còn chần chờ gì nữa đúng không mấy nào?


À mà chưa hết, không những được học chuyên ngành bằng tiếng Anh, sinh viên còn được học thêm ngoại ngữ thứ 2 nữa, chẳng hạn Khối ngành Kinh tế tụi mình được học thêm tiếng Trung nè!! Ngoài ra, mình còn được tham gia trải nghiệm và lăn xả vào rất nhiều các hoạt động ngoại khóa thực tế của trường. Nói chung, mình cảm thấy may mắn vì thanh xuân này mình không bỏ lỡ bạn, FPTU. Hihi


Cảm giác của chị như thế nào khi sau khi ra trường lại có thể được làm việc ngay tại chính tập đoàn của trường?
 
Thật ra đây cũng là mục đích của mình sau khi Tốt nghiệp. Mình còn nhớ năm lớp 12, trường THPT của mình chẳng ai chọn Đại học FPT Cần Thơ, trừ mình. Cũng đúng, vì lúc đấy nghe FU sao mà lạ quá!!! Thôi thì để mình “tiên phong” học trước vậy. Mình vẫn luôn tự hào vì là sinh viên Đại học FPT Cần Thơ và muốn khẳng định rằng “Tôi chọn khác biệt và tôi nhất định tôi sẽ thành công”. Thế là trong 4 năm sinh viên, việc part-time của mình là hỗ trợ tuyển sinh, chủ yếu là mình muốn cho mọi người hiểu và biết đến Đại học FPT nhiều hơn. Ngay cả kỳ OJT thực tập mình cũng đã chọn thực tập tại FIS – FPT Information System HCM, và Khối ngành Kinh tế cũng chỉ có mình chọn FIS, lại 1 lần nữa mình chọn khác số đông.


Có nhiều bạn hỏi mình sao chọn FPT hoài vậy? – Biết sao giờ, vì mình thích thôi! Quan điểm của mình đơn giản lắm: “Chỉ cần làm việc mình yêu thích thì sẽ không phải làm việc ngày nào”.  Và may mắn là sau khi ra trường lại được làm việc ngay chính ngôi trường Đại học của mình và mình rất tâm huyết với công việc hiện tại này. Cũng không biết là mình có cơ hội được gắn bó với công việc tuyển sinh này trong bao lâu, nhưng mình luôn cố gắng hết mình và “sale tận tâm” với nghề giáo dục này.

 

 


Khi làm việc tại Fschool chị cảm thấy góc nhìn của chị về trường giống và khác nhau như thế nào?
 
Đóng vai trò là sinh viên, tất nhiên ai cũng phải có những lúc yêu thương và giận hờn với ngôi trường mà mình học tập. Nhưng giận thì giận mà thương thì thương, đúng là nhiều khi trường có ra những quy định và thông báo rất “ngơ ngác ngỡ ngàng đến bật ngửa” làm sinh viên tụi mình phải thả chiếc icon “phẫn nộ” rất nhiều, mỗi lúc sinh viên góp ý tranh cãi sôi nổi thì nhà trường cũng sẽ lắng nghe và có đôi lời giải thích để xoa dịu phần nào những cô cậu ở độ tuổi nổi loạn này. Nhưng mà mấy bạn cũng biết rồi đó “lệnh trời khó cãi”, sau những cú hit drama thì đâu cũng vào đấy, chẳng hạn đợt Đại dịch vừa qua, có một khoảng thời gian học sinh, sinh viên chúng ta phải tạm dừng các hoạt động học tập khá dài, nhà trường quyết định dạy online thì sinh viên tụi mình lại nhất quyết không chịu “vì 1001 lý do không học được”, nhưng cuối cùng vẫn phải ngậm ngùi học online và K1 tụi mình do thời điểm đấy là năm cuối nên phải làm luận văn online xuyên suốt mùa dịch, rõ khổ. Nhưng sau này nhìn lại, những quyết định đấy của FPTU cũng chỉ muốn sinh viên đối mặt, thích ứng và vượt qua với mọi hoàn cảnh thử thách khó khăn mà thôi. Tuổi trẻ mà, trải nghiệm đi, con cháu sau này làm gì biết được cái mùi vị chạy deadline online mùa dịc. Mình còn nhớ tập đoàn FPT có câu slogan rất hay: “Người tiên phong: được phép sai – không được phép sợ”. Đó là thực tế!


Bây giờ, lại đóng vai trò là một cán bộ làm việc tại trường, hiểu rõ hơn về cách vận hành và văn hóa của Tổ chức giáo dục FPT, mình nhận thấy rằng FPT đã quyết thì phải làm nhưng FPT vẫn luôn lắng nghe và tạo cơ hội cho HSSV được tự do ngôn luận và nói lên quan điểm của mình, chứ không phải khuôn khổ hay cấm đoán phát biểu. Theo mình thì tiêu chí để đào tạo sinh viên của FPT là phải “dám nghĩ dám làm”, “dám tiên phong”, đây cũng là một tinh thần mà mình nghĩ giới trẻ nên có và cần phải có (nhưng tất nhiên là phải đi đôi với “có trách nhiệm” nhé). Nếu đám đông nói “ai chẳng sợ sai”, sinh viên trường F sẽ đáp “sai có thể, nhưng sợ thì không”. Nhờ vậy mà khi va chạm các vấn đề trong công việc hay cuộc sống, mình luôn tự tin trình bày ý kiến cá nhân và vận dụng các kỹ năng, kiến thức cũng như kinh nghiệm mà mình tích lũy được trong suốt quá trình học tập trải nghiệm 4 năm qua của mình tại Đại học FPT.

 


 
Với chương trình học của FPTU được đánh giá là khá áp lực, chị có thấy là áp lực ban đầu nhà trường tạo ra đã giúp SV có phần nào đó dễ thở hơn sau khi đi làm không?
Áp lực nhất chính là DEADLINE nha!!! Nhớ cái deadline đầu tiên trong đời sinh viên của mình là bài tập “Nhận thức bản thân” tại Khu quân sự Tiền Giang. Sinh viên tụi mình thì cứ ầm ĩ lên vì deadline gấp quá không làm kịp. Nhưng thầy cô trường F lại bảo: “Áp lực tạo nên động lực và cố gắng vượt qua giới hạn của bản thân đi các em!”. Haizz, thế là tụi mình chạy deadline xuyên đêm. Quen dần với việc “chạy đua với deadline”, nhờ vậy mà bây giờ hầu hết sinh viên tụi mình đều rèn được kỹ năng làm việc logic và luôn có trách nhiệm hoàn thành đúng deadline với các công việc được giao khi đi làm.

 


 
Nếu 4 năm Đại học của chị là một cuốn phim. Theo chị, cuốn phim đó thuộc thể loại gì?
Để làm phim về cuộc đời sinh viên của mình thì chắc phải là phim đa thể loại quá! Đầy đủ cung bậc cảm xúc và mình luôn luyến tiếc những ngày tháng khi còn là một cô bé sinh viên đầy năng lượng và vui tươi! Đại học mà cứ tưởng Cấp 3, giảng viên và cán bộ trường F thì luôn nhiệt huyết và sẵn sàng hỗ trợ sinh viên hết lòng. Còn bạn bè chung lớp, chung khóa thì “xịn hết nước chấm”, nói chung là rất vui và rất nhớ những con người cùng với kỉ niệm tại ngôi trường Đại học FPT Cần Thơ này. Mong rằng, tất cả chúng ta sẽ thành công với bộ phim về cuộc đời của chính mình nhé!!
 
Cảm ơn chị đã có một buổi phỏng vấn cực kỳ hài hước với trường Đại học FPT Cần Thơ. mong chị “Phương Bánh Tráng” sẽ có thêm thật nhiều thành công cũng như trải nghiệm tuyệt vời với FPT Edu nhé!
 


Tin tức Liên quan