Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, giảng viên ngành Ngôn ngữ Hàn: Môi trường tại Đại học FPT Cần Thơ luôn năng động, mới mẻ và phát triển không ngừng

Nhắc đến Ngôn ngữ Hàn, chúng ta thường nghĩ đến các bạn sinh viên năng động, thích văn hoá, âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc. Và thực tế, giảng viên tiếng Hàn cũng không kém phần trẻ trung, năng động. Hôm nay, hãy cùng gặp gỡ và trò chuyện với cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - nữ giảng viên xinh đẹp ngành Ngôn ngữ Hàn của Đại học FPT Cần Thơ nhé!

 

 

 

 

Mối duyên với nghề giáo
Có thể nói, đến với nghề giáo không phải là dự định ban đầu của cô Nguyễn Thị Mỹ Dung. Lí do cô chọn ngành Ngôn ngữ Hàn và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành giáo dục tiếng Hàn trường đại học Myongji Hàn Quốc đích thị là cơ duyên.


Thực tế, cô Mỹ Dung tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng trước đó. Mặc dù đem lòng yêu thích tiếng Hàn nhưng do Cần Thơ vẫn chưa có cơ sở đào tạo và không thể đi nơi khác nên cô chỉ đành chọn một chuyên ngành tại đại học và tự trau dồi tiếng Hàn ở nhà.
Thế nhưng, cô vẫn luôn muốn học và làm mọi thứ liên quan đến Hàn Quốc. Và đó cũng chính là thứ thúc đẩy cô Mỹ Dung lên Sài Gòn tìm cơ hội và tìm trung tâm để học lại ngôn ngữ Hàn một cách bài bản hơn.


Nhờ vào một anh bạn có cùng khao khát đi Hàn, cả hai tìm cơ hội và ở đất nước khác miệt mài rèn luyện. Với tinh thần chịu khó và tiếp thu nhanh, cô bén duyên với nghề gia sư và thế là quyết tâm theo đuổi ngành giáo dục tiếng Hàn.

 

 

 


Mối duyên với Đại học FPT Cần Thơ
Khi hoàn thành chương trình học tại trường Đại học Myongji Hàn Quốc cũng là lúc cô biết trường đại học FPT Cần Thơ ở quê nhà mở ngành Ngôn ngữ Hàn và đang tuyển giảng viên. Cùng tâm trạng mừng rỡ, cô không ngần ngại đăng kí ứng tuyển.


Với cô, Đại học FPT Cần Thơ là ngôi trường đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài và có cơ sở vật chất hiện đại. Cô Mỹ Dung đã ví đây là một cơ hội có một không hai vì vừa được sống gần gia đình sau nhiều năm tha hương, vừa được làm công việc yêu thích.


Đây đã là năm thứ 2 gắn bó cùng trường, nhưng đối với cô, tất cả vẫn cực kì lạ lẫm. Cô thấy mình như tấm chiếu mới vì môi trường tại FPT luôn tạo cảm giác mới mẻ, tự do, không gò bó và nhàm chán. Luôn có những tấm gương sáng về thành tích học tập, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên tạo cảm giác phải học tập và trao dồi nhiều hơn.

 

 

 


Feedback: Áp lực hay động lực?
Sau mỗi học kỳ, sinh viên luôn có cơ hội nêu nhận xét, đánh giá của mình về quá trình giảng dạy của thầy cô trong bài feedback. Nói về feedback, cô Mỹ Dung đã có một kỷ niệm không mấy vui vẻ với nó.


Dù đã từng làm gia sư trước đây, nhưng khi lần đầu đứng lớp đông như giảng đường đại học thì cô đã không khỏi run rẩy. Ngoài tiếng Hàn, cô còn phải giảng dạy thêm về kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử Hàn Quốc.


Việc hiểu biết và truyền đạt lí thuyết là hai chuyện khác nhau. Thế nên, đôi khi cô tự cảm thấy mình nói lòng vòng, ngập ngừng, làm sinh viên cảm giác lan man và khó hiểu. Lắm lúc muốn dừng lại khi nhận feedback không tích cực mấy.

 

 


Cô rất buồn, áp lực dẫn đến mất ăn mất ngủ và cảm thấy mình không còn phù hợp với nghề giáo nữa. Sau nhiều ngày nhìn lại bản thân, thay vì ủ rũ, cô Mỹ Dung muốn mình bứt phá, khắc phục và phát triển hơn.


Đến thời điểm này, cô đã nhận lại nhiều feedback tích cực hơn từ sinh viên. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, nếu không có những feedback chân thành ấy thì cô không thể biết mình thiếu sót ở đâu để sửa chữa. Bây giờ, cô luôn ở tâm thế nhiệt tình đón nhận feedback từ sinh viên. Không ngại khi có ai đó chịu nói thật để biết về những khuyết điểm của bản thân mình.

Tin tức Liên quan