Nghiên cứu về giáo dục chuyển ngữ bằng phương pháp EMI, báo cáo viên nước ngoài giành giải “Best Paper” tại Hội thảo FCLE 2024

Tác giả Piotr Romanowski (ĐH Warsaw, Ba Lan) đã tiến hành nghiên cứu về chuyển ngữ bằng phương pháp English Medium Instruction (EMI) – sử dụng tiếng Anh như phương tiện để dạy các môn chuyên ngành và nhận được “Best Paper” của Hội thảo FCLE. Ngoài ra, một số nghiên cứu của các tác giả nước ngoài khác cũng là điểm nhấn đáng chú ý của hội thảo.

“Translanguaging in English Medium Instruction at a Polish University. A Controversy or a Solution?” của tác giả Piotr Romanowski (ĐH Warsaw, Ba Lan) là báo cáo duy nhất của tác giả nước ngoài được trao  “Best Paper” tại Hội thảo FCLE 2024.

Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển ngữ đã được chứng minh là một phương pháp sư phạm hiệu quả. Nghiên cứu về chuyển ngữ bằng phương pháp English Medium Instruction (EMI) – sử dụng tiếng Anh như phương tiện để dạy các môn chuyên ngành – hiện đang được ứng dụng tại các nước không nói tiếng Anh, trong đó rất được ưa chuộng tại Ba Lan đã thúc đẩy tác giả Piotr Romanowski tiến hành tìm hiểu.

Sử dụng ngoại ngữ trong giáo dục đại học đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực toàn cầu, tăng tính cạnh tranh với quốc tế, thu hút sinh viên nước ngoài… Để phương pháp EMI phát huy tối đa hiệu quả, giảng viên cần tìm hiểu, lựa chọn những khía cạnh và nội dung mà sinh viên sẽ dễ dàng nắm bắt được kiến thức nhất; sử dụng những từ vựng tiếng Anh dễ hiểu trong việc giải thích các kiến thức chuyên ngành. Đồng thời, nếu có sự tham gia của các sinh viên nước ngoài trong các lớp học này sẽ giúp sinh viên tự tin trao đổi, thảo luận với nhau hơn.


Khi áp dụng phương pháp nghiên cứu tình huống, kết quả chỉ ra sinh viên Ba Lan đã sử dụng nhiều chiến lược dịch thuật để tạo ra “không gian chuyển ngữ” cho việc học tập


Tác giả Rei KATAOKA (Đại học Hokkaido, Nhật Bản) đã thực hiện nghiên cứu “The Impact Factors on Teaching Anxiety Using Decision Tree Analysis: A Case Study of English Teachers in Japanese Universities” với đối tượng khảo sát là các giảng viên đại học dạy các lớp tiếng Anh ở Nhật Bản.

Kết quả cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến sự lo lắng trong giảng dạy lần lượt giảm dần là: “Nhận biết những thay đổi trong chính sách giáo dục liên quan đến giáo dục tiếng Anh”, “Cảm giác hài lòng với hoạt động nghiên cứu” và “Có gia đình (hoặc bạn bè)” để tư vấn về những lo lắng trong giảng dạy”. Điều này cho thấy nỗi lo lắng khi giảng dạy của giảng viên tiếng Anh ở trường đại học không tồn tại một cách biệt lập mà có liên quan chặt chẽ đến các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ, chẳng hạn như hoạt động nghiên cứu và cuộc sống cá nhân.

Từ đó, tác giả chỉ ra việc hỗ trợ cho giảng viên các phương tiện, phương pháp để theo kịp thay đổi trong chính sách giảng dạy, tạo môi trường cho giảng viên thực hiện các hoạt động nghiên cứu là điều cần thiết để khắc phục vấn đề này.


Kết quả từ nghiên cứu này cung cấp thông tin để các nhà quản lý triển khai phương pháp hỗ trợ giảng viên hiệu quả


Đề tài “Identifying Predictors of Group Metacognitive Skills in Adult Autonomous Language Learners” của tác giả Chui Ling Tam (ĐH Hokkaido, Nhật Bản) cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người nghe tại Hội thảo FCLE 2024. Đề tài nghiên cứu nhằm mục tiêu dự đoán mức độ kỹ năng siêu nhận thức nhóm của người học ngôn ngữ trong bối cảnh học tập hợp tác tự chủ bằng phương pháp khai thác dữ liệu, xác định các yếu tố dự đoán về kỹ năng siêu nhận thức nhóm ở những người trưởng thành học ngôn ngữ tự chủ.


Tác giả trình bày nghiên cứu của mình tại FCLE 2024


Theo đó, tác giả tiến hành cuộc khảo sát trực tuyến với 150 người học tiếng Nhật hoặc tiếng Anh thông qua học tập song song với các đối tác học tập của họ. Với 7 yếu tố có thể xem xét, việc khai thác dữ liệu được thực hiện bằng phần mềm JASP và áp dụng phân tích cây quyết định. Kết quả là đã thu được một mô hình có tỷ lệ chính xác là 66,7%.

Tác giả Chui Ling Tam nhận thấy rằng ngôn ngữ bản địa, thời gian học, tình trạng việc làm, nhóm tuổi và trình độ ngôn ngữ mục tiêu là năm yếu tố có ảnh hưởng nhất đến mức độ kỹ năng siêu nhận thức của nhóm người học. Kết quả của nghiên cứu này đã mang tới một bức tranh rõ ràng về hình mẫu của những người học có kỹ năng siêu nhận thức nhóm ở mức độ cao. Điều này sẽ cung cấp cho giáo viên và nhà nghiên cứu cái nhìn sâu sắc đầu tiên về những vấn đề này.



Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

Tin tức Liên quan