Ứng dụng Dự đoán bệnh (Disease Prediction Application – DPA) giúp người dùng được khám, chẩn đoán bệnh trực tuyến, không cần đến phòng khám, tránh được nguy cơ lây nhiễm chéo tại các địa điểm tập trung đông người. Từ đó, hỗ trợ giảm tải áp lực cho bác sĩ và bệnh viện trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Vừa qua, nhóm sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT Cần Thơ đã phát triển Ứng dụng Dự đoán Dịch bệnh (DPA) để hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc di chuyển tới các cơ sở y tế, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Ứng dụng DPA được thiết kế cho đối tượng phổ thông, hoạt động trên hệ điều hành Android version 8.1 trở lên
DPA là ứng dụng tự động chẩn đoán bệnh dựa trên công nghệ AI Deep Learning. Với cách thức đơn giản, bệnh nhân chỉ cần tải ứng dụng về smartphone và thực hiện thao tác 5 bước: mô tả triệu chứng, chờ xử lý dữ liệu, nhận chẩn đoán lần 1, chờ xác nhận của bác sĩ, nhận đơn thuốc.
Cụ thể, người dùng sẽ được khám bệnh trực tiếp với “bác sĩ ảo”. Sau khi tiếp nhận các triệu chứng bệnh vào hệ thống, chatbot sẽ sử dụng AI Deep Learning – thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên – để phân tích các cơ sở dữ liệu được cung cấp và đưa ra chẩn đoán lần 1 gồm: tên bệnh, mô tả triệu chứng, lời khuyên và đơn thuốc.
Người dùng cung cấp dữ liệu (miêu tả triệu chứng) với chatbot
Chẩn đoán của chatbot dành cho bệnh nhân tham khảo (chưa được bác sĩ xác nhận)
Tiếp đó, “bác sĩ” truy cập hệ thống và xác nhận chẩn đoán, đơn thuốc thông qua đoạn chat của bệnh nhân với chatbot. Trong trường hợp thông tin chưa chính xác, bác sĩ sẽ chỉnh sửa chẩn đoán bệnh cũng như nội dung đơn thuốc để đưa ra kết quả cuối cùng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể liên hệ với người bác sĩ đã xác nhận chẩn đoán đó.
Màn hình hiển thị của bác sĩ và bệnh nhân
Bác sĩ kiểm tra chẩn đoán, đơn thuốc và trả kết quả cuối cùng. Nếu bệnh nhân thắc mắc có thể chọn “liên hệ với bác sĩ” để được giải đáp thêm
Khi sử dụng Ứng dụng Dự đoán bệnh – DPA, bệnh nhân được tư vấn sức khỏe mọi thời điểm, tiết kiệm chi phí khám bệnh và di chuyển, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo tại các nơi tập trung đông người, hỗ trợ giảm tải áp lực cho bác sĩ và bệnh viện trong tình trạng dịch COVID-19. Đặc biệt, Ứng dụng DPA còn hỗ trợ sử dụng giọng nói cho người dùng nếu có khó khăn trong việc sử dụng bàn phím và có thể lưu lại lịch sử phiên khám bệnh để người dùng và bác sĩ có thể thuận tiện theo dõi.
Ứng dụng được thực hiện bởi nhóm sinh viên Lê Nhật Quang, Vũ Văn Hoàng, Kiều Hiếu Thành, Bùi Nguyễn Nhật Tâm, Nguyễn Đặng Quốc Khánh
Được biết, đây là đồ án tốt nghiệp học kỳ Summer 2021 của nhóm sinh viên Lê Nhật Quang, Vũ Văn Hoàng, Kiều Hiếu Thành, Bùi Nguyễn Nhật Tâm, Nguyễn Đặng Quốc Khánh. Ứng dụng cũng nhận được sự hướng dẫn của giảng viên Lương Hoàng Hướng và bác sĩ Trịnh Hoàng Thanh (Bệnh viện Quân y 121) về công nghệ AI, nguồn dữ liệu, đóng góp chuyên môn…
Hiện tại, đồ án của nhóm đã được phát triển thành sản phẩm và kỳ vọng thương mại hóa trong thời gian tới. Giảng viên Lương Hoàng Hướng cho biết: “Ứng dụng có độ hoàn thiện cao, các chức năng đã được Hội đồng chấm thi kiểm tra, thử nghiệm và đánh giá tốt khi có thể dự đoán được 9 loại bệnh cơ bản. Để tiến tới thương mại hóa sản phẩm này, các bạn nên thử nghiệm trước tại cơ sở bệnh viện hoặc phòng khám tư để các bác sĩ biết, sử dụng và cung cấp thêm dữ liệu bệnh khác để hoàn thiện sản phẩm và nâng cao tính thương mại”.
Từ ngày 23 – 28/8/2021, sinh viên Đại học FPT Cần Thơ chính thức bước vào đợt bảo vệ khóa luận tốt nghiệp học kỳ Summer 2021.
Đợt bảo vệ có sự góp mặt của 222 sinh viên và 50 đề tài khóa luận thuộc các ngành/chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Kỹ thuật phần mềm, An toàn và bảo mật thông tin, Kinh doanh quốc tế, Quản trị khách sạn, Thiết kế đồ họa.
Các đề tài của sinh viên ĐH FPT Cần Thơ khai thác đa dạng các lĩnh vực trong đời sống như y tế, giáo dục, trí tuệ nhân tạo, văn hóa – xã hội – lịch sử; đặc biệt có nhiều đề tài hướng tới khắc phục, giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội do dịch Covid-19 gây ra.
Huệ Anh
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn