Đại học FPT Cần Thơ

Phó Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Xuân Phong: “Làm AI không cần quan tâm đến lương”

23 Tháng tám, 2021 Không có bình luận

Trong buổi tọa đàm “Hành trang trở thành chuyên gia AI toàn cầu” thuộc khuôn khổ Hội thảo Trí tuệ nhân tạo cấp Tập đoàn FAIC 2021, anh Nguyễn Xuân Phong và các diễn giả đã mang đến những góc nhìn mới mẻ xoay quanh việc học và làm trong lĩnh vưc Trí tuệ nhân tạo.

 

Trong 2 năm tới, ĐH FPT sẽ “đủ lực” cung cấp nhiều kỹ sư AI tay nghề cao cho thị trường

Mở đầu buổi toạ đàm là những câu hỏi xoay quanh việc đào tạo Trí tuệ nhân tạo của ĐH FPT dành cho anh Nguyễn Xuân Phong. Anh Phong cho biết, sau hơn 2 năm tiên phong triển khai đào tạo chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, ĐH FPT hiện đang có khoảng 750 sinh viên đang theo học AI tại các campus khắp cả nước. Con số này sẽ tăng cao trong năm nay khi ĐH FPT AI Quy Nhơn chính thức đi vào hoạt động, tuyển sinh khoảng 750 sinh viên với các suất học bổng 50% – 100% nhằm thu hút các bạn trẻ tài năng và đam mê Trí tuệ nhân tạo. Anh Phong kỳ vọng trong khoảng 2 năm tới, ĐH FPT AI Quy Nhơn nói riêng và ĐH FPT trên toàn quốc nói chung sẽ “đủ lực” cung cấp một nhiều kỹ sư AI có tay nghề cao cho thị trường.

Chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo tại ĐH FPT cũng là một chủ đề được quan tâm tại FAIC 2021. Trả lời câu hỏi này, anh Phong cho biết, sinh viên AI ĐH FPT sẽ bắt đầu chương trình của mình với các môn nền tảng (tiếng Anh, Vovinam)  trước khi bước vào các môn cơ sở ngành như Toán, Cơ sở lập trình, Tổ chức và kiến trúc máy tính… Tại các học kỳ sau, sinh viên tiếp tục đi sâu hơn với các môn chuyên ngành hẹp và trải nghiệm các dự án thực tế tại các Doanh nghiệp đối tác của Trường.

Các khách mời trong buổi toạ đàm “Hành trang trở thành chuyên gia AI toàn cầu”

Bên cạnh việc học tập tại trường, sinh viên AI ĐH FPT cũng được Trường cấp tài khoản Coursera để truy cập hàng nghìn khoá học chuyên sâu về AI trên nền tảng này. Các sinh viên cũng được trường tạo điều kiện để tham gia các CLB, đi chinh chiến tại các cuộc thi về Trí tuệ nhân tạo của FPT Edu, trên toàn quốc và quốc tế, đồng thời gặp gỡ và giao lưu với các chuyên gia về AI hàng đầu thông qua các chuỗi Seminar, Workshop chuyên ngành. Với chương trình đào tạo tập trung và toàn diện, ĐH FPT kỳ vọng các sinh viên không chỉ vững kiến thức chuyên môn mà còn phát triển được các kỹ năng mềm và mạng lưới quan hệ với các chuyên gia, các doanh nghiệp, từ đó nâng cao cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Kỹ sư AI cần một không gian đủ thơ để sáng tạo, đủ tĩnh để nghĩ suy

Khi nhận được câu hỏi: “Vì sao lại chọn Quy Nhơn làm nơi trọng điểm để đào tạo về AI?”, anh Nguyễn Xuân Phong và anh Vũ Hồng Chiên (Giám đốc Quy Nhơn FPT AI Software) dí dỏm trả lời: “ĐH FPT AI Quy Nhơn là một trong những campus đẹp nhất với một mặt nhìn ra biển, một mặt nhìn ra núi, một mặt nhìn ra sông. Người kỹ sư AI cần một không gian như thế: đủ thơ để sáng tạo, đủ tĩnh để nghĩ suy”.

Đại học FPT Quy Nhơn nằm trong dự án Tổ hợp giáo dục – trí tuệ nhân tạo quy mô lớn của FPT

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Xuân Phong và anh Vũ Hồng Chiên cũng cho biết, Quy Nhơn – Bình Định là một trong những nơi mà việc nghiên cứu khoa học nhận được sự ủng hộ và đầu tư lớn từ chính quyền địa phương, do việc việc xây dựng cơ sở đào tạo chuyên sâu về AI ở đây được tạo điều kiện thuận lợi và triển khai nhanh chóng.

Nữ giới học và làm AI có rất nhiều lợi thế

Một trong những quan điểm thường thấy về việc theo học CNTT là “Đây là một ngành học khô khan, không dành cho con gái”. Các diễn giả tại buổi toạ đàm đã phản bác lại quan điểm này và đưa ra nhiều lý lẽ cho thấy nữ giới có nhiều phẩm chất và năng lực để trở thành một kỹ sư AI giỏi. Theo đó, AI phụ thuộc rất nhiều vào data, mà việc xử lý dữ liệu lại rất cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tập trung của nữ giới. Trên thế giới cũng đã có nhiều học bổng thúc đẩy sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực CNTT nói chung và AI nói riêng như học bổng “Woman in Tech”. Kết lại chủ đề này là một câu nói dí dỏm của anh Nguyễn Xuân Phong: “Con gái học AI còn dễ dàng quen với các bạn nam đẹp trai và tài giỏi như tôi và các diễn giả ngồi đây nữa”.

Lương hay thu nhập?

Buổi toạ tiếp tục với những câu hỏi xoay quanh con đường sự nghiệp và mức lương của những người làm AI. Anh Nguyễn Xuân Phong chia sẻ quan điểm của mình: “Đừng quan tâm đến lương, hãy quan tâm đến thu nhập. Lương chỉ là điểm khởi đầu, thu nhập là thành quả cuối. Lương chỉ có một nguồn, thu nhập đến từ nhiều nguồn. Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, chỉ cần bạn có đủ năng lực, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để nâng cao thu nhập của mình, thậm chí là trở thành triệu phú trong thời gian ngắn”.

“Cây đũa thần của lĩnh vực AI nằm trong tay của Giáo dục”

Kết thúc buổi toạ đàm, anh Nguyễn Xuân Phong bày tỏ quan điểm Giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng nhất để Trí tụê nhân tạo có thể phát triển. Ngược lại, AI cũng có thể đóng góp cho ngành giáo dục thông qua việc “cá nhân hoá giáo dục”, mang đến nhiều trải nghiệm được “đo ni đóng giày” cho các cá nhân tham gia dạy và học.

Với nhiều góc nhìn mới mẻ từ các diễn giả, buổi toạ đàm “Hành trang trở thành chuyên gia AI toàn cầu” thuộc khuôn khổ Hội thảo Trí tuệ nhân tạo cấp Tập đoàn FAIC 2021 đã thu hút gần 200 người xem trên nền tảng Remo và gần 10.000 lượt xem trên sóng livestream. Sau buổi Toạ đàm, Hội thảo FAIC 2021 cũng đã hoàn thành sứ mệnh vẽ nên bức tranh tổng thể về AI trong bối cảnh hiện tại, giúp cho người xe, có được cái nhìn rõ hơn về vai trò, vị trí và những đóng góp của riêng mình.

Theo FPT Edu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *