Đại học FPT Cần Thơ

Ngỡ ngàng trước những sản phẩm đồ án đầy ấn tượng của sinh viên Thiết kế đồ họa ĐH FPT

6 Tháng chín, 2021 Không có bình luận

Tập trung khai thác các chủ đề luôn nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng và biến ý tưởng thành những thước phim hoạt hình đầy tính nghệ thuật, những đồ án Animation trong đợt bảo vệ đồ án kỳ Summer 2021 của sinh viên ĐH FPT Hà Nội đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ.

 

Return Day – Ngày trở về

Return Day là sản phẩm đồ án dưới dạng Animation 3D của 2 sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa, ĐH FPT Hà Nội – Nguyễn Hà Anh và Cao Văn Nhật. Bộ phim lấy bối cảnh một gia đình có 2 người: người con là bác sĩ và người mẹ già. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp, khối lượng công việc của người con rất lớn đến nỗi anh thậm chí không có thời gian để nghỉ ngơi và về nhà thăm mẹ. Người mẹ, tuy rằng đã lớn tuổi, nhưng vì tình thương đối với con, hàng ngày vẫn làm cơm, gói ghém mang đến cho con. Trải qua nhiều ngày tháng kiên trì chống dịch, cuối cùng, bệnh viện nơi anh làm việc cũng được gỡ bỏ phong tỏa, anh trở về nhà và đoàn tụ cùng mẹ sau nhiều tháng ngày xa cách.

Chia sẻ về việc lựa chọn đề tài này cho đồ án tốt nghiệp, Hà Anh và Văn Nhật cho biết: “Trong tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng như hiện tại, bộ phim là cách mà chúng mình lựa chọn để gửi lời tri ân đến những y bác sĩ đang hàng ngày cống hiến, hy sinh chính bản thân mình để đảm bảo an toàn cho xã hội. Đối với một số người, chỉ cần tuân thủ cách ly 14-21 ngày, đối với bệnh nhân, chỉ cần kiên trì điều trị là có thể trở về với gia đình, nhưng đối với những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, họ đi và chưa biết ngày nào sẽ trở về. Chính bởi vậy, cái tên Return Day cũng gửi gắm niềm hy vọng về một tương lai dịch bệnh được đẩy lùi, mọi gia đình được đoàn tụ”.

Return Day là tác phẩm lấy bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên cả nước trong thời điểm hiện tại, truyền tải hy vọng về một tương lai dịch bệnh được đẩy lùi

Hà Anh và Văn Nhật cũng cho biết, để hoàn thành bộ phim trong hoàn cảnh phải phối hợp làm từ xa do ảnh hưởng của dịch bệnh là một cản trở rất lớn. Đồng thời, cả hai thành viên đều đang là thực tập sinh tại một công ty làm về lĩnh vực hoạt hình nên thời gian cũng khá eo hẹp. Bởi vậy, dù đã dự định làm một sản phẩm 3D cùng nhau ngay từ đầu kỳ học thiết kế đồ họa 3D nhưng thực tế, mọi thứ không hoàn toàn suôn sẻ. Thậm chí, cả hai đã phải dành nhiều thời gian để học lại các kiến thức về phần mềm chuyên dụng.

“Nhóm mình đã sử dụng nhiều phần mềm và công cụ hỗ trợ như Zbrush, Autodesk Maya, DAZ 3D để làm việc với nhân vật 3D và bối cảnh, sau đó sử dụng Photoshop và Subtain Painter để xử lý texture, cuối cùng là sử dụng After Effect và Premiere để xử lý hậu kỳ”,Văn Nhật cho biết. 

Để cho “ra lò” một bộ phim hoàn chỉnh dài 6,5 phút, Hà Anh và Văn Nhật cũng đã phải chỉnh sửa rất nhiều về kịch bản, vừa làm vừa điều chỉnh để mọi tình tiết đều trở nên mượt mà và hợp lý. Hai bạn đã phải cùng nhau “thuê máy” có cấu hình “khủng” để render phim, đảm bảo xuất file chất lượng ở mức cao nhất. Cứ thế, hai thành viên tự mình nỗ lực và động viên nhau để vượt qua từng khó khăn và hoàn thành sản phẩm của mình. 

“Có những ngày bọn em chỉ được ngủ 2-3 tiếng đồng hồ.Thực sự, đó là một khoảng thời gian mà khi nhìn lại chúng mình mới thấy bản thân đã cố gắng đến thế nào để có một sản phẩm ưng ý nhất cho buổi bảo vệ ngày hôm nay” – Văn Nhật xúc động chia sẻ.

Tại Hội đồng bảo vệ chuyên ngành Thiết kế đồ họa vừa qua, sản phẩm đã nhận được rất nhiều lời khen từ Hội đồng phản biện. Thầy Hùng Vũ, giảng viên bộ môn Thiết kế đồ họa, FPTU Hà Nội góp ý cho tác phẩm: “Các bạn đã chọn 1 chủ đề hay, hợp với bối cảnh hiện tại, khi toàn dân tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bản thân tôi đánh giá cao chủ đề này, bởi sản phẩm có thể sử dụng nhằm mục đích tuyên truyền trong thời gian chống dịch. Tạo hình 3D của sản phẩm ổn, chuyển động tốt, kỹ thuật, chất liệu và ánh sáng khá tốt. Tuy nhiên, biểu cảm của nhân vật chưa xuất sắc, đồng thời tạo hình của nhân vật chưa thực sự giống với người Việt. Nếu cải thiện được điểm này thì sản phẩm sẽ tốt hơn”.

Touch – Điểm chạm

Nếu như Return Day lựa chọn một đề tài thời sự thì Touch lại chọn một chủ đề mang tính xã hội. Cái tên Touch (Chạm) đại diện cho những cái chạm về mặt tinh thần, những cái chạm làm rung động và phá bỏ đi sự thờ ơ, rào cản mà con người vô tình dựng lên. Những cái chạm ấy không phải là những cú huých lớn lao, mà chỉ là một hành động dù bé nhỏ nhưng cũng làm rung động và thay đổi một con người.

Chia sẻ về việc lựa chọn đề tài này, Trần Hoàng Sơn và Đặng Bảo Huệ – hai thành viên nhóm đồ án cho biết: “Khi thực sự chú tâm suy nghĩ về những vẫn đề mà cả nhóm muốn giải quyết trong một sản phẩm đồ án tốt nghiệp, cả hai đã cùng chung một ý tưởng. Đó là làm về đề tài hướng đến một thực trạng đang tồn tại trong xã hội: con người ta luôn cố gắng chạy theo sự phát triển của xã hội nhưng lại vô tình tự trói buộc bản thân vào những gánh nặng vô hình, để rồi quên đi sự tự do của mình, thờ ơ với thế giới xung quanh. Touch ra đời như một cái chạm nhẹ, nhắc nhở con người ta nỗ lực phấn đấu nhưng không quên tận hưởng cuộc sống”.

Hoàng Sơn và Bảo Huệ trình bày tại buổi bảo vệ đồ án Touch

Từ lý do ấy, Hoàng Sơn và Bảo Huệ đã thông qua từng thước phim kể cho người xem về một chàng trang có cuộc sống chỉ xoay quanh công việc và những mối quan hệ nhỏ bé của mình. Anh sống tách biệt và thờ ơ với thế giới xung quanh, cho tới khi anh bị đẩy vào một tình huống khiến anh bắt buộc phải bước ra khỏi bức tường vô hình xung quanh bản thân và cảm nhận vẻ đẹp của thế giới mà trước đây anh chưa từng quan tâm. Nhờ thế mà anh đã thay đổi, hòa đồng hơn với mọi người và hòa mình tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống.

Để làm nên những thước phim hoạt hình dài khoảng 7 phút, hai thành viên đã phải vượt qua nhiều khó khăn, từ việc tìm hiểu thêm kiến thức, học thêm kỹ năng cho tới xử lý những yếu tố ngoại cảnh như cắt điện đột ngột, mất kết nối mạng và hạn chế những khó khăn do phải làm việc nhóm từ xa. 

“Khó khăn lớn nhất mà nhóm mình gặp phải là vấn đề làm việc từ xa. Việc không thể trực tiếp trao đổi cũng như cập nhật tình hình tiến độ và chất lượng công việc một cách liên tục dễ dẫn đến những sai sót trong quá trình làm việc, gây cản trở rất lớn cho tiến độ của đồ án. Sản phẩm của nhóm cũng còn rất nhiều điểm vụng về và thiếu chuyên nghiệp. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu trong con đường sự nghiệp của nhóm, và nếu cả hai thành viên vẫn còn tiếp tục đi trên con đường này, chúng mình chắc chắn có thể cải thiện được chất lượng hình ảnh và nội dung của sản phẩm, cũng như xây dựng được một bộ phim hấp dẫn hơn trong tương lai”.

