Đề cập đến sự tiếp nhận của cá nhân người học, 2 nghiên cứu giành ‘Best Paper’ tại Hội thảo FCLE 2024

Ngày 21/1, 32 bài nghiên cứu đã được trình bày tại Hội thảo Khoa học Ngôn ngữ và Giáo dục – FCLE 2024. Trong đó, các chủ đề nghiên cứu về sự tiếp nhận của cá nhân người học trong quá trình dạy và học ngôn ngữ được nhiều diễn giả đưa ra phân tích tại Hội thảo.

Trường học là nơi phát triển nguồn nhân lực với các nhóm kỹ năng cần thiết cho người học. Vì thế, cần có phương pháp giúp cho học sinh, sinh viên nâng cao quá tiếp nhận của bản thân, thúc đẩy việc học tập suốt đời bằng cách phát triển nhu cầu, động cơ nhận thức và kỹ năng tự học cho họ.


Bàn về chủ đề liên quan đến sự tiếp nhận của cá nhân người học, Hội thảo nhận được nhiều bài nghiên cứu của các giảng viên, chuyên gia đến từ các trường đại học trong và ngoài nước


Đặng Thị Thanh Vân, tác giả tham luận “Individual Differences in Metacognitive Reading Strategy Usage (MRSU) and Correlation between MRSU and Reading Comprehension Performance” đã tiến hành nghiên cứu với mục tiêu tìm hiểu thực trạng và đưa ra giải pháp cần thiết về việc sử dụng chiến lược đọc siêu nhận thức (Metacognitive Reading Strategy Usage – MRSU) của sinh viên Trường ĐH FPT Hà Nội – nơi kỹ năng đọc đóng vai trò then chốt trong toàn bộ quá trình học tập của sinh viên.

Theo diễn giả, việc dạy chiến thuật học đọc cho sinh viên cần áp dụng thêm MRSU bởi nhận thức là mức độ thấp nhất trong quá trình học, sinh viên cần có nhận thức thì mới đánh giá được chiến thuật, từ đó lựa chọn chiến thuật và có kế hoạch sử dụng hiệu quả. Thứ hai, dạy chiến thuật thôi chưa đủ mà còn phải biến nó thành kĩ năng dạng automatic, sinh viên vào bài học là tự động biết dùng chiến thuật nào từng vấn đề.

“Kết quả nghiên cứu này hoàn toàn có thể mở ra với các cấp học khác. Tuy nhiên, học sinh phổ thông hiện nay chủ yếu sử dụng Skimming Scanning và Identify Main Idea nên áp dụng chưa được nhiều như với sinh viên. Tại Trường ĐH FPT Hà Nội, khối dự bị có 2 khoá học về chiến thuật học đọc nên tôi muốn tìm hiểu và đưa ra giải pháp phù hợp. Hi vọng kết quả rất nhỏ này có thể ứng dụng rộng rãi trong thời gian tới”, diễn giả Đặng Thị Thanh Vân chia sẻ.


Giá trị thực tiễn của bài nghiên cứu giúp tác giả giành giải Best Paper tại Hội thảo FCLE 2024


Trong những năm gần đây, giảng dạy trực tuyến được coi là một phương pháp thay thế quan trọng trong việc duy trì hoạt động của nền giáo dục. Trước các ý kiến lo ngại về hiệu quả trong việc dạy và học, nhóm giảng viên Trường ĐH Việt – Đức (Bình Dương) và Trường ĐH FPT TP Hồ Chí Minh đã cùng thực hiện nghiên cứu “Learner Engagement: A Comparative Analysis between Online and Offline Teaching”.

Nghiên cứu xem xét mức độ tham gia của người học khi tham gia học trực tuyến và trực tiếp thông qua 4 khía cạnh: kỹ năng, tương tác, cảm xúc và hiệu suất. Phương pháp nghiên cứu hỗn hợp cho thấy việc học trực tuyến thu được ít lợi ích hơn học trực tuyến, tức là người học không nhận được hiệu quả tốt nhất ở cả 4 khía cạnh cũng như mức độ nỗ lực cũng không cao bằng. Kết quả của nghiên cứu này giúp các giáo viên, chuyên gia giáo dục hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của môi trường học tập trực tuyến và ngoại tuyến đến sự tham gia của người học.


Trần Ngọc Tiến, Lữ Văn Tuấn và Nguyễn Thị Tôn Nữ Phương Linh là nhóm giảng viên được trao “Best Paper’ trong đó anh Lữ Văn Tuấn (áo vest đen) đại diện nhóm nhận chứng nhận


“Motivation and Demotivating Factors in English Speaking Learning: A Case Study of Grade 12 Students at a High School in Viet Nam” của tác giả Bùi Kiều Diễm (Trường ĐH FPT Cần Thơ) nhấn mạnh vai trò quan trọng của động lực trong việc học ngoại ngữ thứ hai hoặc ngoại ngữ, bao gồm: mục tiêu, thái độ, mong muốn và nỗ lực cá nhân.

Qua thu thập dữ liệu thông tin, tác giả nhận thấy các yếu tố gây mất động lực ảnh hưởng đến trình độ nói tiếng Anh của sinh viên phần lớn đến từ động lực bên ngoài. Đáng chú ý, các yếu tố liên quan đến hành vi của giáo viên lại có ảnh hưởng lớn nhất tới việc giảm động lực học nói tiếng Anh, tiếp theo là những thách thức liên quan đến tài liệu học tập và các yếu tố môi trường. Hơn nữa, những người tham gia nhấn mạnh vai trò then chốt của môi trường học tập hỗ trợ trong việc khơi dậy động lực của họ.


Tác giả Bùi Kiều Diễm trong phiên trình bày nghiên cứu của mình


Sự tiếp nhận của cá nhân người học là yếu tố quan trọng để hoạt động dạy và học đạt hiệu quả cao nhất. Các nghiên cứu cùng với trao đổi trực tiếp với chuyên gia tại Hội thảo đã mở ra những giải pháp, ý tưởng cho việc thay đổi phương pháp đào tạo ngôn ngữ tại trường học hiện nay.



Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

Tin tức Liên quan