Từ ngày 27/4 đến hết ngày 11/5/2021, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi sẽ diễn ra vào đầu tháng 7.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành mẫu phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2021. Như vậy, từ ngày 27/4 đến hết ngày 11/5/2021, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Hằng năm, các thí sinh gặp không ít khó khăn trong quá trình viết phiếu tốt nghiệp vì lượng thông tin cần điền nhiều nhưng cần chuẩn xác từng li từng tí. Dù sai số, sai ký tự duy nhất một lỗi, các bản đăng ký này cũng xem như không hợp lệ. Vậy sĩ tử nên làm thế nào để quá trình điền phiếu đăng ký được suôn sẻ?
Nhận biết các lỗi điền phiếu thông tin thường hay gặp:
Trong các lỗi khi điền thông tin vào phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp, đây là các lỗi thường gặp nhất mà thí sinh nên lưu ý:
1. Tên viết thường, không viết in hoa: Thay vì yêu cầu phải viết NGUYỄN VĂN A, không ít thí sinh phạm lỗi chỉ viết Nguyễn Văn A.
2. Viết sai ngày, tháng, năm sinh: Yêu cầu khi điền phần này, nếu thí sinh có ngày hoặc tháng sinh nhỏ hơn 10 buộc phải viết thêm số 0 ở ô đầu, nhưng nhiều bạn vẫn “quên béng” điều này.
3. Điền sai phần chứng minh thư/ thẻ căn cước: Đối với chứng minh nhân dân 9 số, các thí sinh phải bỏ 3 ô đầu và điền lần lượt từng số vào các ô sau đó, nhưng nhiều sĩ tử điền ngay vào ô đầu tiên.
4. Điền số điện thoại, email không chính xác.
5. Sai phần đăng ký môn thi: Với thí sinh lớp 12, các bạn chỉ được chọn dự thi 1 trong 2 tổ hợp KHTN hoặc KHXH nhưng nhiều bạn vẫn “lỡ tay” tích cả 2 hoặc đánh dấu vào khu vực của thí sinh tự do.
6. Sai mã ngành, mã trường đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
7. Sai khu vực tuyển sinh.
Hướng dẫn cách viết phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2021 chính xác nhất:
Mục Số phiếu: Nơi tiếp nhận đăng ký dự thi, thí sinh không ghi mục này.
Mục 1, 2: Ghi theo hướng dẫn trên Phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào đại học; cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (sau đây gọi tắt là Phiếu ĐKDT).
Mục 3:
a) Nơi sinh của thí sinh chỉ cần ghi rõ tên tỉnh hoặc thành phố, nếu sinh ở nước ngoài thí sinh chỉ cần ghi rõ tên quốc gia (theo tiếng Việt Nam).
b) Dân tộc ghi đúng theo giấy khai sinh.
c) Quốc tịch nước ngoài thì đánh dấu (X) vào ô bên cạnh.
Mục 4: Đối với Chứng minh nhân dân mẫu cũ, ghi 9 chữ số vào 9 ô cuối bên phải, ba ô đầu để trống; đối với Chứng minh nhân dân mẫu mới hoặc Thẻ căn cước công dân, ghi đủ 12 chữ số vào các ô tương ứng.
Mục 5: Mã tỉnh (thành phố), mã huyện (quận) và mã xã (phường) chỉ đối với các xã (phường) thuộc Khu vực 1 sẽ do Bộ GDĐT quy định. Thí sinh cần tra cứu tại nơi đăng ký dự thi để ghi đúng mã tỉnh (thành phố), mã huyện (quận), mã xã (phường) nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú hiện tại vào các ô tương ứng ở bên phải.
Thí sinh không có hộ khẩu thường trú tại xã Khu vực 1 thì bỏ trống ô mã xã. Sau khi điền đủ các mã đơn vị hành chính vào các ô, thí sinh ghi rõ tên xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố) vào dòng trống.
Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên đối tượng hoặc khu vực có liên quan đến hộ khẩu thường trú, đề nghị phải khẳng định thời gian có hộ khẩu thường trú trên 18 tháng tại khu vực 1 hoặc trên 18 tháng ở xã đặc biệt khó khăn trong thời gian học THPT bằng cách đánh dấu vào ô tương ứng.
Mục 6: Ghi tên trường và địa chỉ tên huyện (quận), tỉnh (thành phố) của trường vào dòng kẻ chấm. Ghi mã tỉnh nơi trường đóng vào 2 ô đầu, ghi mã trường vào 3 ô tiếp theo (mã trường ghi theo quy định của Sở GDĐT, nếu mã trường có 1 chữ số thì 2 ô đầu tiên ghi số 0, nếu mã trường có 2 chữ số thì ô đầu tiên ghi số 0).
Đối với thí sinh là công an, quân nhân được cử tham gia dự thi để xét tuyển ĐH, CĐSP thì ghi mã tỉnh tương ứng với tỉnh nơi đóng quân và mã trường THPT là 900.