Bathroom Fight Club – Đại chiến nhà tắm

Là một sản phẩm Animation 2D của Đặng Nhật Minh và Nguyễn Khánh Vy – sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa, FPTU Hà Nội, Bathroom Fight Club xoay quanh một cuộc chiến có phần viễn tưởng của “cánh đàn ông” trong nhà với con quái vật mang tên Water Monster.

Chia sẻ về cốt truyện có phần ly kỳ này, Khánh Vy cho biết: “Ý tưởng về cốt truyện xuất phát từ đứa em trai nhỏ của mình. Trẻ con thường có trí tưởng tượng rất phong phú và thường sợ những nơi ẩm thấp, không gian kín và nhỏ hẹp như nhà vệ sinh nên bạn ấy thường không bao giờ đi vệ sinh một mình. Vậy là ý tưởng về một con quái vật nước trong nhà vệ sinh, chỉ xuất hiện trước phái nam, và ẩn mình trước phái nữ ra đời”.

Khánh Vy và Nhật Minh trình bày tại buổi bảo vệ đồ án

Dựa vào một nhân vật trong tưởng tượng, Khánh Vy và Nhật Minh đã vẽ nên một câu chuyện ly kỳ trong nhà tắm. Nhưng ý nghĩa sâu xa của câu chuyện này không nằm ở cuộc đại chiến giữa hai “thế lực” trong nhà: “Thông qua bộ phim, nhóm muốn truyền tải một thông điệp liên quan tới trẻ nhỏ: Trong hành trình khám phá và lớn lên của các em, bố mẹ và người thân luôn sẵn sàng ở bên cạnh và ủng hộ các em trong mọi trường hợp, dù cho đó có là một cuộc chiến trong trí tưởng tượng”.

Cô nàng cá tính Khánh Vy cũng cho biết, ở trường, kiến thức dựng hoạt hình chính được dạy là dựng hoạt hình bằng phương thức vẽ frame by frame, đây cũng là cách khiến cho hoạt hình được mượt nhất với tiêu chí 24 frames/giây (tức để có 1 giây hình chuyển động cần vẽ 24 bức vẽ). Nhưng vì các thành viên của nhóm chỉ có thể làm việc online nên để tiết kiệm thời gian, các bạn phải tự mày mò và tìm hiểu thêm về cách dựng hoạt hình cut-out, vẽ nhân vật sau đó cắt “khớp” và sử dụng phần mềm chuyên dụng để tạo chuyển động.

Một cảnh phim trong Bathroom Fight Club

Tại buổi bảo vệ vừa qua, sản phẩm của nhóm đã xuất sắc thuyết phục Hội đồng phản biện và nhận về nhiều lời khen liên quan tới nội dung, ý nghĩa, tạo hình và chuyển động của nhân vật. Đồng thời, sản phẩm Bathroom Fight Club cũng trở thành sản phẩm duy nhất trong 3 sản phẩm Animation tại đợt bảo vệ lần này không cần chỉnh sửa sau bảo vệ. 

Với đặc trưng sản phẩm thường là những bộ phim hoạt hình với màu sắc và âm thanh lôi cuốn, các đồ án Animation của chuyên ngành Thiết kế đồ họa luôn là những sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên ĐH FPT nhất là các bạn đang có mong muốn theo đuổi lĩnh vực thiết kế, hoạt hình. Trong đợt bảo vệ đồ án kỳ Summer 2021, các nhóm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đồng thời cũng mang đến cho Hội đồng bảo vệ những bộ phim cực kỳ ấn tượng và những phút giây thư giãn thoải mái.

Từ ngày 26/08 – 01/09/2021, sinh viên Đại học FPT Hà Nội sẽ bắt đầu tham gia đợt Bảo vệ tốt nghiệp học kỳ Summer 2021 theo hình thức online. Đợt bảo vệ có sự tham gia của hơn 440 sinh viên với 103 đề tài khóa luận thuộc 8 ngành/chuyên ngành: Khoa học máy tính, Thiết kế đồ họa, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Nhật, An toàn thông tin, Kỹ thuật phần mềm.

Các đề tài trong đợt bảo vệ tốt nghiệp này của sinh viên Đại học FPT Hà Nội hướng tới đa dạng các lĩnh vực trong đời sống như y tế, giáo dục, booking, tìm kiếm – quản lý thông tin, kết nối…

 

 

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *