Nguyễn Huỳnh Kim Ngân - Thủ khoa Tốt nghiệp 2022: Niềm đam mê Tiếng Nhật và nỗ lực đã đưa mình đến ngày hôm nay
Vậy là một chuyến đò nữa tại Đại học FPT đã được cập bến, dưới tiết trời cuối thu tháng 10 vừa qua, các sinh viên K14 nhà Cóc đã chính thức tốt nghiệp. Trong bài viết này, hãy cùng gặp gỡ Nguyễn Huỳnh Kim Ngân và cùng lắng nghe những cảm nghĩ của cô nàng về 4 năm là sinh viên Ngôn ngữ Nhật tại Đại học FPT.
Cảm xúc của bạn trong Lễ Tốt nghiệp như thế nào?
“Thành thật mà nói, mình đã có quá nhiều cung bậc cảm xúc chỉ trong một ngày. Từ vui vì được gặp lại thầy cô, bạn bè sau ngần ấy tháng trời chờ đợi, cùng nhau chụp thật nhiều ảnh, cùng nhau trò chuyện, cùng nhau cười đùa. Cho đến buồn vì tự dưng cảm thấy mình bị buộc phải trưởng thành, phải bước ra đời, phải bon chen phải gồng gánh phải cố mạnh mẽ giữa những lúc bão giông. Đồng thời, mình cũng tiếc vì thời gian trôi nhanh quá, chưa kịp đi chơi thật nhiều với đám bạn, chưa kịp ngồi thật lâu trong thư viện để hưởng không khí của máy điều hòa loại xịn, chưa kịp uống đủ mười ly lipton sữa – món yêu thích của mình – ở căn tin, chưa kịp thuộc hết tên các anh chị cán bộ trong trường, chưa kịp nhìn và nhớ lại những câu hỏi còn bỏ ngỏ đáng ra nên hỏi thầy cô ngay khi có dịp.” – Cô nàng nghẹn ngào chia sẻ.
Ngân nói thêm: “Và mừng vì sau chừng ấy tháng ngày miệt mài học tập, cày cuốc deadline trầy da tróc vảy thì đến hôm nay, mình đã có thể suôn sẻ tốt nghiệp như bao bạn khác. Không những là suôn sẻ thôi đâu mà mình còn đạt danh hiệu Thủ khoa ngành Ngôn ngữ và Đồ họa nữa đấy! Lúc được xướng tên lên nhận thưởng, tự nhiên mình nổi hết da gà, trong đầu hiện ra duy nhất một câu hỏi: “Vậy là mọi nỗ lực, cố gắng của mình đã được đền đáp rồi sao?””
Bạn có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại được không?
“Hiện tại mình đang làm công việc biên – phiên dịch tiếng Nhật tại trung tâm Công nghệ Phần mềm, Đại học Cần Thơ. Công việc này ngoài đòi hỏi tiếng Nhật ra thì còn phải có kiến thức về mảng IT, tuy khá khó đối với một đứa chuyên ngôn ngữ như mình nhưng mình vẫn đang cố gắng học hỏi mỗi ngày, để mình càng ngày càng tốt hơn.”
Làm thế nào để đạt được kết quả như ngày hôm nay? Ngân hãy chia sẻ cho bạn đọc cùng biết với nhé!
“Thú thật thì mình cũng chẳng có kinh nghiệm gì to tát lắm đâu (cười). Vì chuyên ngành mình học là Ngôn ngữ, nặng về học thuật nên chỉ cần siêng năng và có phương pháp học tập phù hợp với bản thân là sẽ học được thôi. Ngoài ra, cũng cần phải có đam mê mãnh liệt với ngôn ngữ cũng như yêu thích văn hóa – văn học liên quan đến ngôn ngữ đó nữa. Mỗi lần mệt mỏi hay cảm thấy chán nản, mình thường nghĩ đến lý do mình bắt đầu, đó chính là niềm đam mê dành cho nước Nhật, cho văn hóa Nhật và cho chính tiếng Nhật. Nhờ vậy mà mình mới có thể vực dậy bản thân và bước tiếp.
Những trải nghiệm tại Trường Đại học FPT Cần Thơ trong 4 năm qua đã giúp bạn trưởng thành như thế nào?
“4 năm ở FPT Cần Thơ giúp mình có cơ hội được làm việc nhóm với nhiều bạn, từ đó biết rõ tính cách cũng như sở trường, sở đoản của từng người. Nhờ vậy mà khi bước vào những dự án “bự” như đồ án tốt nghiệp hoặc dự án dịch và xuất bản sách, mình có thể phân công công việc phù hợp với khả năng của từng thành viên trong nhóm. Nói chung là ngoài kiến thức chuyên ngành, điều mà mình học được nhiều nhất tại trường chính là kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp.” – Ngân chia sẻ.
Ngân từng giữ vai trò diễn giả tại livestream F-Talk Từ ngành đến nghề của Đại học FPT Cần Thơ
Bên cạnh kiến thức chuyên môn thì bạn thấy việc tham gia các hoạt động, sự kiện/CLB giúp sinh viên ĐH FPT có được những gì?
“Mình thấy khá tiếc vì hồi sinh viên mình không tham gia bất kỳ CLB nào (có lẽ vì khi đó chưa có nhiều CLB như bây giờ), tuy nhiên mình cũng rất hứng thú với các buổi talkshow và workshop của trường. Các buổi talkshow nói về kỹ năng thể hiện bản thân, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tư duy sáng tạo hay các buổi workshop về làm chủ giọng nói, khẳng định thương hiệu cá nhân,… đã cung cấp cho mình nhiều kiến thức về kỹ năng mềm cần thiết cho bản thân. Cá nhân mình, và có lẽ là các bạn khác, nghĩ rằng tham gia các buổi talkshow và workshop như vậy nếu không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang, đi xong rồi thể nào cũng mang về một cái gì đó làm hành trang cho mình.”
Một từ để miêu tả bạn?
Kim Ngân hóm hỉnh trả lời: “Chắc là… “lì lợm” (cười). Nếu không lì thì sẽ không thể đeo theo tiếng Nhật đến cùng, không đốc thúc các bạn trong nhóm làm việc hết năng suất, không dành hết tâm huyết và chất xám, không quản ngại khó khăn ngày đêm chạy deadline để có thể cho ra lò thành phẩm tốt nhất trong khả năng của mình và của nhóm.”
Với bạn thì trong kỳ thực tập, điều quan trọng nhất một thực tập sinh cần có là gì?
“Trong kỳ thực tập, điều quan trọng nhất mà một thực tập sinh cần có đó là tinh thần “ham học hỏi”. Bạn có thể hơi nhút nhát, chưa biết cách hòa đồng với mọi người, chưa quen việc nhưng bạn nhất định phải hỏi thật nhiều. Hỏi những gì mình chưa biết, hỏi những gì mình muốn biết, hỏi những gì mình biết nhưng chưa rõ và hỏi những gì mình muốn xác nhận lại xem mình hiểu như vậy đã đúng chưa. Mặc dù công việc thực tập và công việc trong tương lai có lẽ chẳng liên quan gì nhau, nhưng nếu có cơ hội thì cứ hỏi và nghe những gì được dạy. Kiến thức thì bao la, học chỗ này một chút chỗ kia một chút, tích góp dần dần rồi đến một ngày bạn sẽ phát hiện ra kiến thức ở ngành này có thể áp dụng được cho ngành khác đấy.”
Bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên không?
“Không biết nói gì hơn ngoài: Các bạn cố lên nhé! Học tập là cả một quá trình, đường đi còn rất dài, chẳng ai biết điều gì đang chờ đợi mình ở ngã rẽ phía trước. Deadline hay dự án cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là bản thân nhìn ra giá trị của việc mình đang làm, và nhìn ra giá trị của những người bạn làm chung nhóm với mình. Trân trọng khoảnh khắc của hiện tại, vì thời gian trôi qua rất mau, đừng để đến khi tốt nghiệp mới thấy tiếc khi nhận ra bản thân mình có thể làm được nhiều điều hơn thế.”