Đó là chủ đề chuỗi hoạt động truyền thông do một nhóm sinh viên trường đại học FPT Cần Thơ thực hiện đã và đang tạo ra những hiệu ứng tốt đối với nhiều bạn trẻ. Mục đích của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về ảnh hưởng của “thời trang nhanh” đến môi trường tự nhiên, xã hội và khuyến khích giới trẻ hướng đến thời trang bền vững.
“Thời trang nhanh” – cụm từ chỉ những trang phục và phụ kiện thời trang có giá thành rẻ và liên tục được cho ra mẫu mã mới. Theo đuổi “mode” này được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ gen Z (những người sinh trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2012) coi là một cách thức quan trọng để tạo ra sự khác biệt và nổi bật giữa đám đông. Do đó, xu hướng tiêu dùng và thu nhập hạn chế của các bạn trẻ đã nhanh chóng được ngành thời trang đáp ứng bằng các sản phẩm.
Theo nghiên cứu của đại học Birmingham (Anh), có tới 98% gen Z đã sử dụng “thời trang nhanh” và 75% đã sử dụng thời trang “siêu nhanh”. Tại Mỹ, 72% sinh viên cho biết họ đã mua sắm “thời trang nhanh” trong năm 2021, trong đó 1/3 cảm thấy bị “nghiện”; 45% cũng cho biết rằng khó để cưỡng lại sức hút của thể loại này.
Không ngoại lệ, các sản phẩm của “thời trang nhanh” cũng rất phù hợp với hành vi và thu nhập của thế hệ gen Z tại Việt Nam. Chưa kể, sự phổ biến của mạng xã hội và những xu hướng được quảng bá liên tục thông qua các kênh này gây tác động đến nỗi sợ bị bỏ lỡ của các bạn trẻ, vì thế mặc dù nguồn lực chi tiêu khá eo hẹp, nhưng phần lớn bạn trẻ gen Z luôn tìm cách bổ sung vào bộ sưu tập hiện có. Tất cả những yếu tố kể trên biến gen Z trở thành đối tượng khách hàng chủ chốt của thời trang nhanh và phân khúc thời trang này có xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học cùng đã chỉ ra rằng xu hướng sử dụng các sản phẩm “thời trang nhanh” đã và đang gây ra những tác động xấu do thải ra môi trường lượng rác thải khổng lồ. Chưa kể, để đáp ứng tiêu chí “nhanh” cho sản phẩm, các nhà sản xuất có khuynh hướng chọn các nguyên liệu rẻ tiền như sợi vải sợi nilon rất khó phân hủy; vòng đời sử dụng ngắn ngủi không tương xứng với những tài nguyên tiêu tốn trong quá trình sản xuất như nước, năng lượng… gây lãng phí. Thế nên, xét về tổng thể xu hướng sử dụng “thời trang nhanh” đang gây ra những tác động tiêu cực cho môi trường tự nhiên.
Nói về ý tưởng thực hiện dự án, Lê Thành Đạt, Trưởng nhóm sinh viên thực hiện chiến dịch truyền thông chia sẻ, trước đây nhóm có tổ chức vận động bạn bè góp quần áo cũ để tặng lại cho trẻ em nghèo ở nông thôn và nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Hướng Dương (Cần Thơ). Quá trình thực hiện, nhóm nhận thấy nhiều bạn trẻ có thói quen mua sắm và sử dụng trang phục chưa hợp lý, chưa hiểu rõ về tác động của “thời trang nhanh” đến môi trường và xã hội nên cả nhóm đã quyết định bắt tay vào thực hiện chiến dịch này.
“Để thực hiện, nhóm lập một Fanpage và một tài khoản trên Facebook để đăng các bài viết, các video về tác động tiêu cực của “thời trang nhanh” đối với môi trường và xã hội. Các thông điệp được truyền tải một cách nhẹ nhàng, sinh động và lôi cuốn thông qua những video hoạt hình có cốt truyện do các thành viên trong nhóm thiết kế nhân vật, xây dựng kịch bản… Ngoài ra, còn tổ chức chuỗi các hoạt động, qua đó đã thu hút đông đảo các bạn học sinh, sinh viên trong trường FPT và cả một số bạn trẻ ngoài trường đến tham gia.
Nhận xét về các hoạt động này, ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, cho biết: “Tôi khá bất ngờ và cảm thấy rất thú vị về chiến dịch của nhóm. Thông qua những câu chuyện, nhân vật, bài đăng trên mạng xã hội cũng như hoạt động mà các bạn sinh viên đã thực hiện, tôi thấy chiến dịch này nhẹ nhàng, đầy màu sắc, phù hợp với đối tượng sinh viên. Mong nhóm mở rộng chiến dịch, tổ chức thêm các hoạt động để có thể lan rộng thông tin, kiến thức cho cả những bạn trẻ ngoài trường. Tôi cho rằng các hoạt động này sẽ giúp cho các bạn trẻ hiểu hơn về tác động của “thời trang nhanh” đối với môi trường, góp phần lan tỏa thông điệp và hành động về bảo vệ môi trường một cách rất thiết thực”.