Những khóa luận tốt nghiệp đáng chú ý của sinh viên ngành Ngôn ngữ ĐH FPT

Sinh viên ĐH FPT nghiên cứu và thực hiện một số khóa luận liên quan đến tự học, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng học ngoại ngữ tại ĐH FPT.

 

Phương pháp tự học, cải thiện trình độ tiếng Anh

 

Nhận thấy kỹ năng nghe của sinh viên còn nhiều hạn chế khi giao tiếp với người bản địa, nhóm sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học FPT thực hiện khóa luận tốt nghiệp: “Khảo sát việc tự học ở sinh viên Đại học FPT đối với kỹ năng nghe tiếng Anh”.

Nhóm 4 sinh viên Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Hoàng Anh, Tạ Trần Minh Huy và Phạm Hoàng Quang Huy cho rằng, việc tự học tác động lớn đến khả năng nghe hiểu tiếng Anh.

“Việc tự học sẽ giúp ta cải thiện khả năng nhanh hơn và hiệu quả hơn so với việc chỉ học trên lớp”, trưởng nhóm Nguyễn Phương Anh cho hay.

 

Nhóm sinh viên cùng các giảng viên Ngôn ngữ Anh, ĐH FPT.


Dù nhiều sinh viên cũng mong muốn được tự học kỹ năng nghe tuy nhiên, các bạn hiếm có thời gian để áp dụng, một phần là do thiếu động lực học, phần khác là do chưa biết nên tự học với phương pháp nào.

“Nếu không biết cách tự học, việc cải thiện kỹ năng nghe sẽ là vấn đề nan giải. Các bạn có thể cảm thấy hoang mang, chán nản, từ đó không cải thiện được trình độ tiếng Anh”, đại diện nhóm nói. 

Theo nhóm nghiên cứu, để khắc phục những vấn đề đó, sinh viên phải đặt ra mục tiêu rõ ràng là mình muốn đạt được điều gì. Sau đó, sinh viên cần học cách quản lý và sắp xếp thời gian cho việc tự học. Tự học dựa vào sở thích cá nhân cũng là một cách hiệu quả và có thể tăng động lực cho bản thân.

Khi có khả năng tự chủ, sinh viên không chỉ cải thiện được kỹ năng nghe mà còn có thể cải thiện vốn từ vựng, kiến thức và cách phát âm.

 

Tự định hướng sử dụng công nghệ để học ngôn ngữ

 

Cùng quan tâm đến việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhóm 4 SV Nguyễn Thị Tường Anh, Nguyễn Huỳnh Khả Hân, Nguyễn Ngọc Tuyết Nhi, Phan Yến Nhi (Đại học FPT Cần Thơ) thực hiện đồ án: “Tìm hiểu việc tự định hướng sử dụng công nghệ của sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh để học ngôn ngữ”.

Theo khảo sát, sinh viên ngành Ngôn ngữ ngày càng có xu hướng sử dụng công nghệ để tự học những kiến thức ngoài chương trình nhằm củng cố, nâng cao năng lực. Tuy nhiên, quá trình tự học còn bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

 

Nhóm 4 sinh viên (giữa ảnh) chụp ảnh với các giảng viên ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH FPT Cần Thơ.


Chính vì thế, nghiên cứu của nhóm xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình học ngôn ngữ tự định hướng với công nghệ của sinh viên, giúp sinh viên có khả năng tự điều hướng việc học. Thông qua đồ án này, nhóm hy vọng giảng viên và các tổ chức giáo dục hiểu được nguyện vọng và những khó khăn mà sinh viên đang gặp phải, để có thể vận dụng công nghệ và các chiến lược phù hợp, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy quá trình tự học ngôn ngữ của sinh viên. 

“Chúng mình đóng góp xây dựng trên những điều đã cũ (là tự học và việc học ngôn ngữ), và thêm vào những điều mới mẻ hơn gần đây (là sự bùng nổ của công nghệ thông tin), giúp sinh viên giải quyết các tình huống khó khăn trong lúc học ngôn ngữ, biết cách tìm kiếm và sử dụng những sự trợ giúp có sẵn”, đại diện nhóm cho hay.

Đồ án của nhóm được Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp nhận xét đã định hình được trọng tâm nghiên cứu dựa trên các cơ sở lý luận và khung lý thuyết phù hợp. Đồng thời, nhóm đã sử dụng hiệu quả các công cụ để thu thập và phân tích dữ liệu. Dù còn một số thiếu sót, nhưng đồ án được nhận xét là sử dụng ngôn ngữ phù hợp, phương pháp nghiên cứu khoa học.

 

Ứng dụng e-flashcard để học tiếng Nhật hiệu quả

 

Nhóm 3 SV Lê Hoàng Nguyệt Minh, Lục Nguyễn Việt Hằng, Nguyễn Phạm Diệu Huyền (ĐH FPT) vừa bảo vệ thành công khóa luận: “Nghiên cứu về ứng dụng e-flashcard vào việc học tha-tự động từ ở Đại học FPT”.

Theo nghiên cứu của nhóm sinh viên, người học tiếng Nhật sẽ bắt gặp tự động từ và tha động từ ở phần ngữ pháp sơ cấp. Đây là phần mà nhiều người học thường dễ nhầm lẫn và khó để sử dụng thuần thục. Việc ghi nhớ tha-tự động từ đối với người học tiếng Nhật là một điều khó khăn.

 

Nhóm sinh viên trình bày đồ án trước hội đồng.


Theo nhóm, đa số e-flashcard hiện nay đều có thể sử dụng để học từ vựng. Tha-tự động từ về mặt bản chất cũng là từ vựng nên hoàn toàn có thể áp dụng được phương pháp này. Từ đó, nhóm đã tạo ra nhiều set flashcard với các cách học khác nhau (học thông qua câu trắc nghiệm, học từ đối nghĩa, học theo cặp tha-tự, v.v…). Qua 2 khảo sát, nhóm đã thu thập ý kiến của SV để tìm ra mức độ yêu thích về từng set flashcard đã tạo trên quizlet. Từ đó, đưa ra một bộ tiêu chuẩn để tạo ra một bộ flashcard phù hợp cho sinh viên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc ứng dụng e-flashcard vào việc học từ vựng tự động có thể có nhiều tác động tích cực đối với sinh viên Ngôn ngữ Nhật, ĐH FPT và cả sinh viên có nhu cầu học tiếng Nhật nói chung.

“E-flashcard kế thừa những đặc điểm nổi bật của flashcard giấy truyền thống và có thêm những tính năng đặc biệt như tự tổng hợp số liệu cho thấy mình đã thuộc từ nào, chưa thuộc từ nào… giúp tiết kiệm thời gian học cho học sinh. Việc sử dụng e-flashcard cũng giúp người học nâng cao các kỹ năng mềm như tự học và tự quản lý thời gian, cải thiện khả năng tập trung và rèn luyện tính kiên trì trong học tập”, đại diện nhóm nói.

 

Phương Anh

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

Tin tức Liên quan