Chủ đề “Nguồn” là chủ đề không còn xa lạ đối với các thí sinh của FPT Edu Color Up 2022. Nhưng làm thế nào để có thể có được những đề tài độc đáo nhất và cho ra đời những tác phẩm xuất sắc nhất? Vậy hãy cùng tham khảo những gợi ý tìm cảm hứng “thử phát ăn ngay” từ các thầy cô nhà mình nhé!
Kinh nghiệm 6 bước tìm cảm hứng và sáng tạo
Đây là gợi ý “siêu chất lượng” từ cô Phan Mai Chi – GV TKĐH tại FPTU và BTEC TP. HCM. Theo cô Chi, 6 bước này chính được đúc rút ra từ những “kinh nghiệm nho nhỏ” trong quá trình học tập và làm việc của cô.
“Để tìm được nguồn cảm hứng để tạo ra những sản phẩm chất lượng từ chủ đề “Nguồn” của cuộc thi năm nay, cô xin chia sẻ một số kinh nghiệm nho nhỏ của bản thân, hi vọng chúng sẽ giúp ích cho các bạn có được nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm.
1. Đọc hiểu và phân tích chủ đề “Nguồn” để hiểu “Nguồn – the origin” có nghĩa là gì, và một thiết kế có liên quan đến chủ đề này sẽ nên là gì (làm việc nhóm sẽ giúp bước này diễn ra tốt hơn).
2. Liệt kê những lựa chọn của bạn, kể cả những điều bạn thích và không thích, nên và không nên làm (bám sát vào chủ đề để đừng bị lạc đề). Nhiều lựa chọn sẽ giúp ý tưởng của bạn được thông suốt và đa dạng hơn, khả năng chọn được một ý tưởng thiết kế phù hợp với chủ đề sẽ cao hơn.
3. Thu thập ý tưởng từ chính cuộc sống về văn hoá, tín ngưỡng, chất liệu dân gian,… trong văn hoá truyền thống của người Việt, và từ chính cuộc sống của bạn
4. Mở rộng sự hiểu biết của bạn về văn hoá truyền thống và tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam.
5. Tìm kiếm và thu thập tất cả những tư liệu liên quan.
6. Đừng quên phác thảo càng nhiều ý tưởng càng tốt, chắc chắn rằng sẽ có một bản phác thảo ý tưởng vượt trội sẽ được tìm ra.”
Tìm cảm hứng từ chính cuộc sống muôn màu
Đối với thầy Nguyễn Hồng Trường – Chủ nhiệm bộ môn TKĐH, Greenwich Việt Nam (cơ sở Hà Nội), chủ đề Nguồn là một chủ đề khá thú vị. Bản thân mỗi người có thể hiều chủ đề này theo nhiều góc độ và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, để đem tới những sản phẩm gần gũi với người xem, các thí sinh có thể tìm đề tài từ chính cuộc sống muôn màu xung quanh chúng ta.
Theo thầy Trường, chỉ cần quan tâm, để ý, dành thời gian theo dõi và quan sát kỹ một chút, mỗi người đều có thể tìm thấy cho mình những góc nhìn riêng, có cảm hứng sáng tạo từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống. Điều quan trọng hơn là hãy thổi vào đó cảm nhận và cá tính riêng của bản thân để khiến cho tác phẩm mang màu sắc và tinh thần của riêng bạn.
Bên cạnh đó, thầy Trường cũng đánh giá khá cao cuộc thi FPT Edu Color Up khi nhận định: “Tham gia FPT Edu Color Up sẽ là cơ hội tốt để cho các bạn trẻ được giao lưu, cọ sát, là bước đệm để đưa sản phẩm của mình đến được với rộng rãi công chúng trong và ngoài Tổ chức Giáo dục FPT”.
Cần kích hoạt và đánh thức cảm hứng sáng tạo từ bên trong
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyền – GV Thiết kế đồ họa, Greenwich Việt Nam (cơ sở Cần Thơ), đối công việc sáng tạo, đặc biệt liên quan tới truyền thống văn hóa dân tộc, để tạo ra một sản phẩm nghệ thuật hoàn thiện, ý tưởng và trình độ thẩm mỹ là điều kiện CẦN, thì bề dày về kiến thức lịch sử, giá trị văn hoá là điều kiện ĐỦ. Chính bởi vậy, các thí sinh cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản liên quan tới đề tài mà bản thân đang hướng tới đồng thời đánh thức cảm hứng sáng tạo ngay từ sâu bên trong bản thân mình.
“Để nắm bắt được những ý tưởng cho “NGUỒN”, các bạn thí sinh có thể bắt đầu với một số cách thức kích hoạt cảm hứng và tích lũy kiến thức như:
• Tìm cảm hứng từ chính niềm đam mê, yêu thích của bản thân có liên quan đến các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể.
• Đưa ra những quan điểm và lý do cần triển khai thiết kế, đưa ra luận điểm, lý do, sàng lọc ý kiến thêm từ người thân…
• Làm dày thêm kiến thức, hiểu biết bằng cách tham quan di tích, trải nghiệm hoạt động văn hoá truyền thống, các hoạt động cổ truyền của gia đình, địa phương, quê hương, dân tộc, trao đổi với người lớn tuổi, có kinh nghiệm trong gia đình…
• Chú trọng hơn các nội dung nghệ thuật muốn hướng đến, ví dụ như hoa văn, hoạ tiết, âm thanh… để có những “tiêu điểm” về mặt thẩm mỹ trong quá trình lên ý tưởng đến hoàn thiện thiết kế.
• Để có một sản phẩm hiệu quả cần có phương pháp làm việc khoa học kết hợp ý tưởng, tư duy chứ không nên cho rằng làm nghệ thuật chỉ lệ thuộc “cảm hứng”. Cần có kế hoạch, quy trình, tiến độ… trong quá trình sáng tạo, xử lý thông tin mạch lạc. Nhưng cũng lưu ý rằng, tiến độ không cần quá cứng nhắc, nhanh chậm tuỳ vào năng lực và điều kiện từng người.”
Bên cạnh đó, cô Tuyền cũng nhấn mạnh: “Nghệ thuật muốn hướng tới chuyên nghiệp và thành công thì không chỉ lệ thuộc “cảm hứng” mà phải có phương pháp và kế hoạch khoa học. Đồng thời, nuôi dưỡng truyền thống không có nghĩa là giữ nguyên các thiết kế cũ kỹ, mà cần bắt kịp xu thế, cải thiện chất lượng, đổi mới hình thức, tăng cường độ bền. Để các tác phẩm nghệ thuật có thể hòa vào mạch chảy và phát triển của giá trị truyền thống, để hòa nhập với sự phát triển của thời đại nhưng không “hòa tan”, không đánh mất nhận diện của dân tộc và quốc gia”.
Lấy ý tưởng từ thiên nhiên, nguồn gốc văn hóa, lịch sử
Cô Cao Diệu Linh – GV TKĐH FPTU Hà Nội cho biết, việc tìm ý tưởng cảm hứng trước khi sáng tạo là một việc rất quan trọng, đã được nhà trường đưa vào chương trình học của ngành Thiết kế đồ họa của Trường ĐH FPT. Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, độc đáo, phù hợp với cuộc thi, các bạn thí sinh của FPT Edu Color Up 2022 có thể tham khảo quá trình hình thành ý tưởng từ chính những bài học này. Ở đây, đối với chủ đề Nguồn, một chủ đề rất hay và gần gũi, các bạn thí sinh có thể tìm cảm hứng và lấy ý tưởng ngày từ thiên nhiên, từ nguồn gốc văn hóa, lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam ta. Điều quan trọng hơn nữa là, sau khi tìm được ý tưởng phù hợp, các bạn thí sinh cần đưa ra các phương án phù hợp với chủ đề, nội dung của cuộc thi và cần có lý giải sao cho thuyết phục.
Bằng những gợi ý cụ thể, thực tế và dễ áp dụng từ các thầy cô TKĐH, mong rằng các bạn thí sinh của FPT Edu Color Up sẽ có thể tìm thấy những cảm hứng và ý tưởng phù hợp với chủ đề Nguồn và sớm đem tới cuộc thi những tác phẩm xuất sắc nhất.
Theo FPT Education