Cô Kel Nguyễn: “Tôi muốn mỗi sinh viên phải có được sự thông hiểu truyền thông"

Là một giảng viên chuyên ngành truyền thông, thế nhưng mấy ai biết được trước đây, cô Kel Nguyễn từng là cử nhân Ngôn ngữ Anh. Vậy điều gì đã khiến cô thay đổi định hướng của mình? Hãy cùng khám phá những chia sẻ về ngành, nghề và trải nghiệm du học tại trời Anh của cô Kel nhé!

 

 

Cô có thể chia sẻ về chuyến du học của mình, đặc biệt là những khó khăn khi chuyển ngành không ạ?

 

Tháng 9, 2018, tôi có cơ hội sang thành phố Manchester, Anh Quốc bắt đầu hành trình học thạc sĩ của mình. Lúc đó, điều ngổn ngang nhất với tôi chính là chuyên ngành mình đang chọn học. Lý do là vì bằng cử nhân của tôi là Ngôn ngữ Anh, còn ngành thạc sĩ tôi sắp phải dành trọn một năm để mài giũa con chữ lại là ngành Báo chí Quốc tế.


Và quả thật, những gì tôi lo lắng cũng xảy ra. Với một người bản xứ, học viết báo đã khó, thì với một du học sinh điều đó lại là một thách thức lớn. Nhưng tôi không đơn độc, bạn cùng lớp của tôi cũng đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên chúng tôi hỗ trợ nhau rất nhiều.

 

 

Không chỉ vậy, các bạn Ăng-lê chính gốc cũng tận tình giúp đỡ những người bạn nước ngoài hiểu rõ hơn vấn đề. May sao, sau vài tháng đầu, mọi thứ đã đâu vào đấy. Tôi đã theo kịp chương trình và hiểu nhiều hơn về quy định viết báo cũng như những yêu cầu khắt khe khi viết tin theo tiêu chuẩn quốc tế.


Điều mà tôi thích nhất trong chương trình học đó là chúng tôi phải đi phỏng vấn và phải tự thực hiện những bản tin theo đúng với yêu cầu thời đại kỹ thuật số đang đòi hỏi. Thế nhưng kỷ niệm không bao giờ quên của tôi đó là được tham quan BBC, đài truyền thông quốc gia của Anh, tọa lạc ngay cạnh khuôn viên trường của tôi. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời cho những ai muốn theo đuổi lĩnh vực này.


Hiện tại, điều mà tôi quan tâm hàng đầu là bản thân vận dụng những gì đã học truyền đạt lại cho các bạn sinh viên tại trường Đại học FPT Cần Thơ như thế nào. Các bạn đang sống trong kỷ nguyên của thông tin. Mỗi bước chân, mỗi cú chạm của các bạn đều là thông tin và content. Vậy các bạn đã hiểu và đánh giá được đâu là nội dung đáng tin, và đâu là nội dung phải cẩn trọng khi tiếp cận chưa?

Thế là trong những giờ học trên lớp, không chỉ hướng dẫn sinh viên nắm kiến thức liên quan của ngành, mà hơn hết tôi muốn mỗi bạn phải có được sự thông hiểu truyền thông (media literacy). Nhờ vậy, nhìn lại chặng đường du học của mình và công việc hiện tại, tôi thấy mình tận dụng rất nhiều những gì tôi góp nhặt được ở xứ người để giúp cho các bạn sinh viên có cái nhìn sâu hơn về chuyên ngành truyền thông đa phương tiện.

 

Cô có thể kể về những trải nghiệm ở nơi cô du học không ạ?

 

Ngoài giờ học thì tôi có đi làm thêm và có tham gia làm tình nguyện viên cho một tổ chức chuyên hỗ trợ người vô gia cư.

Nếu trên lớp học, giáo viên và bạn cùng lớp cho tôi những kiến thức mới mẻ trong học thuật, thì đi làm thêm và tham gia hoạt động xã hội giúp tôi hiểu rõ hơn về văn hóa cũng như đời sống thực tế ở thành phố Manchester, nơi bắt đầu Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ I lừng lẫy. Thế nên nếu các bạn có cơ hội trải nghiệm ở một đất nước mới thì đừng chỉ đi đến trường rồi về nhà thôi nhé.

Lúc đó tôi đăng ký được vào tổ chức Coffee4Craig, một nơi thiện nguyện chuyên giúp người vô gia cư có thức ăn và chỗ nghỉ vào buổi tối ở Manchester. Chắc bạn nghĩ lạ đúng không, vì một đất nước giàu thuộc top năm thế giới mà lại có tình trạng nhiều kẻ không nhà như thế? Tôi cũng tò mò, và dành thời gian để tìm hiểu vấn đề đó. Điều làm tôi ngạc nhiên là số lượng người lang thang trẻ tuổi ở Anh ngày một tăng, và đặc biệt mùa đông là thời điểm khó khăn nhất với họ.

Trong quá trình hoạt động tại Coffee4Craig, tôi được dạy một vài kỹ năng để tương tác hiệu quả với mọi người. Ví dụ, tôi được dặn dò là đa số những người đến đây họ đều có vấn đề về tâm lý, cho nên phải hết sức cẩn trọng khi giao tiếp.

Thật vậy, có buổi tôi đang loay hoay trong quầy phục vụ thì bên ngoài có hai người lớn tiếng, đập bể chén dĩa. Lúc đó, tôi cũng “rén” ngang. Tiếc là thời gian tôi ở Coffee4Craig không nhiều vì lịch học và lịch đi làm đổi liên tục. Nếu tôi có cơ hội quay lại, tôi sẽ sắp xếp để đến đó nhiều hơn.

Nhờ tham gia các tổ chức như thế, tôi mới thấy được một khía cạnh không mấy đẹp đẽ của Anh Quốc, nơi vốn xa xưa có tiếng là “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”.

 

 

Tại sao cô lại chọn Đại học FPT Cần Thơ để giảng dạy? Cô nhận xét ĐH FPT Cần Thơ so với môi trường du học của mình như thế nào?


Một ngày giữa tháng Năm, tôi lướt Facebook thấy bản tin tuyển dụng của Tổ chức Giáo dục FPT. Khi tôi vào xem thì đúng lúc trường Đại học FPT Cần Thơ đang tuyển giảng viên chuyên ngành Truyền thông Đa Phương tiện. Tôi lên website của trường, đọc qua chương trình của ngành và tìm hiểu về trường, rồi tôi chỉnh lại CV rồi gửi đơn ứng tuyển ngay.

Có hai lý do tôi chọn trường ĐH FPT Cần Thơ. Một, đó là vì đây là môi trường năng động, cởi mở, tạo nhiều cơ hội để giảng viên phát huy hết khả năng. Và lý do thứ hai đó là chương trình học rất quốc tế và đi đúng theo sứ mệnh của trường đó là “Cung cấp năng lực cạnh tranh toàn cầu cho đông đảo người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước”.

Trong khoảng thời gian du học, tôi có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người Việt giỏi giang. Họ tự tin đảm nhiệm nhiều vai trò, vị trí lớn nhỏ khác nhau ở nước bạn, tôi rất ngưỡng mộ họ. Vì vậy, khi biết hướng đi của trường là đào tạo những lứa sinh viên đủ khả năng và kỹ năng vươn mình ra thế giới, thì tôi đã muốn đồng hành với trường ngay.

Trong khoảng thời gian làm việc, tôi thấy trường ĐH FPT Cần Thơ có vài điểm tương đồng với trường Đại học Salford, nơi tôi hoàn thành chương trình thạc sĩ năm 2019. Đầu tiên là chương trình học khá giống nhau. Đơn cử là môn Media Writing (Viết cho truyền thông), đây là môn tôi thấy nội dung khớp đến khoảng 60-70% so với một môn tôi từng học ở trường cũ.

 


Tương tự, trong nội dung học, các bạn sinh viên được nhấn mạnh vào đạo đức nghề nghiệp, một vấn đề cực kỳ quan trọng khi làm truyền thông. Đó cũng là những gì tôi cũng đã được các giảng viên ở Salford trang bị rất kỹ.

Ngoài ra, ở trường ĐH FPT Cần Thơ và cả trường đại học cũ của tôi, sinh viên tự do thể hiện bản thân về mặt học thuật lẫn kỹ năng cá nhân. Điều đó cho thấy sinh viên Đại học FPT Cần Thơ đang chạm rất gần với môi trường quốc tế.

Kết

 
Kết thúc buổi phỏng vấn với cô Kel Nguyễn, tôi nhận ra có nhiều điều thú vị đang chờ mình ở phía trước. Cuộc sống là tập hợp của vô vàn sự trải nghiệm, nếu bạn không thử, bạn chắc chắn không biết ngoài kia còn bao chuyện hay ho.

Tin tức Liên quan