Nhà F áo cam Cần Thơ nổi tiếng không chỉ là nơi quy tụ nhiều nữ giảng viên xinh đẹp mà còn vô cùng tài năng, ai cũng có cho mình những nét tỏa “hương” riêng. Đến với bài viết lần này, hãy cùng Đại học FPT Cần Thơ gặp gỡ một trong số những “đóa hồng” ấy – Cô Nguyễn Anh Thư – Giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và cùng nghe cô chia sẻ về những trải nghiệm giảng dạy thú vị cũng như tips học Writing hiệu quả nhé!
Cô đã bén duyên với tiếng Anh như thế nào?
“Xin chào các bạn đọc, cô là Nguyễn Anh Thư, cô đã tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Anh và hiện đang công tác tại Đại học FPT Cần Thơ. Thú thật thì, ngày bé cô đã từng rất ám ảnh với môn học này vì học chẳng hiểu gì do tiếp xúc với ngôn ngữ này khá muộn và khi ấy cô cũng chẳng có được nguồn tư liệu học tập phong phú như bây giờ, ngoại trừ mấy quyển sách giáo khoa tiếng Anh cũ kỹ của những người thân đã từng học trước đây. Tiếng Anh là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ với một đứa con gái ở quê như cô. Chưa bao giờ cô nghĩ mình sẽ trở thành cô giáo, mà lại còn là cô giáo dạy tiếng Anh! Vì tuổi thơ cô chỉ muốn được làm 1 cô thợ may, thợ trang điểm, làm tóc hay thậm chí chỉ là một người giúp việc nào đó thôi. Tuổi thơ cô thích kiếm tiền bằng cách đi “làm mướn” hơn (cười)!”
“Và thế là duyên phận đẩy đưa cô đến với chuyên ngành này cũng chỉ vì mấy quyển sách tiếng Anh do anh trai cô để dành tiền học bổng mua tặng. Cô yêu quý những quyển sách đó vô cùng vì đó là sự nỗ lực và là tình yêu thương của anh trai dành cho mình. Vậy là cô quyết định thi vào sư phạm Anh với hành trang là quyển sách chất chứa đầy những yêu thương kia.” – Cô Thư đáp.
Trong suốt quá trình giảng dạy tại Đại học FPT Cần Thơ, cô thấy đây là một môi trường như thế nào?
“Cô luôn tin rằng: “Khi một cánh cửa đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra” và cô đã đến với trường F chúng ta cũng trong tâm thế như vậy. Cô cũng đã từng gặp những khó khăn trong quá khứ nhưng lần này, được bén duyên tại Đại học FPT Cần Thơ cánh cửa lại thênh thang, rộng mở với biết bao điều mới lạ, tích cực mà cô luôn được học tập mỗi ngày khi làm việc tại đây.”
Cô Thư chia sẻ thêm: “Khi biết tin mình được chọn vào giảng dạy cho các bạn sinh viên trường F là một điều cô luôn mang trong tâm một sự trân trọng, biết ơn lẫn sự tự hào. Trân trọng vì mọi người đối xử với nhau bằng sự công tâm, thiện lành; biết ơn vì nhờ vào môi trường lành mạnh và những con người nhân hậu mà mình được sống tốt hơn mỗi ngày. Hơn thế nữa là được làm “người nhà FPT” luôn là điều mơ ước của rất nhiều người và tự hào thay, may mắn thay cô được mang trên mình “danh xưng”’ ấy suốt 03 năm qua.”
Hiện nay, tiếng Anh vẫn là một trong những trở ngại lớn của các bạn HSSV, nhất là kĩ năng Writing. Với kinh nghiệm của mình cô có thể chia sẻ những phương pháp cải thiện Writing hiệu quả không ạ?
“Trong tiếng Anh, kỹ năng Viết đòi hỏi người học cần phải thực hành, gọt dũa thường xuyên. Để quá trình học kỹ năng này đạt hiệu quả thì cô nghĩ chúng ta phải kết hợp rất nhiều yếu tố. Trong đó phải kể đến việc xác định đúng thể loại bài viết và chiến thuật viết cho từng thể loại cụ thể.
- Thứ nhất để xác định thể loại bài viết, chúng ta phải biết chủ đề yêu cầu điều gì. Từ đó chúng ta có thể đưa ra văn phong phù hợp (formal hoặc informal) với chủ đề đó. Chẳng hạn, trong các bài báo khoa học hoặc các báo cáo kinh doanh, người viết phải sử dụng cách viết trang trọng và học thuật, cách viết hoàn toàn khắc so với viết 1 email phản hồi trước thông tin 1 người bạn vừa trúng tuyển 1 học bổng nào đó.
- Thứ hai, để hoàn thành 1 bài viết, người học cần nắm vững các giai đoạn hình thành bài viết. Từ lúc hình thành ý tưởng cho tới khi cho ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi người viết phải bám sát và linh hoạt. chẳng hạn, sau khi lên được ý tưởng thì chúng ta phải sắp xếp các ý tưởng đó 1 cách logic và luôn tập trung vô ý tưởng đó, tránh ôm đồm, viết lan man.”
Chia sẻ thêm về chủ đề này, cô Thư tiếp lời: “Để khả năng viết lách được trơn tru thì không thể thiếu quá trình tập luyện với áp lực thời gian. Sẽ tốn khá nhiều giấy mực và thời gian trước khi người viết cho ra sản phẩm hoàn thiện và buộc họ phải kiên trì với quá trình viết nháp đến hơn 1 lần để được sản phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, để làm quen với nhiều dạng viết khác nhau người học cần nhiều thời gian đọc và tham khảo các bài viết mẫu trên những sách hoặc trang mạng uy tín. Thông qua đó, người học được tiếp xúc với sự đa dạng về văn phong, cấu trúc cũng như củng cố, mở rộng từ vựng cho quá trình viết được hiệu quả hơn.”
Cô hãy gửi một vài lời đến các bạn sinh viên trường F nhé!
“Cô mong rằng qua những điều cô vừa chia sẻ, các bạn sẽ bớt sợ môn Writing hơn nha! Chúc các bạn luôn học tốt!”
Ánh Ngọc