Trong đợt bảo vệ đồ án kỳ Spring 2023, nhiều sinh viên ĐH FPT không ngại nghiên cứu những đề tài khó bằng các phương pháp mới lạ hay “thực chiến” với những dự án ngành hàng hẹp đầy thách thức, nhận được đánh giá tốt từ Hội đồng chấm tốt nghiệp và doanh nghiệp.
“Học thật, làm thật, thành công thật” với dự án truyền thông cho doanh nghiệp Đạt Foods
Không thực hiện các dự án xã hội phi lợi nhuận, nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thu Thủy, Tan Bean, Nguyễn Đức Bình và Lý Quốc Phong lựa chọn một hướng đi riêng đầy thách thức: xây dựng chiến dịch truyền thông quảng bá cho Đạt Foods – một doanh nghiệp thực phẩm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm. Lĩnh vực nông nghiệp, ngành hàng hẹp, ít case study bài bản của những người đi trước cùng những vấn đề “cơm áo gạo tiền” là những thách thực thực tế mà nhóm phải đối mặt khi lựa chọn lối đi riêng này.
So với các dự án xã hội không đặt nặng vấn đề về lợi nhuận, thì dự án truyền thông cho doanh nghiệp mà nhóm sinh viên lựa chọn đặt ra nhiều bài toán thách thức hơn
Chiến dịch truyền thông của nhóm được nhận định là vô cùng bài bản, khởi đầu với việc nghiên cứu thị trường, định hướng truyền thông và tiếp tục với việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cũng như tổ chức các sự kiện thăm nông trại, tạo cơ hội cho công chúng “tận mắt thấy, tận tay làm” mọi quá trình trồng trọt, thu hoạch, sản xuất, từ đó tạo niềm tin về sự định hướng phát triển bền vững của thương hiệu.
Nhóm sinh viên sẵn sàng “lăn ra đồng” để tổ chức nhiều buổi trải nghiệm đáng nhớ, ví như trải nghiệm nông nghiệp,…
…trải nghiệm sản xuất bơ đậu phộng…
… cùng các hoạt động vui chơi, trưng bày sản phẩm
Theo dõi buổi bảo vệ đồ án, nhiều đại diện doanh nghiệp tỏ ra thích thú trước cách mà nhóm sinh viên thật sự lăn xả vào hoạt động sản xuất kinh doanh cùng doanh nghiệp. Các bạn sẵn sàng đeo ủng, đội nón lá, ra đồng trồng đậu phộng và trò chuyện với những người nông dân để có cái nhìn toàn diện về giá trị mà doanh nghiệp hướng đến. Nhiều chuyên gia đến từ các công ty truyền thông còn bày tỏ sự ấn tượng trước cách nhóm quản lý ngân sách và thực hiện công việc một cách chỉn chu trong khoản ngân sách eo hẹp. Cuối buổi, các chuyên gia đồng tình: Đây không giống như một bài làm của sinh viên, mà giống như một sản phẩm của một team in-house marketing thật sự.
Nhiều đại diện doanh nghiệp đã đến tham dự buổi bảo vệ và bị đồ án của nhóm sinh viên chinh phục
Dự án của nhóm sinh viên tập trung vào việc mang những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đến gần hơn với công chúng, tuy nhiên lại thành công vượt mong đợi khi góp phần tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp lên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một con số vô cùng ấn tượng, khiến cho dự án trở nên khác biệt hoàn toàn so với các bài đồ án khác.
Thể hiện được năng lực và sự nỗ lực của mình, nhóm sinh viên đã bảo vệ đồ án thành công và đón nhận nhiều cơ hội mở ra trước mắt
Được biết, sau khi kết thúc buổi bảo vệ, nhiều cánh cửa cơ hội việc làm đã mở ra với nhóm sinh viên. Doanh nghiệp Đạt Foods cũng ngỏ lời mời hợp tác, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục giữ được “ngọn lửa” mà nhóm đã kỳ công thắp nên.
Nghiên cứu về chỉ số cạnh tranh thúc đẩy FDI
Một trong những khoá luận được Hội đồng chấm tốt nghiệp đánh giá “xuất sắc” là đề tài “How Does Competitiveness Index Promote Foreign Direct Investment At The Provincial Level In Vietnam? A Non-Parametric Approach” (Tạm dịch: “Chỉ số cạnh tranh thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài ở cấp độ tỉnh của Việt Nam như thế nào? Các tiếp cận phi tham số”), được thực hiện bởi nhóm sinh viên Phạm Thị Thuý Quỳnh, Nguyễn Hoàng Anh, Phạm Chí Vinh và Lê Hồng Quân (ĐH FPT).
Dưới sự dẫn dắt của giảng viên hướng dẫn là TS. Nguyễn Phi Hùng (áo kẻ, hàng cuối bên phải), nhóm sinh viên thực hiện khóa luận một cách nghiêm túc, nhận được phản hồi tích cực của Hội đồng Chuyên môn và được đăng trên tạp chí Journal of Mathematics của MDPI với chỉ số Impact Factor (chỉ số đo lường sự trích dẫn) là 2,592.
Bài nghiên cứu đi sâu vào tình hình đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng như đánh giá, phân tích sự thay đổi tổng thể về năng suất hiệu quả FDI của 63 tỉnh thành Việt Nam từ năm 2017–2021 – một chủ đề cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI giữa các địa phương đang ngày một tăng lên mạnh mẽ. Bài nghiên cứu đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc về đánh giá hiệu quả FDI giữa các địa phương tại Việt Nam, là nền tảng để các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư đưa ra những thay đổi phù hợp và những quyết định sáng suốt.
Các thầy cô giáo trong Hội đồng chấm khoá luận tốt nghiệp dành những lời khen cho nghiên cứu của nhóm
Điều khiến cho khóa luận trở nên khác biệt chính là các phương pháp nghiên cứu mới: Mô hình tích hợp của Grey Delphi; Mô hình đo lường độ dư thừa dựa trên Phân tích bao bọc dữ liệu (DEA – Super SBM) và Mô hình Malmquist (DEA–Malmquist). Các phương pháp này được đánh giá là có tính thách thức cao đối với sinh viên ở trình độ đại học, do vậy việc nhóm sinh viên mạnh dạn lựa chọn các phương pháp này và đưa ra được một kết quả chỉn chu đã khiến các thầy cô giáo trong Hội đồng Chuyên môn hết sức ấn tượng.
Không chỉ có ý nghĩa thực tế, bài nghiên cứu còn có ý nghĩa lý luận về mặt học thuật đối với các nghiên cứu về đánh giá hiệu quả FDI, từ đó đề xuất việc đánh giá hiệu quả hoạt động của FDI ở cấp địa phương thay vì cấp quốc gia là cần thiết.
Nhóm sinh viên và GV hướng dẫn (ở giữa) “mãn nguyện” với loạt thành tích đáng tự hào sau buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp
Hội tụ đủ các yếu tố về tính cấp thiết của đề tài, hàm lượng học thuật của nghiên cứu, sự mới mẻ của phương pháp và ý nghĩa trong cả lý luận lẫn thực tiễn, khóa luận của nhóm sinh viên nhận được đánh giá cao từ Hội đồng chấm tốt nghiệp. Ấn tượng hơn cả, bài nghiên cứu còn được đăng trên tạp chí Journal of Mathematics của MDPI với chỉ số Impact Factor (chỉ số đo lường sự trích dẫn) là 2,592 – một thành tựu vô cùng đáng khích lệ đối với sinh viên ĐH FPT.
Thục Anh
Tổ chức Giáo dục FPT