Đại học FPT Cần Thơ

Cô Tạ Thị Thảo Quyên – Giảng viên Bộ môn Biz Đại học FPT Cần Thơ: Words must be weighed, not counted

8 Tháng tư, 2022 Không có bình luận

Có thể nói, cuộc sống là một hành trình trải nghiệm, và chúng ta sẽ đánh dấu nó bằng những cột mốc trong đời mình. Đó có thể là những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ hay những lần thử thách bản thân bằng một điều mới lạ… Để rồi ta chợt nhận ra, hành trình này đã đem đến cho ta những kiến thức vô tận về cuộc sống và từng ngày, ta cũng dần trưởng thành hơn.

 

 

 
Trong cuộc gặp gỡ với Cô Tạ Thị Thảo Quyên – Giảng viên Bộ môn Biz Đại học FPT Cần Thơ ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng lắng nghe và chia sẻ về những câu chuyện thú vị mà cô đã trải qua trong hành trình của mình nhé!

10 năm khám phá bản thân với trải nghiệm “đa nghề”
Tính đến nay cô đã đi làm được hơn 10 năm với nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Công việc đầu tiên là ở công ty Hàng không quốc gia Việt Nam. Sau đó, cô về công tác tại công ty Gadgetfix. Đến năm 2014, cô làm việc tại công ty Labiofam Việt Nam và sau này cô cũng đã tích lũy thêm kinh nghiệm 1 năm làm việc công ty Bất động sản Thủ Thiêm River Park. Hiện tại, cô đang tự kinh doanh cho chính mình và đồng thời bén duyên với công việc giảng dạy tại Đại học FPT Cần Thơ.

 

 

Điều cô luôn tự nhủ với lòng là hãy “Uốn lưỡi 3 lần trước khi nói”
Ngày trước, người sếp và cô giáo cũ của cô có nói là “tính cô hay bộp chộp và nhanh nhảu đoảng”, nên nhiều khi vì mình không suy nghĩ cẩn thận nên có thể lời nói hay hành động của mình có thể khiến người khác buồn lòng. Hoặc có khi lời mình nói không mang lại lợi ích mà còn làm “bể chuyện” nữa :)). Vì thế mà cô cũng rút kinh nghiệm cho bản thân và cải thiện dần khuyết điểm này, khi mình muốn nói điều gì đều sẽ suy nghĩ cẩn thận, “uốn lưỡi 3 lần trước khi nói”.

 

 

Cô đến với trường F đâu đó cũng vì chữ “duyên”
Thật ra, từ khi cô còn bé, cô đã có niềm yêu thích với việc “trao đổi kiến thức” cùng người khác, một phần cũng vì ảnh hưởng từ gia đình khi nhiều thế hệ trong nhà đều gắn bó với nghề “nhà giáo”. Thời điểm cô kết thúc công việc ở công ty Bất động sản Thủ Thiêm River Park, cô bắt đầu tìm kiếm một công việc mới, lúc đó cô nhìn thấy tin tuyển dụng của Trường Đại học FPT Cần Thơ, cô cũng suy nghĩ “mình có nên nộp không ta” vì cô cũng chưa từng đi dạy học trước đó. Nhưng thấy mình cũng có niềm yêu thích và nghĩ đây có lẽ cũng là một cơ duyên, thế là cô nộp đơn vào trường :)).

Khi đi làm, cô nghĩ điều quý giá nhất là “tình đồng nghiệp”
Sau hơn 10 năm gắn bó ở nhiều vị trí, được cộng tác và làm việc với nhiều người khác nhau. Cô nghĩ điều quý giá nhất với mình là “tình đồng nghiệp”, đặc biệt là sự tương tác giữa sếp và nhân viên. Vai trò của người sếp rất quan trọng, không chỉ bởi tài năng và kinh nghiệm chuyên môn, mà còn là ở cách họ dẫn dắt, quan tâm nhân viên. Yếu tố này sẽ quyết định bầu không khí ở môi trường làm việc có thoải mái hay không, mọi người có gắn kết với nhau không, và nhân viên sẽ có thể hay không sẵn sàng cống hiến, cố gắng hết mình thậm chí không ngại việc sẽ phải làm thêm giờ.

Cô nhớ năm 2006, lúc cô mới “chập chững” đi làm, mọi thứ còn rất bỡ ngỡ. Lúc đó nơi cô làm việc chỉ có 7 người, văn phòng ở chi nhánh Cần Thơ do vừa mới mở nên còn nhiều việc cần sự chung tay sắp xếp của mọi người. Nhân viên thì ai cũng “chất ướt chân ráo” nhưng luôn hỗ trợ nhau trong công việc, cùng nhau chia sẻ niềm vui, trách nhiệm, công việc, khó khăn. Có những lần khi xảy ra sai sót, tuy một người phạm lỗi nhưng cả nhóm cùng nhau gánh vác. Bởi mới thấy “tình đồng nghiệp” đáng quý biết chừng nào.

Cũng có lẽ do từ những ngày đầu cô đã gặp gỡ và đồng hành với nhiều vị sếp “có tâm có tầm”, đồng nghiệp thì “hoạn nạn không bỏ nhau” nên sau này khi làm việc ở bất kỳ nơi đâu, cô đều quan tâm và xem xét yếu tố này.

 

 

“Hỗ trợ”, “Thân thiện” và “Nguyên tắc” là cảm nhận của cô khi làm việc tại trường F
Khi làm việc tại trường F, cô cảm thấy may mắn khi mình nhận được sự hỗ trợ từ các giảng viên khác, có những việc mình không biết thì sẽ được mọi người giúp đỡ và hướng dẫn tận tình. Cảm giác thứ hai của cô là mọi người đều thân thiện và nhiệt tình, các giảng viên hay chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm trong cuộc sống nên cô cũng cảm thấy rất vui. Cuối cùng, trong quá trình làm việc với nhau, cô nhận ra mọi người ai cũng đều có những nguyên tắc riêng. Điều tuyệt vời là chúng ta dựa trên nguyên tắc đó khi làm việc nhưng cũng khéo léo dung hòa, linh hoạt khi hợp tác với nhau.

Được “trao đổi kiến thức”, “chia sẻ trải nghiệm” với các bạn sinh viên là điều may mắn, cũng là niềm vui của cô
Có thể được cùng các bạn sinh viên “trao đổi kiến thức”, “chia sẻ trải nghiệm” là điều may mắn và cũng là niềm vui của cô. Cô nhận thấy bản thân mình vẫn còn nhiều điểm chưa giỏi, kiến thức và kinh nghiệm của mình cũng không nhiều nên cô không nghĩ mình là “người dạy học” cho các bạn mà nghĩ mình là “người bạn đồng hành” cùng các bạn. Cô chỉ có thể chia sẻ với các bạn những “con đường” và cô đã đi qua và nói với các bạn rằng “ở ngoài kia nó như vậy đó, nhớ chuẩn bị trước nha”. Cô cũng hay nói với các bạn, không ai trong chúng ta là hoàn hảo, mà chúng ta cũng không cần phải hoàn hảo, chỉ cần “ta vấp ở đâu thì đứng lên ở đấy”, thế là được rồi.

Ngẫm lại mới thấy rằng các bạn sinh viên “mỗi ngành mỗi tính cách”
Bây giờ, khi ngẫm lại, cô mới thấy rằng các bạn sinh viên ở mỗi ngành sẽ có tính cách khác nhau. Nếu như nói các bạn ở ngành Kinh doanh quốc tế “nghiêm túc với mọi thứ”, thì các bạn ở ngành Quản trị Khách sạn, Quản trị du lịch & lữ hành “luôn hài hước và rất thích giỡn”, còn các bạn ở ngành Truyền thông đa phương tiện “rất cá tính và thích thể hiện cá tính riêng của mình”. Nhìn chung, mỗi bạn có một nét riêng nhưng đều rất dễ thương và dễ mến.

Lời nhắn nhủ cô muốn gửi đến các bạn sinh viên trường F
Cô muốn gửi đến các bạn một vài điều nho nhỏ. Đầu tiên là hy vọng các bạn sẽ “mạnh dạng tiếp nhận thử thách”. Các bạn còn rất trẻ và có rất nhiều thời gian nên đừng ngần ngại nhé. Miễn là, khi các bạn muốn làm việc gì thì nên suy xét đến hậu quả của nó, nghĩ xem việc mình làm sẽ có ảnh hưởng với người khác như thế trước khi đưa ra quyết định. Điều thứ hai, cô mong là các bạn sẽ “dám làm dám chịu trách nhiệm”, không nên trốn tránh hay đổ lỗi nếu mình làm sai.

Cuối cùng, cô hy vọng các bạn sẽ dần dần xây dựng nên bộ nguyên tắc riêng và giá trị cá nhân để ứng xử trong cuộc sống, khi làm việc với người khác hay để phát triển bản thân. Tuy rằng việc “dĩ hòa vi quý” là quan trọng nhưng chắc chắn rằng mình không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người được, vì mỗi cá nhân sẽ có quan điểm riêng. Đúng là chúng ta cần lắng nghe ý kiến từ mọi người để hoàn thành công việc tốt hơn, bản thân mình cũng sẽ học hỏi được nhiều điều và phát triển theo hướng tích cực. Tuy nhiên, ta hãy lắng nghe có chọn lọc dựa theo quan điểm và nguyên tắc của mình nếu không thì vô tình mình sẽ tự “ký gửi cuộc đời mình vào tay người khác.”

 

 

Những lời cô muốn nói với bản thân trong quá khứ và tương lai
Nếu cô có một cuộc đối thoại với chính mình trong quá khứ, cô sẽ nói rằng: “Tôi ơi, đừng chọn con đường đó”. Mặc dù biết quá khứ là điều mình không thể nào thay đổi, nhưng thật lòng, cũng có những quyết định đã là khiến cô cảm thấy nếu được chọn lại mình sẽ làm khác đi. Hiện tại, cô nghĩ điều quan trọng là mình cần cố gắng để không phải lặp lại những sai lầm tương tự như vậy nữa. Còn quá khứ, dù đúng hay sai ta cũng không thể thay đổi, hãy xem nó là những trải nghiệm để ta trưởng thành, “làm sai để ta biết cách làm đúng”.

Cả hiện tại và tương lai, cô luôn nhắn nhủ với bản thân hãy cố gắng trau dồi thêm nhiều kiến thức, tiếp tục phát triển bản thân hơn vì hiện nay, mọi thứ thay đổi rất nhạn, rất nhiều kiến thức mình còn chưa biết, nếu không nỗ lực học hỏi mình sẽ không thể nào bắt kịp. Hơn nữa, biết được thêm điều này điều nọ là một việc rất thú vị.


Kiều My

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *