Đại học FPT Cần Thơ

Nam sinh ĐH FPT có bài nghiên cứu trên tạp chí thuộc Q2 ISI-Scopus

Nghiên cứu về chủ đề trường học hạnh phúc, báo cáo khoa học được ấp ủ suốt 9 tháng của nam sinh Nguyễn Ngọc Nguyên (K17 chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật, ĐH FPT TP. HCM) đã được xuất bản trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục Q2 ISI-Scopus với tư cách là tác giả chính.


SV Nguyễn Ngọc Nguyên, K17 chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật, ĐH FPT TP. HCM

Nghiên cứu có tiêu đề “Research on the development and evaluation of happiness-oriented education programs at Vietnamese universities” (Tạm dịch: Những nghiên cứu phát triển và đánh giá chương trình giáo dục hướng đến hạnh phúc của các trường Đại học tại Việt Nam), được xuất bản trên tạp chí Onomázein (Q2 ISI-Scopus) vào tháng 11 vừa qua. SV Nguyễn Ngọc Nguyên cho biết, cậu bạn đã ấp ủ đề tài này từ đầu năm nay, sau khi nhận thấy vấn đề giáo dục toàn diện, hướng đến môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh đang ngày càng được xã hội quan tâm.

Theo nam sinh, việc học bây giờ không đơn thuần là đến trường, thi cử rồi tốt nghiệp với lý thuyết cứng. Các tổ chức giáo dục trên thế giới đã có rất nhiều cách thức để dạy học hạnh phúc, tối ưu trải nghiệm học tập và trang bị kỹ năng mềm cho SV. Tại Việt Nam, nhiều cơ sở đào tạo và đặc biệt là ĐH FPT đã và đang lồng ghép các hoạt động trải nghiệm vào chương trình chính khóa và cho thấy hiệu quả tích cực.

“Bản thân mình từng được trải nghiệm khóa thiền cùng các SV trường F tại Thái Lan, tham gia nhiều workshop, talkshow, tour tham quan doanh nghiệp do trường tổ chức… Mình tin rằng đó đều là những trải nghiệm học tập độc nhất và hạnh phúc, khiến mình và nhiều SV khác cảm thấy bớt áp lực học tập và thay bằng sự hào hứng khi đến trường. Đó cũng là động lực để mình bắt tay vào thực hiện nghiên cứu này”, Nguyên chia sẻ.


Báo cáo khoa học của Nguyên được đăng trên tạp chí Onomázein (Q2 ISI-Scopus).

Sử dụng phương pháp tiếp cận hỗn hợp, kết hợp nghiên cứu định tính và định lượng, bài báo của Nguyên đã thu thập dữ liệu toàn diện về sự phát triển và hiệu quả của các sáng kiến giáo dục mới, hướng đến môi trường học tập hạnh phúc ở các trường ĐH tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị thiết thực để cải thiện việc thiết kế và thực hiện các chương trình này, nhằm đảm bảo tính bền vững và tác động của chúng đối với phúc lợi của SV, làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc.

Báo cáo khoa học của Nguyên chỉ gói gọn chỉ trong 9 trang văn bản, nhưng quá hoàn thiện kéo dài suốt 9 tháng ròng. Nói như tác giả thì không đếm xuể số lần phác thảo, gạch bản thảo, viết rồi lại sửa, gửi đi và bị trả lại, rồi lại sửa, lại gửi… “Thách thức lớn nhất với mình khi thực hiện NCKH này đó là đề tài quá rộng, không thể thực hiện khảo sát để nắm bắt toàn bộ tâm lý của sinh viên Việt Nam mà phải chọn một số góc độ nhất định để từ đó có đánh giá toàn cảnh.

Thách thức tiếp đó là mình khá liều lĩnh khi quyết định gửi bài cho tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus-Q2 với những tiêu chuẩn xét duyệt rất khắt khe. Mỗi lần bài bị trả về là một lần tự khích lệ bản thân phải kiên trì, kiên định. Nhưng may mắn là mình luôn có các thầy cô tại ĐH FPT TP. HCM đồng hành, hỗ trợ khi cần thiết. Những góp ý về chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu của thầy đã giúp mình rất nhiều để hoàn thiện báo cáo này”.

Với bài báo được đăng tải trên tạp chí danh giá ISI/Scopus-Q2, Nguyên đã được FPT Edu vinh danh và thưởng “nóng” 80 triệu đồng. Phần thưởng này là sự công nhận và khích lệ xứng đáng cho những đóng góp tích cực của nam sinh vào phong trào NCKH mà FPT Edu luôn quan tâm thúc đẩy trong trường học. Đáng nói, đây cũng không phải lần đầu tiên nam sinh K17 này được tôn vinh với các công trình NCKH. Dù mới chỉ là sinh viên năm 3 nhưng cậu bạn đã giắt túi 3 NCKH được xuất bản quốc tế, từng báo cáo tại các hội thảo trong và ngoài nước với các tham luận về lĩnh vực giáo dục.


Đam mê NCKH, Nguyên đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài thành tích NCKH đáng nể, Nguyên còn khiến nhiều người nể phục khi kiến thức chuyên môn (Ngôn ngữ Nhật) cũng xuất sắc không kém. Nam sinh từng làm phiên dịch viên cho Phó Giám đốc Sở ngoại vụ Phủ Kyoto (Nhật Bản), là thành viên BCH Chi hội VYSA Kyoto – Tổ chức duy nhất đại diện thanh niên và SV Việt Nam tại Nhật Bản được Chính phủ Việt Nam công nhận.


Hiện tại, Nguyên đang vừa học vừa thực tập trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại một doanh nghiệp ở TP. HCM.

“Nhiều người bảo mình là “tắc kè hoa” khi học Ngôn ngữ Nhật nhưng lại làm xuất nhập khẩu thị trường Đức, đam mê NCKH trong lĩnh vực giáo dục nhưng lại thích trở thành kỹ sư cầu nối Việt Nam – Nhật Bản. Nhưng thực ra tất cả những màu sắc này đều liên quan và tác động lẫn nhau. Đơn giản như việc NCKH sẽ giúp mình phân tích và hiểu sâu sắc hơn hành vi của khách hàng, từ đó đề xuất những cách làm hiệu quả”, Nguyên chia sẻ.

Nam sinh K17 cũng cho biết sẽ tiếp tục giữ lửa đam mê NCKH không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà có thể mở rộng sang một số lĩnh vực khác. Môi trường chú trọng trải nghiệm, khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo tại FPT Edu cũng chính là bệ phóng để Nguyên tự tin bước ra ngoài phạm vi an toàn và thử thách bản thân theo những cách thức mới mẻ và thú vị.

 

Theo FPT Edu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *