Đại học FPT Cần Thơ

Cô Huỳnh Ngọc Đông Giao – Cô giáo quốc dân trong mắt sinh viên Truyền thông Đại học FPT Cần Thơ

Cùng nghe những tâm sự của cô Huỳnh Ngọc Đông Giao, hiện đang giảng dạy tại Đại học Cần Thơ và khám phá nickname “Cô giáo quốc dân” đang cực kì nổi tiếng của cô nhé!

 
Câu chuyện nghề chọn người
Cô Huỳnh Ngọc Đông Giao hiện đang là giảng viên chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện – Bộ môn Biz tại Đại học FPT Cần Thơ. Ngay từ ban đầu, trong suy nghĩ của cô chưa bao giờ có ý định sẽ đi theo con đường giảng dạy.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân (đại học) chuyên ngành Việt Nam Học và Thạc sĩ Quản trị truyền thông, tính đến nay cô đã thu về cho mình gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.
Tuy nhiên trong thời gian làm việc, cô Giao có cơ hội đào tạo, tập huấn, hỗ trợ cho đối tượng sinh viên rất nhiều. Có lẽ, chính vì điều này nên dù chưa từng có kinh nghiệm giảng dạy trước đó, cô cũng không gặp nhiều khó khăn để hiểu, kết nối và truyền tải kiến thức cho sinh viên qua những giờ giảng dạy.

 

 

Câu chuyện đồng hành cùng Đại học FPT Cần Thơ
Theo cô Đông Giao, việc lựa chọn Đại học FPT hoàn toàn là từ góc nhìn cá nhân. Là người con Cần Thơ, cô có nhiều thời gian làm việc với sinh viên nơi đây nên sự trăn trở về hành trình trưởng thành của người trẻ trong suy nghĩ lại ngày càng lớn dần lên.
Sau một khoảng thời gian tương đối dài với nghề truyền thông, cô quyết định rẽ hướng, lựa chọn công tác giảng dạy tại mảnh đất quê hương. Cô muốn gần gũi hơn cũng như đóng góp trực tiếp với thanh niên Cần Thơ và miền Tây quê hương mình.
Về việc chọn Đại học FPT Cần Thơ là nơi phát triển sự nghiệp cũng có thể xem là duyên số. Trong quá trình làm việc trước đây, cô đã từng hợp tác và quan sát trong thời gian dài về cách vận hành và triết lý giáo dục “trường học trải nghiệm”.
Với sự tôn trọng và đánh giá cao hướng đi của Tổ chức giáo dục FPT, khi lựa chọn giảng dạy, cô đã hướng ngay về Đại học FPT Cần Thơ để đồng hành và cống hiến.

 

 

Câu chuyện đằng sau cái tên “Cô giáo quốc dân”
Có một sự hài hước là ngay cả chính chủ – cô Đông Giao cũng không biết cái tên này bắt nguồn từ đâu. Phải cho đến khi các bạn sinh viên liên tục dùng để gọi cô thì cô mới biết thôi đến sự hiện diện của nó.
Sinh viên tại Đại học FPT Cần Thơ đều rất thú vị. Các bạn sáng tạo cực nhiều biệt danh dễ thương để xưng hô với thầy, cô. Đối với các bạn, cô Giao là người giảng viên mà ai cũng muốn theo học một lần. Không chỉ về chuyên môn, cách truyền đạt và những chia sẻ của cô trong những buổi học là thứ thu hút các bạn ấy.

 

Thứ thể hiện rõ nhất là quan điểm cá nhân về giảng dạy của cô. Theo cô, giáo dục là dành cho số đông, đại chúng nên bên cạnh việc lắng nghe phát triển cho những cá nhân, nhóm qua những dự án, hạng mục cuộc thi thì cô tâm niệm tất cả sinh viên đều như nhau.
Cô Đông Giao luôn cố gắng tốt nhất có thể nhằm không để bạn nào bị bỏ lại phía sau. Bất cứ ai cũng có giá trị và đáng được tôn trọng. Có thể vì việc luôn hướng đến số đông, sự phát triển chung, các bạn sinh viên đã phần nào cảm nhận được và ưu ái đặt cho cô biệt danh này.
Cô Giao cho rằng: “Việc nghĩ ra những biệt danh cho thầy, cô – người thường xuyên gặp gỡ và chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống cùng các bạn là điều không khó. Bản thân mình rất trân trọng vì đó là tình cảm các bạn dành cho thầy, cô một cách chân thực và cụ thể nhất.”
Cô trân trọng danh xưng “Cô giáo quốc dân” và luôn nghĩ sinh viên tại Đại học FPT Cần Thơ có hầu hết những đặc tính đáng yêu của người miền Tây: gần gũi, thân thiện, lễ phép và chân thành.

Câu chuyện về cô – trò Đại học FPT Cần Thơ
Sau hơn một năm công tác tại campus Cần Thơ, điều cô tự xem là thành tựu nhất chính là tình cảm và sự tin tưởng của sinh viên dành cho mình. Cũng chính từ điều này mà bản thân cũng đã và đang đồng hành, cố vấn các dự án do các bạn sinh viên thực hiện.
Cuối buổi phỏng vấn, cô Đông Giao đã chia sẻ nhiều cái nhìn, nhận xét về cô, cậu học trò của mình. Cô cảm nhận sinh viên thời nay ngày càng năng động.

 

Với sự phát triển của KT-XH và những tiến bộ về công nghệ giúp các bạn tiệm cận nhanh chóng với quốc tế và nâng cao năng lực cá nhân. Sóng sau xô sóng trước, xã hội ngày càng đi lên, việc mỗi thế hệ kế tiếp sẽ càng tài giỏi hơn như một điều hiển nhiên và rất đáng mừng.
Tuy nhiên qua thời gian quan sát, tìm hiểu và so sánh, cô thấy rằng, lứa tuổi này với những đặc điểm tâm sinh lý sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn trong hành trình trưởng thành của chính mình. Điều này đặc biệt thể hiện ra khi xã hội, công nghệ càng phát triển và tạo ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của các bạn sinh viên.
Vậy nên, cô luôn chú ý từng bạn một cũng như mong các bạn sẽ lưu tâm, lắng nghe sức khỏe chính mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *