Đại học FPT Cần Thơ

Giảng viên điển trai kể chuyện “vừa học vừa làm” của SV Truyền thông đa phương tiện Trường ĐH FPT

Theo thầy Phạm Minh Nhựt, sinh viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện Trường ĐH FPT có nhiều cơ hội thực hành nghề nghiệp ngay trong quá trình học tập. Tích luỹ được kiến thức, kỹ năng thực tế, từ đây các bạn có lợi thế khi bước vào thị trường lao động rất ‘hot’ và nhiều thách thức của ngành truyền thông.

Thầy Phạm Minh Nhựt là giảng viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ. Trước khi đến với công việc này, thầy Nhựt từng làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở nhiều vai trò, vị trí khác nhau trong một số dự án của các thương hiệu và đài truyền hình lớn.

 

Thầy Phạm Minh Nhựt hiện là giảng viên Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ

“Lăn lộn” với nghề, giảng viên 9X thấu hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp đối với nhân sự trẻ. “Tôi mong muốn truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm của mình tới các bạn trẻ yêu thích và chọn theo đuổi ngành truyền thông”, thầy Nhựt nói. Chọn cho mình phong cách đào tạo “thực chiến”, và vừa vặn phong cách ấy lại rất hợp với môi trường đào tạo tại Trường ĐH FPT, thầy Nhựt cảm thấy “như cá về với nước” khi có nhiều cơ hội cùng sinh viên “vừa học vừa làm”.

“Điều sinh viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ thích nhất là được thực hành kỹ năng làm việc thực tế, cọ xát với môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay khi đang học”, thầy Nhựt chia sẻ. Trong các học phần do mình đứng lớp, thầy Nhựt luôn cố gắng truyền đạt tới sinh viên kiến thức chuyên ngành cơ bản kết hợp cùng hoạt động trải nghiệm nghề thực tế.

 

Thầy Nhựt áp dụng các phương pháp, hoạt động học tập có tính thực tiễn cho sinh viên

 

Thầy Nhựt chia sẻ về một hoạt động học tập kết hợp thực hành: “Trong học phần Photography for Design, sau khi chia sẻ các kiến thức cơ bản với sinh viên trên lớp, tôi tổ chức cho các bạn một buổi workshop về nhiếp ảnh. Các bạn được giới thiệu thực tế về máy ảnh, các phong cách chụp ảnh và thực hành theo nhóm luôn sau workshop. Cuối kỳ, tôi tổ chức triển lãm trưng bày sản phẩm của các bạn”.

Theo giảng viên này, qua những giờ học như vậy, sinh viên Trường ĐH FPT sẽ vừa được học kiến thức chuyên ngành bài bản, vừa được thực tập kỹ năng nghề, được nhận xét, đánh giá từ giảng viên và cả bạn bè cùng học. “Ngoài ra, các em sẽ có những thấu cảm với cuộc sống thực tế, với nghề nghiệp. Điều này rất quan trọng để sinh viên phát huy sức sáng tạo, bồi đắp cảm xúc, có được những sản phẩm truyền thông tốt cũng như một thái độ làm nghề tốt”, giảng viên Minh Nhựt phân tích.

 

Sinh viên Truyền thông đa phương tiện có thể thực hành trong studio hiện đại. Trong ảnh, thầy Nhựt đang kiểm tra các thiết bị ghi âm, ghi hình trong studio trước khi vào bài giảng

Cũng theo thầy Nhựt, Trường ĐH FPT tạo điều kiện để sinh viên được học tập trong môi trường hiện đại, có các phương tiện kỹ thuật phục vụ việc thực hành. Đầu năm 2024, Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ khánh thành studio thực hành chuyên biệt cho sinh viên. Studio với máy ảnh, máy quay phim, micro thu âm, màn hình smartTV cỡ lớn, hệ thống đèn chiếu sáng theo tiêu chuẩn studio chuyên nghiệp… Phòng được chia thành khu vực thực hiện ghi hình, chụp ảnh và khu vực thực hiện ghi âm, sản xuất âm thanh.

Bên cạnh đó, sinh viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện có thể thử sức ở nhiều vai trò: tổ chức sản xuất, đạo diễn sự kiện, biên tập hậu kỳ… tại các sự kiện do các CLB sinh viên và Trường tổ chức. Từ năm ba, sinh viên được thực tập doanh nghiệp. Và với những trải nghiệm, kỹ năng thực tế được trau dồi qua các bài tập, dự án, sự kiện tại Trường, nhiều sinh viên có cơ hội làm việc trong các dự án lớn hoặc được doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau kỳ thực tập.

 

Thầy Nhựt (áo vest xanh) cùng sinh viên trong workshop kỹ năng. Thầy Nhựt là một trong những giảng viên xuất sắc học kỳ vừa qua tại Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ

Từ kinh nghiệm của mình, thầy Nhựt chia sẻ một bí quyết để các bạn trẻ tạo “unique selling point” cho mình khi theo đuổi ngành truyền thông thời đại số. “Đó là thành thạo sử dụng công cụ số. Như sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện Trường ĐH FPT sẽ được hướng dẫn, thực hành để sử dụng được các công cụ phần mềm, máy quay phim, chụp ảnh, hậu kỳ video, viết nội dung…”

“Dấn thân và trải nghiệm, vừa học vừa trau dồi kỹ năng thực tế, chắc chắn các bạn trẻ có thể tiến xa trong ngành truyền thông”, giảng viên Trường ĐH FPT nhắn nhủ tới các 2k6 đang có dự định lựa chọn ngành học này.

Được biết năm 2024 Trường ĐH FPT tuyển sinh các ngành: Công nghệ thông tin (Công nghệ ô tô số, Kỹ Thuật Phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Thiết kế mỹ thuật số), Quản trị kinh doanh (Digital Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành, Tài chính); Công nghệ truyền thông (Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng), Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Trung Quốc.

Thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường ĐH FPT khi: thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh Hệ đại học chính quy năm 2024 của Trường; Đạt xếp hạng Top50 theo học bạ THPT năm 2024.

Ngoài ra, thí sinh có thể xét tuyển vào trường bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo tổ hợp môn Toán và 2 môn bất kì. Điểm trúng tuyển sẽ công bố cụ thể sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Chứng nhận xếp hạng THPT thí sinh thực hiện trên trang http://SchoolRank.fpt.edu.vn

 

Theo Kênh 14

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *