Đại học FPT Cần Thơ

Chủ tịch FPT và CEO Axie – đối thoại mở giữa hai thế hệ ‘tỷ đô’

Hai người đàn ông, một 29 tuổi, một 65 tuổi, cùng đam mê công nghệ, cùng sở hữu cơ nghiệp tỷ đô, đã có một cuộc đối thoại đặc biệt. Tại đó, người ở hai thế hệ như gặp được một phiên bản khác của chính mình.

Buổi hội thảo online với cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm ĐH FPT Nguyễn Thành Trung – Co-founder và CEO Axie Infinity – đã diễn ra vào lúc 20h ngày hôm qua, 27/7. Trong 1 tiếng 30 phút của chương trình, Thành Trung không chỉ mang đến những câu chuyện thú vị về hành trình gây dựng sự nghiệp của bản thân mà còn tạo nên một cuộc hội thoại đầy cảm hứng giữa hai thế hệ.

Một bên là chàng trai trẻ khởi nghiệp – “cha đẻ” tựa game blockchain với giá trị vốn hóa khoảng 2,5 tỷ USD và một bên là Chủ tịch tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam – Trương Gia Bình.

 

Cuộc đối thoại được VJ Phạm Tuyết Hạnh Hà dẫn chương trình.

Anh Trương Gia Bình: Sau những ngày vừa qua được truyền thông quan tâm và trở thành một hiện tượng đặc biệt, cảm xúc của Trung ra sao?

Nguyễn Thành Trung: Đầu tiên chắc chắn là niềm vui, một niềm vui dành cho cả team Axie. Bỏ qua nhiều thông tin chưa chính xác thì trên cả một con đường dài, những cố gắng, nỗ lực của em đã phần nào được ghi nhận, quan tâm.

Hồi tưởng lại thời điểm bắt đầu Axie từ 2018, đây cũng là lúc lần đầu tiên bọn em bắt đầu với công nghệ blockchain. Chưa từng nghĩ là mình sẽ làm game dù hồi bé “nghiện game” đã nghĩ sau này mà làm được ra một game chắc ngầu lắm, thích thú lắm. Nhưng dù sao game vẫn chỉ là sở thích, công nghệ mới là đam mê lớn nhất và mãnh liệt nhất. Nếu chỉ là game thông thường chắc em sẽ không bao giờ làm, nhưng vì Axie là game công nghệ – nó có hàm chứa thế mạnh của bản thân là công nghệ, nên đó là yếu tố rất lớn để em nghĩ rằng: “À mình có thể bắt đầu”.

Anh Trương Gia Bình: Được gọi là “tỷ phú đô la” với trò chơi công nghệ mới đang dẫn đầu thế giới, thành công đó của Trung là điều anh luôn mong muốn với giới trẻ Việt Nam. Nhưng thành công lớn luôn phải bắt đầu từ đam mê lớn, vậy đam mê về máy tính, về công nghệ của em đã khởi nguồn ra sao?

Nguyễn Thành Trung: Thành công thì em không dám nhận, con đường em cần đi còn rất dài. Em gọi đây là một dấu mốc mình đã làm tốt và mong muốn chia sẻ những điều tích cực. Niềm đam mê công nghệ của em bắt đầu từ game. Em thích cái cảm giác khi chơi game – lúc mình có thể tự tay điều khiển một điều gì đó làm theo ý nghĩ và sự sáng tạo của mình. Đó cũng chính là suy nghĩ của lần đầu tiên em tiếp xúc với lập trình lúc 9 tuổi. Khi viết những dòng code để ra lệnh cho máy tính là cảm giác đầy chinh phục: Ồ, mình đã xây dựng được sự tương tác và sản phẩm đầu tay thể hiện sự sáng tạo.

Phần lớn em tiếp xúc với lập trình qua đọc sách. Quyển sách đầu tiên đưa em vào thế giới ấy là “Cuốn giải bài tập Pascal”. Từ đó em bắt đầu mày mò từ những chiếc đĩa mềm để cài Pascal, gõ từng dòng lệnh, nhìn nó chạy, em thấy “thần kỳ”.

Anh Trương Gia Bình: Ai cũng nói tôi có đam mê, tôi có khát vọng, ước mơ, nhưng không phải ai cũng dành thời gian cho những điều ấy. Còn Trung, em đã dành thời gian cho đam mê của mình như thế nào?

Nguyễn Thành Trung: Đam mê của em luôn thay đổi theo thời gian vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khi là học sinh cấp 1 – 2 do bố mẹ quản lý nhiều, thời gian được ngồi máy tính thực sự không nhiều. Hơn nữa lúc ấy cũng có nhiều điều thu hút em, như truyện tranh chẳng hạn. Lớn lên em bắt đầu được thử sức với các cuộc thi lập trình, phần mềm, lúc ấy em đã bắt đầu có mục đích. Càng nhiều cuộc thi thì em càng dành nhiều thời gian cho lập trình.

Khoảng thời gian học cấp 3, em tương đối “ngông cuồng”. Em học chuyên Toán – Tin nhưng em tự thấy em biết nhiều hơn các bạn đồng trang lứa, vậy là chẳng có gì thú vị cả. Em chìm đắm trong chuỗi ngày dài bỏ học và chơi game. Nhưng sự ngông cuồng ấy cũng phải dừng lại khi em nhận thấy các bạn đã tận dụng khoảng thời gian em bỏ bê để vượt qua mình. Sự tỉnh ngộ kịp thời đã giúp em quay lại với đam mê và đạt được học bổng toàn phần của Đại học FPT lúc ấy.

 

Cuộc đối thoại hơn 1 tiếng đồng hồ mang đến nhiều góc nhìn mới về sự đam mê và theo đuổi đam mê.

Anh Trương Gia Bình: Bước chân vào ngưỡng cửa đại học và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê tin học, khoảng thời gian ấy đã mang đến cho Trung những điều gì?

Nguyễn Thành Trung: Với bản thân, em luôn nghĩ đi học tại trường không phải là con đường quan trọng nhất, mà tự học, tự tìm tòi mới quan trọng hơn cả. Đó là lý do em chọn Đại học FPT bên cạnh 2 trường đại học khác cũng được tuyển thẳng. Kiến thức là điều rất quan trọng, nhưng ta có thể thu nhặt nó bằng nhiều hình thức tuỳ vào nhu cầu của bản thân. Nhưng Đại học FPT thì còn mang đến cho em nhiều thứ khác nữa, đó là môi trường, là trải nghiệm. Một phần tuổi trẻ của em đã ở đó cùng các cuộc thi về lập trình và phần mềm trong nước cũng như quốc tế.

Đó cũng là khoảng thời gian em có cơ hội được đi ra khỏi mảnh đất chữ S, đến nhiều đất nước khác để tham gia các vòng sâu hơn của mỗi cuộc thi như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nga. Em rất thích cảm giác được đến một nơi xa để tham dự một cuộc thi đầy thử thách, đặc biệt là lần đến nước Nga.

Anh Trương Gia Bình: Anh có một niềm tin: tiếng Anh là chìa khoá để thành công. Niềm tin này cũng được anh gửi gắm rất nhiều vào chương trình giáo dục tại FPT Education. Vậy em đã học tiếng Anh ra sao?

Nguyễn Thành Trung: Em chưa bao giờ thực sự dành nhiều thời gian và đầu tư cho việc học tiếng Anh. Em học tiếng Anh chủ yếu phục vụ đam mê của mình, ví như để đọc sách chuyên ngành về máy tính, công nghệ. Do đó, khả năng đọc hiểu và viết của em khá tốt nhưng các kỹ năng còn lại thì “dở ẹc” vì chưa thực sự hoàn thiện. Nhưng ở Đại học FPT, mọi sinh viên đều được trải qua các khoá tiếng Anh dự bị, nên có hành trang đủ để tiếp cận với cái mình muốn. Nhất là trong lĩnh vực công nghệ, giới hạn tiếp cận của mình sẽ rộng ra rất nhiều nếu có tiếng Anh. Càng giỏi tiếng Anh sẽ càng có nhiều cơ hội khởi nghiệp và phát triển trong ngành này.

Anh Trương Gia Bình: Công nghệ luôn là niềm đam mê, vậy hiện nay em đang đam mê công nghệ gì?

Nguyễn Thành Trung: Trong quá trình lớn lên của mình, em chứng kiến sự thay đổi bước ngoặt của web từ 1.0 lên 2.0. Đây là thứ công nghệ phức tạp đầu tiên mà em tiếp xúc và tìm tòi. Về sau này, có rất nhiều công nghệ để em khám phá.

Blockchain lại là thứ ban đầu em rất ghét, bởi nó gợi lên những góc nhìn tiêu cực cho em trong thời điểm đó. Nhưng sau cùng vẫn là game đã thay đổi em. Lần đầu em đọc một bài báo về game blockchain, em tò mò rằng họ đã kết hợp như thế nào giữa một thứ khô khan buồn tẻ như blockchain với một thứ đầy tính tương tác và thú vị như game. Vậy là em chơi thử và có cái nhìn khách quan hơn, tích cực hơn. Đó là lúc em thay đổi và hứng thú.

Thành Trung đã có những chia sẻ đầy cởi mở và dí dỏm trong cuộc gặp hôm qua.

Anh Trương Gia Bình: Em có phải là người tò mò, thấy gì lạ là muốn tìm hiểu không?

Nguyễn Thành Trung: Có, em là một người rất tò mò, ý em là sự tò mò mang tính tích cực, mở đường cho sự học hỏi, cầu thị và thậm chí thấu hiểu người khác. Nếu không đủ tò mò về một ai đó, một vấn đề gì đó thì sẽ không bao giờ mở được những cánh cửa tiếp theo để có cơ hội đến gần hơn. Do vậy, kể cả sau này khi tuyển dụng nhân sự thì đây vẫn là một tính cách em rất mong tìm kiếm ở ứng viên.

Anh Trương Gia Bình: Tò mò chính là cái gốc để học, để bắt đầu. Còn tính cách nào nữa nổi trội ở Trung?

Nguyễn Thành Trung: Em nghĩ là sự cạnh tranh, không ngại va chạm. Em nhận thấy nét tính cách này khi tham gia các cuộc thi. Ngoài ra, em thấy còn một phẩm chất nữa là thích “cầm đầu”. Ngay từ khi còn cấp 1 em đã rất hay đầu trò nghịch ngợm, khích bác các bạn, cấp hai thì “rủ rê” các bạn chơi điện tử.

Em luôn nghĩ rằng những đứa trẻ quá ngoan, quá nghe lời thì những tiềm năng và tính cách sẽ rất khó để phát hiện. Trong khi những đứa trẻ “quậy” sẽ luôn dễ dàng để giáo viên hay bố mẹ phát hiện ra tính cách cũng như phẩm chất. Chung chung hơn, khi mình càng va chạm bao nhiêu thì càng dễ để phát hiện ra cả điểm xấu cũng như điểm tốt để tiếp tục hoàn thiện hay phát triển bấy nhiêu.

Anh Trương Gia Bình: Không ngại va chạm có phải là một trong những nguyên nhân khiến Trung đi đến quyết định tạm dừng việc học ở năm hai và theo đuổi khởi nghiệp?

Nguyễn Thành Trung: Em nghĩ là đúng. Năm 2 em tạm nghỉ học để đi khởi nghiệp cùng một vài người bạn. Đây là quyết định khiến bố mẹ lo lắng, là khoảng thời gian tương đối “cứng đầu” của em. Nhưng bản thân em học được rất nhiều trong quãng thời gian này. Sau 3 năm khởi nghiệp không thành, vào thời gian mông lung và vô định nhất thì em quyết định quay lại trường đại học và hoàn thành việc học như một trách nhiệm của mình. Lúc này em hơi mất định hướng, việc quay lại trường học giúp em có thêm thời gian để hiểu chính mình và nhìn lại con đường mình sẽ đi.

Anh Trương Gia Bình: Bất kỳ người trưởng thành nào cũng có những thời gian, những khoảng trống vô định như vậy để sau đó mình sẽ học được nhiều thứ hơn. Và điển hình là hành trình của em với Axie sau này, Trung đúc rút được điều gì là quan trọng nhất?

Nguyễn Thành Trung: Cùng với Axie, em nhận ra rằng làm việc chung với cộng sự hay bạn bè thì hiểu nhau là quan trọng nhất. Bởi chỉ có như vậy mới có sự đồng cảm để chung tay và nhìn về một hướng.

Axie có 2 Co-founder là người nước ngoài – Mỹ và Na Uy. Thuyết phục, dụ dỗ, “bắt ép” họ về Việt Nam để cùng nhau khởi nghiệp là việc đầu tiên em làm. Em tin khả năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn là điểm mấu chốt để cùng nhau khởi nghiệp. Việc cãi nhau khi mặt đối mặt luôn đơn giản hơn rất nhiều khi phải cãi nhau qua màn hình và bàn phím. Chính quyết định này đã khiến bọn em hiểu nhau hơn, học được nhiều điều từ nhau và đi cùng nhau đến bây giờ.

Người đứng đầu FPT đặt nhiều câu hỏi xung quanh dự án khởi nghiệp của Thành Trung – Axie Infinity.

Anh Trương Gia Bình: Về Axie, anh rất tò mò là tại sao em lại kén chọn cả cộng đồng chơi game, chẳng phải càng nhiều người chơi càng tốt sao?

Nguyễn Thành Trung: Kén chọn cộng đồng chơi game là một quyết định rất quan trọng của Axie vì từ đó, cộng đồng sẽ trở thành thế mạnh của Axie. Em tin rằng muốn xây dựng văn hóa game tốt thì việc lựa chọn cộng đồng ngay từ những ngày đầu là tiên quyết. Với cương vị là người làm sản phẩm, em luôn cố gắng thu ngắn khoảng cách giữa người làm và người chơi để thấu hiểu nhu cầu và làm ra một sản phẩm ưu việt. Qua đó, lan truyền những suy nghĩ, thông điệp và tầm ảnh hưởng tới người chơi của mình. Đó là một mối quan hệ tin tưởng.

Anh Trương Gia Bình: Axie đang thu hút được rất nhiều người tham gia, vậy game hấp dẫn nhất ở điểm nào, theo Trung?

Nguyễn Thành Trung: Axie là một game chưa có nhiều thời gian hoàn thiện, phần lớn bọn em mới tập trung xử lý phần kỹ thuật. Tuy nhiên, điều đã tạo nên sự hấp dẫn của Axie chính là thiết kế, sáng tạo tinh tế của đời sống trong game rất gần với đời sống thường ngày. Nền kinh tế trong Axie giúp người chơi được làm chủ và có những trải nghiệm giống đời thực. Sau cùng, em nghĩ tính hấp dẫn một phần cũng do phần thưởng trong game mang giá trị thật.

Có thể chính những điều này đã giúp cho giá trị vốn hoá của Axie tăng lên với tốc độ “chóng mặt”. Khi giá trị của game lớn bất ngờ như vậy, cả team rất vui vì nỗ lực đã được ghi nhận. Tuy nhiên, đây không phải câu chuyện may mắn sau một đêm thức giấc, mà là sự chuẩn bị, cố gắng, nỗ lực trong một thời gian dài, chỉ là nó đến sớm hơn dự kiến của bọn em. Con đường Axie còn dài, còn nhiều thứ cần phải làm, đây là thành công ở 1 chặng. Em còn muốn tạo ra những ứng dụng riêng, để làm phong phú đời sống của Axie.

Anh Trương Gia Bình: Việc em chọn thị trường lớn nhất cho Axie ở Philippines đã khiến anh rất cảm kích. Bởi khi tạo nên Đại học FPT, anh luôn mong muốn mở ra môi trường để xây dựng một đội quân mở rộng bờ cõi trí tuệ của Việt Nam. Đây chính là con đường giúp ta tiến xa nhất, không bị giới hạn bởi lãnh thổ về mặt địa lý. Do vậy, không cứ phải bắt đầu khởi nghiệp ở Việt Nam, đội quân ấy có thể bắt đầu từ bất kỳ mảnh đất nào, như Trung đã bắt đầu tại Philippines và làm nên một câu chuyện tỷ đô như hôm nay chúng ta cùng nói đến.

 Theo báo CHÚNG TA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *