TTO – Các chuyên gia tuyển sinh đã chỉ ra những sai lầm thí sinh thường mắc phải khi đăng ký xét tuyển đại học trong Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Phú Yên sáng 27-3.
Sáng nay 27-3, hơn 4.000 học sinh đã có mặt tại Trường đại học Xây dựng miền Trung tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp ở Phú Yên.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT Phú Yên, Tỉnh đoàn Phú Yên và Trường đại học Xây dựng miền Trung phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp hôm nay đã cung cấp thông tin cập nhật, thiết thực nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học – cao đẳng, định hướng nghề nghiệp, để các em học sinh có được sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp, mở ra con đường lập thân, lập nghiệp cho chính mình.
Sai lầm khi sắp xếp nguyện vọng
Trao đổi với học sinh Phú Yên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho biết Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội nghị tuyển sinh đại học 2021, các trường đã thống nhất nguyên tắc tuyển sinh năm nay gần như ít thay đổi so với năm trước.
Những sửa đổi, bổ sung của quy chế theo hướng có lợi cho thí sinh. Cụ thể, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần thay vì chỉ được đổi 1 lần; chi phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển giảm còn 25.000 đồng/nguyện vọng.
Năm nay thí sinh vẫn được đăng ký vô số nguyện vọng, tuy nhiên thầy Dũng khuyên thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Vì phần mềm xét tuyển chạy theo thuật toán “lọt sàng xuống nia” và lọc ảo theo điểm, do vậy khi đã trúng tuyển nguyện vọng nào thì các nguyện vọng sau sẽ không được xét nữa.
Thực tế những năm trước, nhiều thí sinh đăng ký ngành, trường dễ trúng tuyển lên trên, những trường khó xuống dưới. Khi xét tuyển nếu trúng tuyển vào ngành nào thì sẽ không được tiếp tục xét tuyển các nguyện vọng sau.
“Do vậy khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng những ngành nào khó, trường nào khó lên trên, không nên xếp ngược trường dễ lên trên”, thầy Dũng khuyên.
Năm ngoái có đến 70 – 80% xét theo điểm thi THPT. Thí sinh tranh thủ nhiều phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển. Khi trúng tuyển thí sinh chỉ được trúng một ngành, một trường.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cũng khuyên thí sinh nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển là những ngành, trường mà mình thực sự mong muốn trúng tuyển và yêu thích nhất lên trên.
“Nhiều em có điểm không cao nhưng không đăng ký thứ tự nguyện vọng phù hợp, nên đã không trúng tuyển vào ngành mình mong muốn trong khi đủ điểm chuẩn để trúng tuyển vào ngành đó. Do vậy, các em cần tìm hiểu thật kỹ đề án tuyển sinh các trường công bố để có đủ thông tin, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp”, thầy Thắng khuyên.
Nhiều thí sinh có điểm cao nhưng rớt đại học
Trong khi đó, TS Lê Thị Thanh Mai – Đại học Quốc gia TP.HCM – lưu ý không phải thí sinh nào cũng đủ sức trúng tuyển vào các trường tốp đầu. Do đó thí sinh phải biết lượng sức mình khi đăng ký xét tuyển.
Thực tế cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm đều không khó, tỉ lệ tốt nghiệp THPT rất cao. Có đến 72% thí sinh cả nước sử dụng điểm kỳ thi này để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Hiện nay gần như tất cả các trường đại học trên cả nước đều sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Mùa tuyển sinh năm trước cũng cho thấy thí sinh lựa chọn khi đăng ký xét tuyển chưa chuẩn, nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu, nhiều thí sinh có điểm cao nhưng rớt đại học. Bên cạnh đó, trong 23 lĩnh vực giáo dục có đến 5 lĩnh vực khó tuyển: khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp – thủy sản, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống, khoa học môi trường.
Khi lựa chọn ngành nghề, thí sinh cần dựa theo 5 nguyên tắc xét tuyển: mục tiêu việc làm sau này là gì; ngành, trường, điều kiện tuyển sinh, học phí ra sao; năng lực bản thân (sở thích nghề nghiệp, sức học, tài chính gia đình); chọn phương thức tuyển sinh phù hợp; cải thiện sức học. Không nên chọn ngành nghề chỉ xuất phát từ điểm bài thi tổ hợp đã chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, rồi mới chọn ngành.
Hiện nay có khoảng 230 tổ hợp nhưng các em thường chỉ chú ý tới các tổ hợp truyền thống, trong khi có 150 tổ hợp mới xuất hiện, cho nên thí sinh cần phải xuất phát từ 5 nguyên tắc xét tuyển trên để đăng ký xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y dược TP.HCM – cho biết năm nay nhà trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Riêng ngành y khoa, răng – hàm – mặt, dược học và điều dưỡng tiếp tục có thêm phương thức xét tuyển theo hình thức kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Nhà trường không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi THPT, THPT quốc gia các năm trước để tuyển sinh.
Riêng các thí sinh đăng ký xét tuyển ngành y khoa, răng – hàm – mặt, dược học và điều dưỡng theo phương thức kết hợp (có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) phải nộp bản sao chứng thực chứng chỉ tiếng Anh trực tiếp tại Trường đại học Y dược TP.HCM.
“Năm ngoái, không ít thí sinh không chú ý đến việc này nên nộp chứng chỉ tiếng Anh không đúng thời gian quy định của trường, dẫn đến không đủ điều kiện xét trúng tuyển. Do vậy, các em cần theo dõi kỹ các thông báo tuyển sinh của trường”, thầy Khôi lưu ý.