Nguyễn Phước Thịnh bắt đầu đam mê tạo hình bằng đất sét từ khi còn là học sinh Tiểu học. Sau 12 năm, BST của anh chàng đã lên tới con số 40 với đa dạng các mô hình như game, hoạt hình…
Phước Thịnh – Sinh viên chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số, ĐH FPT Cần Thơ
Nguyễn Phước Thịnh tiếp xúc với đất sét vào những năm cấp 1, khi mà trào lưu sưu tầm mô hình Pokemon size nhỏ thịnh hành trong giới học sinh. Cậu học trò lúc đó chỉ có bộ đất sét 5 màu dùng cho môn Mỹ thuật nhưng đã mày mò tạo hình nhân vật manga cho tới nhân vật trong game.
Đến năm lớp 6, Thịnh biết tới đất sét tự khô mà đây cũng là thời điểm bộ sưu tập figure (nhân vật) đất sét ra đời. Thời gian đầu, Thịnh sử dụng dòng đất sét Thái để tạo khối, dùng màu dạng sệt pha vào đất để có bảng màu đa dạng và tạo hình chi tiết bằng các dụng cụ có sẵn như tăm, cọ, nhíp… Về sau, Thịnh được trải nghiệm nhiều dòng đất sét khác nhau và có thêm các dụng cụ mới nên việc chế tác trở nên thuận lợi hơn.
Kiến thức chuyên ngành tại ĐH FPT Cần Thơ giúp anh chàng thông thạo việc tạo hình, phối màu, thể hiện các chi tiết một cách sống động
Mỗi nhân vật được hoàn thiện trong khoảng 5 ngày. Mỗi ngày, anh chàng dành ra vài tiếng để tạo hình, lên chi tiết, tô màu rồi để đất sét khô và đứng form. Hiện tại, BST có khoảng 40 nhân vật nhưng Thịnh chỉ giữ lại 12 nhân vật. Thịnh coi việc tạo hình đất sét là một sở thích nên khi làm xong cũng đem tặng bạn bè, người thân.
Làm nhân vật bằng đất sét là thú chơi không chỉ đòi hỏi hoa tay mà còn là cả quá trình nghiên cứu nghiêm túc. Theo Thịnh, đất sét tự khô đặc biệt là dòng airdry clay và air light clay là dạng vật liệu có thời gian bảo quản không quá dài, chỉ khoảng 2 – 3 tháng khi bảo quản kín trong bọc. Khi thao tác với đất sét, bề mặt đất sẽ khô lại trong 20 phút và đất sét sẽ trở nên khó tạo hình hơn nên Thịnh phải định lượng lượng đất cần sử dụng và phương thức bảo quản đất chưa dùng đến.
Sau nhiều lần thao tác, Thịnh đã ước lượng được lượng đất vừa đủ và số đất chưa dùng đến sẽ bảo quản trong màn bọc thực phẩm và thoa một lớp vaseline mỏng để giữ ẩm
“Việc pha màu vào đất sét luôn là một thử thách đối với mình, nó đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm về tỉ lệ màu – đất, tỉ lệ giữa các màu với nhau và chất liệu của đất để có được một sản phẩm có màu sắc tươi sáng và đẹp mắt. Có trường hợp pha màu lên rất đẹp, nhưng khi đất khô thì bị xỉn. Ví dụ, loại đất airdry clay sẽ có độ trong nhất định khi khô, tính chất này sẽ khiến màu pha vào đất bị xỉn đi, do đó mình phải pha màu trắng làm nền và thử nghiệm vài lần để màu được như mong muốn”, Thịnh chia sẻ.
Với một nhân vật có nhiều chi tiết, Thịnh phải phối hợp nhiều dòng đất sét với nhau dựa trên đặc tính của chúng. Đất sét tự khô có độ mềm dẻo, có thể pha màu và tự khô nhanh trong không khí nên sẽ phù hợp để đúc khuôn và tạo hình. Nhưng khi cần đắp thêm trang phục, cơ bắp hoặc điều chỉnh các chi tiết sai thì đất polymer lại chiếm ưu thế. Vì vậy, trước khi tạo một nhân vật thì Thịnh phải lên ý tưởng sẵn về việc các lớp chi tiết sẽ như thế nào để có thể tạo hình từng phần hoàn thiện và dán chúng lại với nhau.
“Có một điều mình rất thích khi thao tác với đất sét tự khô là độ hoàn thiện và sự mượt mà trong sản phẩm. Với các loại đất không thể pha màu thì mình phải sơn sau khi tạo hình. Việc này không chỉ tốn kém mà còn dễ làm cho sản phẩm bị loang lổ nếu tay nghề chưa vững, màu cũng có khả năng bị phai đi theo thời gian. Còn với đất sét tự khô, sau khi được pha màu đúng cách thì màu sắc của sản phẩm sẽ bền và đẹp theo tuổi thọ của đất sét. Các chi tiết của sảm phẩm đất sét tự khô được gắn với nhau bằng keo sữa hoặc resin… sẽ giữ được sự mượt mà cho sản phẩm”, cậu bật mí.
Thịnh đang nhận tạo hình theo yêu cầu để nâng cao tay nghề
Thịnh cho biết, các nhân vật trong BST tuy không phải do anh chàng tạo ra nhưng là sự cách điệu và sáng tạo từ nhân vật gốc để tạo ra bản chibi của riêng mình. Nam sinh cũng đang tìm tòi và học hỏi phong cách tạo hình mới, cũng như thử sức làm búp bê khớp cầu, học thêm về 3D để thực hiện tạo hình trên máy thay vì chỉ làm thủ công.
“Mình rất trân trọng những trải nghiệm có được tại Trường ĐH FPT Cần Thơ và CLB F-Art. Mình được tạo điều kiện để thực hành và có cơ hội chia sẻ tới mọi người. Đây cũng là động lực để mình tạo ra các tác phẩm sống động và hoàn thiện hơn nữa”, Thịnh cho hay.
Một tác phẩm ưng ý của Thịnh