Trường Đại học FPT đạt thứ hạng 601-800 trên bảng xếp hạng đại học toàn cầu về phát triển bền vững “THE Impact Rankings”, thành công thăng hạng và ghi dấu ấn với SDG 4 – Giáo dục có chất lượng.
Đại diện nhà trường cho biết, đây là năm thứ 2 Trường Đại học (ĐH) FPT tham gia bảng xếp hạng “THE Impact Rankings” do tạp chí giáo dục đại học Times Higher Education (THE) công bố.
Theo công bố xếp hạng năm 2023 của “THE Impact Rankings”, Trường ĐH FPT xếp vào nhóm 601-800 các trường đại học tham gia trên toàn cầu, thành công thăng hạng từ nhóm 801-1.000 của xếp hạng năm 2022.
Trường ĐH FPT thăng hạng lên nhóm 601-800 với xếp hạng đại học toàn cầu về phát triển bền vững THE Impact Rankings (Ảnh: ĐH FPT).
Năm nay, Trường ĐH FPT tham gia bảng xếp hạng “THE Impact Rankings” năm 2023 ở 5 mục tiêu: SDG 4 – Giáo dục có chất lượng, SDG 8 – Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, SGD 11 – Thành phố và cộng đồng bền vững, SDG 16 – Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh và SDG 17 – Hợp tác toàn cầu vì các mục tiêu phát triển bền vững.
SDG 4 – Giáo dục có chất lượng của Trường ĐH FPT nằm trong xếp hạng 201-300 đại học toàn cầu (Ảnh: ĐH FPT).
Trong đó, mục tiêu SGD 4 – Giáo dục có chất lượng của Trường ĐH FPT được đánh giá cao với thứ hạng 201-300 trong số 1.304 trường đại học toàn cầu và đứng thứ 2 trong các trường đại học Việt Nam tham gia xếp hạng, sau Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với SDG 4 này, Trường ĐH FPT đạt điểm gần như tối đa (98,5/100 điểm) cho hạng mục “học tập suốt đời của người học” nhờ chương trình đào tạo chú trọng việc trang bị cho sinh viên năng lực tự học và rèn luyện kỹ năng học tập chủ động, thích nghi tốt với môi trường học tập đa dạng, lượng kiến thức lớn, thay đổi nhanh chóng.
Bên cạnh đó, trường còn có chính sách cấp tài khoản Coursera miễn phí tới cựu sinh viên, nhằm khuyến khích và hỗ trợ cựu sinh viên học tập suốt đời, cũng như góp phần nâng cao khả năng học tập của cộng đồng.
Trường cũng đạt gần 80/100 điểm cho hạng mục “thế hệ đầu tiên học đại học” với các chính sách giúp khuyến khích và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho thí sinh là thế hệ đầu tiên trong gia đình đặt chân vào đại học.
SGD 4 – Giáo dục có chất lượng là mục tiêu được xây dựng nhằm đánh giá trường đại học phát triển giáo dục có chất lượng giúp hỗ trợ xã hội phát triển bền vững.
Trường ĐH FPT đạt mức điểm cao với hạng mục giúp người học có năng lực học tập suốt đời (Ảnh: ĐH FPT).
Ngoài ra, một mục tiêu khác của Trường ĐH FPT tham gia xếp hạng là SDG 11 – Thành phố và cộng đồng bền vững cũng được đánh giá cao với thứ hạng 101-200 và đứng đầu các trường đại học Việt Nam tham gia xếp hạng.
“Đây là mục tiêu được Trường ĐH FPT thiết lập và duy trì từ năm 2022, với mong muốn bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống, hòa hợp với mục tiêu phát triển bền vững chung”, đại diện ĐH FPT cho hay.
Mục tiêu SDG 17 – Hợp tác vì các mục tiêu SDG là mục tiêu bắt buộc với 100% các trường đại học tham gia bảng xếp hạng, đồng thời là mục tiêu có hàm lượng đánh giá về chất lượng giáo dục đào tạo cao nhất trong số 17 mục tiêu. Tại mục tiêu này, Trường ĐH FPT cũng được xếp hạng thuộc nhóm 401-600.
Trong số các trường đại học trên toàn cầu tham gia bảng xếp hạng “THE Impact Rankings năm 2023”, những tên tuổi trong nhóm dẫn đầu vẫn thuộc về các trường đại học lâu đời trên thế giới. Bên cạnh đó, những trường đại học trẻ nằm ở các quốc gia năng động về phát triển xã hội và quan tâm đầu tư cho giáo dục cũng dần xuất hiện và chiếm các thứ hạng đáng kể trong bảng phân tầng xếp hạng toàn cầu này.
Điều đó cũng thể hiện xu hướng mới của nhiều nền giáo dục trên thế giới khi quan tâm đến phát triển đào tạo theo chuẩn bền vững của Liên Hợp quốc, phù hợp với xu thế phát triển chung của chính trị, kinh tế, xã hội thế giới.
Năm 2023 Trường ĐH FPT là một trong 9 trường đại học tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng, cũng là trường đại học có sự bứt phá đáng kể trong các tiêu chí SDGs.
Trường ĐH FPT cũng xếp thứ 2 Việt Nam trong bảng xếp hạng này ở mục tiêu SDG 4 – Giáo dục có chất lượng. Các trường đại học khác của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng gồm ĐH Quốc Gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM.